Cách chữa bàn chân bẹt ở người lớn

Bàn chân bẹt là 1 dị tật bẩm sinh thường xảy ra ở trẻ em và ở một số người chỉ phát hiện bệnh ở độ tuổi trưởng thành. Ở người lớn, bàn chân bẹt ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hằng ngày. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách thì sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường. Tìm hiểu các thông tin cơ bản về nguyên nhân, biểu hiện cũng như cách điều trị bàn chân bẹt ở người lớn sẽ giúp bệnh nhân và người nhà hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực từ căn bệnh này.

1. Bàn chân bẹt là bệnh gì?

1.1. Định nghĩa

Về mặt cấu tạo, vòm bàn chân người bình thường luôn có một khoảng trống nhỏ khi đứng thẳng, do đó bàn chân sẽ được nâng cao hơn một chút. Vòm bàn chân bình thường hoạt động như một chiếc lò xo để hỗ trợ cho việc bước chân, đồng thời phân bố trọng lượng cơ thể. Cấu trúc vòm này quyết định bước chân và tư thế bước đi của cơ thể.

Bàn chân bẹt hay hội chứng bàn chân bẹt còn được gọi là hội chứng bàn chân phẳng, là tình trạng mất đi cấu trúc vòm bàn chân hoặc cấu trúc vòm rất thấp. Bệnh nhân có bàn chân bẹt thường có gan bàn chân lõm vào trong khi đi và đứng, đó đó mũi bàn chân thường hướng ra bên ngoài khi di chuyển.

1.2. Phân loại

Có các dạng bàn chân bẹt khác nhau bao gồm :

  • Bàn chân bẹt linh hoạt: Là dạng bàn chân bẹt thường gặp nhất, xuất hiện từ khi còn nhỏ tuổi và thường không gây triệu chứng. Ở dạng này, vòm bàn chân sẽ biến mất khi đứng hoặc khi chân chạm đất hoàn toàn và xuất hiện khi bệnh nhân nhấc chân lên khỏi mặt đất
  • Bàn chân bẹt cứng: Nguyên nhân từ việc gân gót chân kết nối quá chặt với xương gót chân và cơ bắp chân. Bệnh nhân có thể bị đau khi đi bộ hoặc chạy
  • Rối loạn chức năng của gân chày sau: Loại bàn chân bẹt này thường phát hiện ở người trưởng thành, xảy ra khi gân kết nối cơ bắp chân và mặt trong của mắt cá chân bị chấn thương, rách hoặc sưng.

2. Nguyên nhân gây bàn chân bẹt ở người lớn

Hội chứng chứng bàn chân bẹt ở người lớn có thể liên quan đến một số nguyên nhân như :

  • Chiều dài chân không bằng nhau có thể làm chi dài hơn buộc phải cân bằng chiều cao bằng cách làm phẳng bàn chân.
  • Phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng bàn chân bẹt tạm thời hoặc có khi vĩnh viễn do sự tăng sản xuất Elastin, loại Protein giúp tăng độ đàn hồi của da và các mô liên kết trong những tháng thai kỳ.
  • Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến các mô liên kết, đồng thời làm ngón chân phát triển dài hơn bình thường.
  • Viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp dạng thấp.
  • Vẹo cột sống dẫn đến dáng đi không đều đều và không ổn định, từ đó khiến bàn chân bị bẹt ra một bên.
  • Đi giày không phù hợp, đi giày quá chật khiến các ngón chân bị nén, đi giày cao gót chân làm tăng áp lực lên cơ vòm, từ đó gây suy giảm sự đàn hồi của mắt cá chân.

3. Dấu hiệu của hội chứng bàn chân bẹt

Các dấu hiệu của bàn chân bẹt bao gồm :

  • Đau bàn chân, đau khớp. Đau có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như mắt cá chân, vòm bàn chân, bắp chân, gối, hông, cẳng chân...
  • Cổ chân gập góc vào phía trong cơ thể.
  • Giày dép bị mòn không đều, hoặc mòn ở một bên nhanh hơn bình thường.

Cách phát hiện ra bàn chân bẹt :

  • Cách 1: Đặt hai bàn chân song song với nhau trên mặt cát ướt với tư thế mà thoải mái nhất trong vòng 5 giây. Sau đó, quan sát xem phần cát lún xuống hiện hình ảnh bàn chân như thế nào. Nếu dấu bàn chân với đường cong, phần vòm nhô lên rõ ràng thì khả năng cấu trúc bàn chân hoàn toàn bình thường. Ngược lại, dấu chân có hình đầy đặn trên mặt cát, mất đi đường cong và vòm nhô thì đó là dấu hiệu của bàn chân bẹt.
  • Cách 2: Làm ướt đôi chân bằng nước không màu hoặc có màu để dễ dàng in dấu chân lên mặt phẳng. Có thể tận dụng nền gạch nhà, giấy trắng, bìa carton... để đặt chân lên kiểm tra.
  • Cách 3: Dùng ngón tay cái của một người khác đo độ cong của vòm chân của bệnh nhân trên mặt phẳng. Nếu ngón tay người hỗ trợ không luồng vào gan bàn chân được thì khả năng bệnh nhân bị bàn chân bẹt là rất cao.

Khi phát hiện những triệu chứng bất thường hoặc những dấu hiệu kể trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán từ đó đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

4. Cách chữa bàn chân bẹt ở người lớn

Hội chứng bàn chân bẹt ở người lớn thường là một tình trạng vĩnh viễn và hầu như không cần điều trị, trừ những trường hợp bệnh nhân bị đau đớn dữ dội hoặc có các triệu chứng dai dẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

4.1. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật

  • Sử dụng thuốc giảm đau kê toa như thuốc giảm đau chống viêm không Steroid NSAIDs.
  • Bệnh nhân có thể được chỉ định mang dụng cụ chỉnh hình hoặc thay đổi cấu trúc của bàn chân tạm thời trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Việc mang dụng cụ chỉnh hình giúp bàn chân thích nghi với các thay đổi và hạn chế cảm giác đau hay khó chịu. Sau một thời gian xác định được dụng cụ chỉnh hình phù hợp, bệnh nhân có thể cần mang dụng cụ suốt đời.
  • Bệnh nhân có thể thực hiện một số bài tập bàn chân giúp tăng tính linh hoạt và sức mạnh của vòm bàn chân. Các kỹ thuật sau đây cần được hướng dẫn bởi các chuyên gia vật lý trị liệu :
  • Thể dục dụng cụ ở bàn chân gồm xếp đồ vật bằng ngón chân, nhặt viên bi bằng ngón chân hoặc viết số lên cát bằng ngón chân cái.
  • Thực hiện các động tác làm kéo căng người để giúp kéo dài cơ bắp ở chân và gân gót chân. Đồng thời có thể làm giảm khả năng căng cứng gân khi bệnh nhân di chuyển.
  • Tư thế Yoga chó với mặt hướng xuống có thể kéo dài và tăng cường cơ bắp ở chân hay gân gót chân.
  • Massage trị liệu như đặt một quả bóng mềm ở dưới bàn chân để cải thiện độ linh hoạt ở chân và hỗ trợ giảm đau nhức bàn chân.

4.2. Phẫu thuật điều trị

Ở những bệnh nhân kém đáp ứng với các phương pháp không can thiệp kể trên hoặc các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, phẫu thuật điều trị có thể được đề nghị để giúp giảm đau, tạo ra một vòm bàn chân mới và cải thiện hoạt động của bàn chân.

Các vị trí đau do bàn chân bẹt gây ra thường rất khác nhau, do đó không có phương pháp phẫu thuật thống nhất cho tình trạng này. Cách phẫu thuật thường dựa vào đánh giá, kinh nghiệm của các bác sĩ khác nhau. Ngoài ra, việc phẫu thuật ở bàn chân bẹt còn phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ của các triệu chứng và mức độ dị dạng cấu trúc bàn chân.

Có 2 phương pháp phẫu thuật chính được sử dụng trong điều trị bàn chân bẹt:

  • Phẫu thuật tái tạo bàn chân: Đây là phẫu thuật tái tạo hay đặt lại các gân, cơ, xương và hợp nhất các khớp để cấu trúc bàn chân được hình thành giống người bình thường nhất có thể.
  • Phẫu thuật cấy ghép xương: Đây là phẫu thuật này được thực hiện để ghép lại xương bàn chân bằng những bộ phận bằng kim loại, giúp hỗ trợ vòm bàn chân và điều chỉnh tình trạng bàn chân bẹt.

Phẫu thuật có thể cải thiện hiệu quả và gần như dứt điểm các triệu chứng nhưng cần nhiều thời gian dài, kèm với các phương pháp phục hồi chức năng để có hồi phục lại bình thường. Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị cũng có thể dẫn đến một số biến chứng hiếm gặp như :

5. Biến chứng của tình trạng bàn chân bẹt

Việc phát hiện muộn và không chấp nhận điều trị của thể dẫn đến những biến chứng sau :

  • Đau thắt lưng dai dẳng.
  • Đau xương cẳng chân, đặc biệt là xương chày, dễ bị gãy xương chày.
  • Biến dạng ngón chân cái
  • Tăng nguy cơ viêm gân, thường là gân gót Achilles.
  • Hội chứng vẹo ngón chân cái.

Tóm lại, bàn chân bẹt là một bệnh lý gặp ở cả trẻ em và người lớn, gây ra những triệu chứng và biến chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày cụ thể là khả năng đi đứng. Bệnh nhân và người thân khi phát hiện bất kỳ những dấu hiệu của hội chứng bàn chân bẹt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe