Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối để giảm nhẹ các triệu chứng là một phần của điều trị tiêu chuẩn. Ở giai đoạn này, ung thư đã di căn từ thực quản sang các cơ quan lân cận và các hạch bạch huyết gần đó, hoặc đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối thường có các triệu chứng đau đớn và không thoải mái, việc chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn khi phải đối mặt với ung thư giai đoạn cuối.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư thực quản giai đoạn cuối là gì?
Ung thư thực quản giai đoạn 4 là ung thư tiến triển. Ở giai đoạn này, ung thư đã di căn từ thực quản sang các cơ quan lân cận và các hạch bạch huyết gần đó (từ 7 hạch bạch huyết trở lên), hoặc đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể như gan, phổi, xương và tủy xương.
Cụ thể hơn, ung thư thực quản giai đoạn cuối được chia thành 2 giai đoạn nhỏ hơn, dựa vào vị trí mà ung di căn đến, bao gồm:
1.1 Ung thư thực quản giai đoạn 4A:
- Ung thư đã di căn đến màng phổi, màng ngoài tim hoặc cơ hoành và di căn đến không quá 6 hạch bạch huyết khu vực lân cận.
- Ung thư đã di căn đến khí quản, động mạch chủ, cột sống hoặc các cấu trúc quan trọng khác và di căn không quá 6 hạch bạch huyết lân cận.
- Ung thư đã xâm nhập vào bất kỳ lớp nào của thực quản và di căn từ 7 hạch bạch huyết trở lên nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
1.2 Ung thư thực quản giai đoạn 4B:
- Ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết ở xa và có thể đã lan đến các cơ quan khác như gan, phổi, xương và tủy xương.
2. Triệu chứng của ung thư thực quản giai đoạn cuối
2.1 Triệu chứng toàn thân
Triệu chứng toàn thân thường gặp nhất của ung thư thực quản giai đoạn cuối là cảm giác mệt mỏi và không khoẻ. Bệnh nhân có thể bị sụt cân nhanh chóng trong giai đoạn này.
2.2 Triệu chứng tổn thương tại thực quản
Khó nuốt hoặc nuốt nghẹn là các triệu chứng phổ biến của bệnh. Bệnh nhân thường cảm thấy thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực. Đôi khi, người bệnh còn có thể bị nghẹn khi ăn thức ăn đặc do khối u làm hẹp lỗ thực quản. Triệu chứng này thường đi kèm với việc tiết nhiều đờm và nước bọt để giúp việc nuốt dễ dàng hơn.
Bệnh nhân cũng cảm thấy đau khi nuốt vì ung thư đã phát triển đủ lớn để cản trở quá trình vận chuyển thức ăn qua thực quản.
Một triệu chứng khác của ung thư thực quản giai đoạn cuối là chảy máu thực quản, máu sẽ theo đường tiêu hoá và xuất hiện trong phân, khiến phân có màu đen. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến thiếu máu ở bệnh nhân.
2.3 Triệu chứng ung thư thực quản di căn hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết là một phần của hệ thống ống và tuyến trong cơ thể, giúp lọc dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Khi ung thư thực quản di căn đến các hạch bạch huyết, các hạch bạch huyết sẽ trở nên cứng và sưng lên, gây ra tình trạng khó nuốt ở người bị ung thư thực quản giai đoạn cuối.
2.4 Biểu hiện ung thư thực quản di căn gan
Khi ung thư di căn đến gan, bụng của bệnh nhân có thể chướng to hơn do chứa dịch trong bụng, tình trạng này được gọi là báng bụng hoặc cổ trướng, gây ra cảm giác đầy hơi, làm cho việc ngồi hoặc di chuyển trở nên khó khăn hơn.
2.5 Triệu chứng ung thư thực quản di căn phổi
Khi ung thư thực quản đã di căn vào phổi, bệnh nhân sẽ có những cơn ho kéo dài kèm theo khó thở. Khi viêm phổi xảy ra, bệnh nhân có thể ho ra máu hoặc bị tràn dịch màng phổi.
2.6 Biểu hiện ung thư thực quản di căn xương
Khi ung thư di căn đến xương, bệnh nhân thường cảm thấy đau tại các vị trí như xương chậu, xương đùi, và cột sống. Khối u di căn trong xương sẽ làm phá huỷ cấu trúc xương, khiến xương dễ gãy. Nếu ung thư di căn đến cột sống, tủy sống sẽ bị chèn ép và gây áp lực lên cột sống, dẫn đến tê yếu thần kinh.
3. Các phương pháp điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối
Khi các tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác, quá trình loại bỏ hoàn toàn ung thư trở nên rất khó khăn. Phẫu thuật không còn là lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn này.
Thay vào đó, quá trình điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát ung thư càng lâu càng tốt và giảm bớt các triệu chứng của bệnh, bao gồm các phương pháp sau:
- Hóa trị: Hóa trị thường được kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Phương pháp này giúp bệnh nhân cảm thấy ổn hơn, giảm triệu chứng bệnh, giúp bướu co nhỏ hơn và kéo dài thời gian sống.
- Xạ trị: Xạ trị giúp giảm đau và cải thiện khả năng nuốt của bệnh nhân. Nếu có di căn xương, xạ trị trong một số trường hợp cũng giúp cải thiện triệu chứng đau xương cho bệnh nhân.
- Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích: Đây là các liệu pháp điều trị mới, giúp cho nhiều bệnh nhân đạt được đáp ứng tốt và kéo dài thời gian sống còn cho bệnh nhân.
Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị và cách chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối, các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích cũng như ưu và nhược điểm của từng phương pháp, sau đó thảo luận chi tiết với bệnh nhân để đưa ra quyết định phù hợp.
4. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối
Chăm sóc giảm nhẹ là một phần quan trọng trong quá trình điều trị tiêu chuẩn dành cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, bao gồm các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh khu vực sinh hoạt của người bệnh, bằng cách thay drap giường, thường xuyên dọn dẹp,…
- Giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe tinh thần và tâm lý, duy trì thái độ lạc quan và thoải mái.
- Xoa bóp tay chân người bệnh một cách nhẹ nhàng để giảm cảm giác tê bì tay chân giúp máu lưu thông hiệu quả, mang lại cảm giác thoải mái.
- Để lập kế hoạch chăm sóc hiệu quả, người thân bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đảm bảo chế độ dinh dưỡng có thể cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho người bệnh. Lựa chọn đa dạng thực phẩm và chế biến theo nhiều cách để giảm cảm giác chán ăn. Người nhà cũng nên ưu tiên các loại thức ăn mềm, dễ nuốt.
- Khuyến khích người bệnh hoạt động thể chất nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe để cải thiện chất lượng cuộc sống.
5. Ung thư thực quản giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Thời gian sống còn của người bệnh tùy thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau như bệnh nền kèm theo, tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại, giai đoạn bệnh, tình trạng di căn xa ở các cơ quan khác nhau. Do đó, khó có thể phán đoán được một bệnh nhân sẽ sống được bao lâu. Hiện không có số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4. Thực tế đáng buồn là nhiều bệnh nhân không thể sống được 5 năm sau khi được chẩn đoán.
Theo một số thống kê, chỉ khoảng 20% bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4 có thể sống sót trong vòng một năm hoặc lâu hơn sau khi được chẩn đoán.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.