Cách chăm sóc bệnh nhân sau bó bột

Bó bột là phương pháp điều trị gãy xương nhằm kết lại xương cho bệnh nhân. Sau khi bó bột xong, người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận để nhanh chóng phục hồi, giúp xương nhanh lành và tránh các biến chứng lệch xương, gãy xương tái phát. Dưới đây là cách chăm sóc bệnh nhân sau bó bột để nhanh chóng phục hồi.

1. Bó bột là gì?

Bó bột là phương pháp nhằm giúp bất động xương bị gãy và giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, giúp đẩy nhanh quá trình liền xương (nếu gãy xương). Bên cạnh đó còn giúp bảo vệ và giúp cho phần mềm nhanh chóng hồi phục (nếu bị tổn thương phần mềm).

Ngoài ra, bó bột còn giúp cho bệnh nhân giảm đau và giảm sưng nề, cũng như giảm co cơ sau chấn thương. Trong một số trường hợp thì bó bột nhằm bất động xương tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật.

2. Khi nào cần bó bột?

Bó bột là phương pháp cố định xương thường được chỉ định thực hiện cho một số trường hợp sau:

  • Gãy xương kín: Người bệnh bị gãy không di lệch hay ít di lệch, đặc biệt là các trường hợp gãy xương bàn chân, gãy xương bàn tay và gãy xương cẳng chân.
  • Bị gãy xương không di lệch hoặc ít di lệch.
  • Gãy xương ở trẻ em, không gồm gãy trên lồi cầu hoặc gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay.
  • Bó bột tạm thời chờ phẫu thuật
  • Chấn thương phần mềm các khớp cổ chân, cổ tay.

3. Bó bột bao lâu thì tháo?

Thời gian bó bột thường sẽ phụ thuộc thời gian lành xương và các mô mềm xung quanh. Tùy theo xương gãy, vị trí gãy và mức độ gãy, cùng những yếu tố kèm theo (như tổn thương mô mềm xung quanh, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý đi kèm) mà thời gian lành xương của mỗi người sẽ khác nhau.

Đối với những người bệnh có sức khỏe tốt, bị gãy xương chi trên có thể lành sau 4 – 8 tuần, còn chi dưới là 8 – 12 tuần. Tuy nhiên, thời gian thực tế sẽ còn phụ thuộc vào từng cơ địa của mỗi người bệnh, cũng như cách chăm sóc hậu phẫu.

Để đảm bảo xương đã lành thì người bệnh sẽ được tái khám bao gồm thăm khám lâm sàng, chụp x-quang để kiểm tra. Sau khi có kết quả lành xương thì bác sĩ mới tiến hành tháo bột.

Và muốn xương nhanh lành thì vấn đề chăm sóc bệnh nhân sau bó bột là một việc làm hết sức quan trọng và vô cùng cần thiết mà cả bệnh nhân và người nhà cần chú ý.

4. Cách chăm sóc bệnh nhân sau bó bột

Sau bó bột, phần lớn bệnh nhân sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ðể chăm sóc bệnh nhân bó bột tốt thì cả bệnh nhân và người nhà cần chú ý một số điều như sau:

  • Trong thời gian 24-72 giờ đầu sau bó bột, người bệnh thường có cảm giác chật chội và căng tức ở phần bó bột. Vì vậy, để giảm triệu chứng này thì người bệnh cần kê cao chi trong 24-72 giờ, tập vận động lên cơ trong bột và vận động đầu chi không bó bột....
  • Sau khi bệnh nhân được xuất viện thì người nhà cần có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sau bó bột thích hợp. Bên cạnh đó cần chuẩn bị giường và các vật dụng cần thiết như đệm lót, gối... cho bệnh nhân.
  • Người bệnh cần nằm trên giường có mặt phẳng cứng và kê cao chi bó bột.
  • Giữ cho bột luôn khô ráo, không để lớp bột bị thấm nước hoặc ẩm ướt có thể thấm vào lớp giấy lót trên da gây kích ứng da.
  • Cử động thường xuyên các chi bó bột và trong trường hợp được phép đi lại thì phải chờ ít nhất 1 ngày đối với bột thủy tinh và 2-3 ngày đối với bột thạch cao. Nếu cần di chuyển thì phải dùng nạng gỗ và sự giúp đỡ của người nhà để tránh bị ngã.
  • Chăm sóc và vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, lau sạch các đầu chi, cả phần không bó bột. Thay quần áo thường xuyên và thay đổi tư thế nằm, ngồi để tránh loét điểm tỳ.
  • Không được làm ướt, bẩn bột và không dùng que để luồn, chọc vào trong bột...
  • Chăm sóc bệnh nhân sau bó bột cần phải chú ý đến chế độ ăn uống của bệnh nhân. Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và bổ sung thêm canxi để nâng cao thể trạng và đề phòng loãng xương, cũng như cải thiện nhanh các triệu chứng đau nhức mỏi. Để tránh tình trạng táo bón thì bổ sung thêm các loại rau xanh, hoa quả tươi, nước cho bệnh nhân.
  • Lưu ý là tuyệt đối không được tự ý cắt bột, tháo bột mà cần phải giữ cho bột đủ thời gian theo quy định.
  • Đến cơ sở y tế khám để được tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
  • Cần theo dõi và nếu có các dấu hiệu sau đây thì thăm khám bác sĩ ngay, các dấu hiệu bao gồm: Bột chặt quá hoặc lỏng quá hoặc bị gãy; có tình trạng chèn ép bột, bị dị ứng bột (đau nhức, tím lạnh, tê bì, mất cảm giác, nốt phỏng, ngứa...); có vết thương thấm dịch có mùi hôi...

Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin cách chăm sóc bệnh nhân sau bó bột giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tháo bột. Việc chăm sóc bệnh nhân sau bó bột đúng cách còn giúp tránh các biến chứng lệch xương, gãy xương tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe