Cách chữa viêm xoang mũi dị ứng tại nhà là một vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm, đặc biệt khi những triệu chứng của bệnh này có thể gây nên nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Bài viết này sẽ phân tích rõ ràng về các nguyên nhân gây bệnh cùng các phương pháp có thể áp dụng để điều trị bệnh viêm xoang mũi dị ứng ngay tại nhà.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Nguyên nhân gây viêm xoang mũi dị ứng
Viêm xoang mũi dị ứng là tình trạng phổ biến, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng mạnh mẽ với các tác nhân gây dị ứng trong môi trường. Dưới đây là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:
1.1 Ảnh hưởng của môi trường và thời tiết
Thay đổi mùa và thời tiết có thể làm thay đổi nồng độ các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi bặm trong nhà, nấm mốc, dẫn đến sự gia tăng các triệu chứng viêm xoang mũi dị ứng. Sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này.
1.2 Nhiễm trùng và thuốc
Các bệnh lý nhiễm trùng như cúm, nhiễm virus hoặc vi khuẩn có thể làm xuất hiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm xoang mũi dị ứng. Đồng thời, việc sử dụng một số loại thuốc như aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid cũng có thể kích hoạt các phản ứng dị ứng, biểu hiện qua các triệu chứng viêm mũi.
1.3 Nấm mốc
Các điều kiện môi trường ẩm ướt và thiếu thông gió tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc. Những người sống trong môi trường có nấm mốc thường xuyên có thể gặp phải các triệu chứng dị ứng quanh năm, thường là các triệu chứng liên quan đến viêm xoang mũi.
1.4 Mạt bụi
Mạt bụi là một loại côn trùng nhỏ bé sống trong môi trường gia đình, đặc biệt là trong các khu vực chứa đồ vải như chăn ga, gối đệm và thú nhồi bông. Chúng ăn các tế bào da chết của con người và tiết ra phân cũng như nước bọt, những chất này là nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng mũi - không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
1.5 Dị ứng với lông và da động vật
Lông và da động vật có nguy cơ chứa các chất có khả năng gây dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm. Việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc hít phải các phân tử gây dị ứng có trong không khí có thể gây ra các phản ứng dị ứng ở mũi và đường thở như viêm mũi dị ứng hoặc hen phế quản.
2. Cách chữa viêm xoang mũi dị ứng tại nhà
Có nhiều phương pháp đơn giản mà bệnh nhân có thể áp dụng tại nhà để giảm triệu chứng viêm xoang mũi dị ứng, đặc biệt là trong các trường hợp nhẹ và không có biến chứng. Dưới đây là một số cách chữa phổ biến:
2.1 Rửa mũi bằng nước muối
Rửa mũi bằng nước muối là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm các triệu chứng của viêm xoang mũi dị ứng. Nước muối có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và các chất gây dị ứng trong mũi, giúp làm sạch đường thở, giảm viêm.
Người bệnh có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước muối biển sâu sẵn có để rửa mũi hàng ngày như một cách chữa viêm xoang mũi dị ứng tại nhà. Phương pháp này có thể được thực hiện bằng cách dùng xịt mũi, xilanh hoặc các dụng cụ chuyên dụng. Tuy nhiên, nồng độ muối cần được kiểm soát kỹ lưỡng: nếu quá cao có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc mũi, trong khi nếu quá thấp sẽ không mang lại hiệu quả sát trùng mong muốn.
2.2 Sử dụng trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc cũng là một phương pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang mũi dị ứng tại nhà. Các loại thảo dược như hoa cúc, lá mullein, cây xô thơm, cỏ cà ri... thường chứa các thành phần có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên, giúp làm dịu niêm mạc mũi và giảm triệu chứng.
Ngoài việc uống trà thảo mộc, bệnh nhân cũng có thể xông hơi bằng trà gừng hoặc chanh để cách chữa viêm xoang mũi dị ứng tại nhà. Gừng chứa nhiều chất kháng khuẩn và kali, trong khi chanh giàu vitamin C, giúp làm loãng dịch nhầy trong xoang, cải thiện tình trạng viêm. Xông hơi bằng các loại trà này giúp thông thoáng đường thở và làm giảm các triệu chứng khó chịu do viêm xoang gây ra.
2.3 Xông hơi
Giữ cho các xoang sạch sẽ và duy trì độ ẩm cho niêm mạc là yếu tố quan trọng trong việc điều trị viêm xoang mũi dị ứng. Xông hơi với nước ấm giúp làm dịu các mô xoang, giảm cảm giác đau và nghẹt mũi, đồng thời mang lại cảm giác thông thoáng, dễ chịu.
Bệnh nhân có thể thực hiện xông hơi bằng cách mở nước nóng trong phòng tắm để tạo hơi nước, sau đó ngồi trong phòng để hít hơi ấm. Một cách khác là đun sôi nước trong nồi, sau đó để hơi nước bốc lên, trùm khăn lên đầu và hít hơi nước trực tiếp. Cả hai phương pháp này đều giúp làm loãng dịch nhầy và giảm tắc nghẽn mũi.
2.4 Chườm ấm
Chườm ấm là phương pháp hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi. Bệnh nhân có thể sử dụng khăn ấm để chườm lên vùng chữ T trên khuôn mặt (vùng trán và mũi). Nhiệt độ ấm giúp mở rộng các lỗ thông xoang, giảm sự tắc nghẽn và giúp cải thiện lưu thông khí, từ đó giảm các triệu chứng đau và khó chịu do viêm xoang mũi gây ra.
2.5 Sử dụng tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp
Tinh dầu bạc hà và khuynh diệp có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp giảm triệu chứng viêm xoang mũi dị ứng bằng cách mở thông đường thở, giảm cảm giác đau nhức vùng xoang. Bệnh nhân có thể thoa một lượng nhỏ tinh dầu lên vùng chữ T (vùng trán và mũi) để giúp làm giảm đau và nghẹt mũi. Tuy nhiên, cần chú ý rằng một số người có thể bị nhạy cảm với tinh dầu, dẫn đến kích ứng da, đỏ ửng hoặc tăng các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi. Vì vậy, người bệnh nên thử một lượng nhỏ trước khi sử dụng rộng rãi và tránh dùng các loại tinh dầu không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, việc sử dụng máy khuếch tán tinh dầu trong phòng ngủ cũng là một phương pháp hữu ích. Tinh dầu khuếch tán trong không khí không chỉ giúp tạo môi trường thư giãn mà còn hỗ trợ giảm viêm và làm thông thoáng đường hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy cineol - một thành phần trong dầu khuynh diệp, có thể giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sau viêm xoang cấp tính.
2.6 Sử dụng men vi sinh
Men vi sinh (probiotics) không chỉ có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn có thể hỗ trợ điều trị viêm xoang mũi dị ứng. Bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột, từ đó tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Khi hệ miễn dịch được cải thiện, cơ thể sẽ có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn, từ đó làm giảm nguy cơ mắc và phát triển viêm xoang mũi dị ứng.
3. Những lưu ý khi áp dụng những cách chữa viêm xoang mũi dị ứng tại nhà
Hiện nay, có nhiều phương pháp dân gian được truyền miệng để điều trị viêm xoang như giã nát lá cây để lấy nước nhỏ vào mũi hoặc uống nước từ các loại lá cây. Tuy nhiên, những phương pháp này chưa được kiểm chứng khoa học và có thể tiềm ẩn rủi ro. Việc sử dụng sai cách có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, tắc nghẽn hoặc nhiễm khuẩn, làm cho bệnh viêm xoang trở nên trầm trọng hơn và khó điều trị.
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà đã được y khoa khuyến cáo, bệnh nhân viêm xoang cần chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nặng triệu chứng hoặc gây khởi phát bệnh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Các bệnh lý đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, COVID-19.
- Viêm họng.
- Các tác nhân gây dị ứng như bụi mịn, hóa chất, lông và da động vật, phấn hoa.
- Sử dụng rượu bia, thuốc lá.
Ngoài ra, người bệnh nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, ưu tiên các thực phẩm và đồ uống ấm nóng, hạn chế uống nước đá lạnh. Việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng tai, mũi, họng cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện các triệu chứng viêm xoang.
Người bệnh có thể áp dụng các cách chữa viêm xoang mũi dị ứng tại nhà để giảm bớt triệu chứng khó chịu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính hỗ trợ. Do đó, nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc triệu chứng kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.