Viêm khớp dạng thấp khi chuyển mùa thường khiến bệnh nhân bị đau nhức và cứng khớp tăng lên. Các chuyên gia vẫn chưa xác định chính xác lý do vì sao chuyển mùa có thể ảnh hưởng đến tình trạng viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, dù là bắt nguồn từ nguyên nhân gì, bệnh nhân vẫn có thể cải thiện được tình trạng bằng cách thực hiện một lối sống lành mạnh và xây dựng chế độ ăn phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Người mắc viêm khớp dạng thấp khi chuyển mùa cần giữ ấm
Người bị viêm khớp dạng thấp khi chuyển mùa cần lưu ý giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là khi ngoài trời lạnh và ẩm ướt. Việc giữ ấm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những cơn đau nhức do không khí lạnh gây ra.
Khi thời tiết lạnh, người bệnh viêm khớp dạng thấp nên tắm nước ấm và ngâm mình trong bồn tắm khoảng 20 phút. Nước ấm giúp lưu thông máu tốt hơn và các khớp cơ không bị đau nhức. Người bệnh cũng nên lưu ý chuẩn bị mũ, áo ấm, tất và găng tay để giữ cơ thể luôn ấm áp.
Vào những ngày nóng, bệnh nhân có thể sử dụng máy điều hoà để cân bằng nhiệt độ và độ ẩm, lựa chọn quần áo làm từ các loại vải cotton, lụa, vải lanh… giúp thấm hút mồ hôi và giữ cơ thể mát mẻ.
2. Di chuyển nhiều hơn mỗi ngày
Vào trời lạnh, nhiều người thường có thói quen rút mình vào trong chăn và nằm trên giường nhiều giờ. Tuy nhiên, những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp cần phải di chuyển nhiều hơn. Hoạt động thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể luôn được làm nóng và giảm tình trạng cứng khớp.
Ngoài ra, tập thể dục còn giúp bệnh nhân không bị tăng cân, tránh gây áp lực lên khớp. Di chuyển xung quanh nhà và vận động nhẹ nhàng cũng giúp cơ thể sản sinh ra nhiều endorphin, một chất hoá học có tác dụng giảm đau và tạo ra cảm giác dễ chịu. Chính vì thế, mọi người có thể cân nhắc tập luyện các bài tập nhẹ nhàng như yoga và thái cực quyền.
Thời tiết lạnh khi chuyển mùa có thể gây đau nhức nên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hãy thử thay thế các hoạt động ngoài trời thành tập luyện trong phòng tập, chẳng hạn như: sử dụng tạ nhẹ, dây kháng lực, máy chạy bộ, xe đạp cố định,... Tuy nhiên, bệnh nhân cần trao đổi trước cùng bác sĩ để có thể lựa chọn bài tập và chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh.
3. Giãn cơ
Ngoài di chuyển nhiều hơn, việc thường xuyên kéo giãn cơ cũng góp phần tránh tình trạng các khớp bị cứng lại. Bệnh nhân nên cố gắng thực hiện một loạt các động tác giãn cơ và tập thể dục vào mỗi buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ.
Đừng cố gắng tập luyện những động tác mạnh và phức tạp, hãy bắt đầu bằng những bài tập nhỏ, nhẹ nhàng, dễ thực hiện để không gây tổn thương đến khớp và cơ của cơ thể.
4. Cải thiện tâm trạng
Thời tiết xấu có thể khiến tâm trạng trạng người bệnh không tốt, dẫn đến các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân hãy dành thời gian thực hiện các hoạt động yêu thích của bản thân để cải thiện tâm trạng, chẳng hạn như: tập thể dục, ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tham gia vào các hoạt động cộng đồng,...
5. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống cũng là một trong những lưu ý mà mọi người cần quan tâm. Một số loại thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ có thể dẫn đến tình trạng sưng tấy và cứng khớp. Một chế độ ăn lành mạnh sẽ mang đến một sức khỏe tốt và cải thiện tình trạng đau nhức do viêm khớp dạng thấp khi chuyển mùa.
Những lưu ý khi xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm:
- Hạn chế các thực phẩm cung cấp quá nhiều đường như siro ngô có hàm lượng fructose cao, thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường, muối và có hàm lượng purin cao.
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn và caffeine.
- Uống nhiều nước.
- Bổ sung nhiều loại thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hoá như các loại rau, quả chín, cá giàu omega - 3, ngũ cốc nguyên hạt…
- Việc ăn uống lành mạnh cần phải được thực hiện thường xuyên chứ không riêng giai đoạn chuyển mùa.
6. Tuân thủ điều trị
Bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ chế độ dùng thuốc như bác sĩ đã hướng dẫn trước đó, không tự ý thay đổi thêm hoặc bớt các thuốc đang điều trị. Nếu có diễn biến mới hoặc đau nhức các khớp tăng lên khi chuyển mùa, hãy đến khám với bác sĩ để được tư vấn tốt nhất và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh theo từng giai đoạn.
Hiện nay, viêm khớp dạng thấp vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, mọi người nên thăm khám và chẩn đoán sớm để có thể kiểm soát bệnh hiệu quả, dự phòng các biến chứng có thể xảy ra. Đặc biệt, viêm khớp dạng thấp khi chuyển mùa thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, mọi người cần chú ý chăm sóc và xây dựng chế độ ăn phù hợp để giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.