Bia rượu là yếu tố gây tổn thương nhiều đến sức khỏe, trong đó gan là cơ quan bị tổn hại nhiều nhất. Nhiều trường hợp sử dụng rượu bia kéo dài dẫn đến suy chức năng gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan. Vậy câu hỏi đặt ra là để bảo vệ gan chúng ta cần làm gì?
1. Tại sao cần bảo vệ gan trước bia rượu?
Theo các chuyên gia, khi chúng ta sử dụng bia hoặc rượu thì chỉ có khoảng 10% lượng cồn được đào thải (qua nước tiểu, mồ hôi và hơi thở), trong khi có đến 90% sẽ chuyển hóa và giải độc tại gan. Vì vậy khi sử dụng cùng lúc quá nhiều rượu bia, gan sẽ không kịp sản xuất đủ lượng enzym giải độc, từ đó dẫn đến tình trạng ứ đọng cồn trong cơ thể và kích thích tế bào Kupffer (một loại tế bào có mặt tại gan) hoạt động quá mức để sản sinh nhiều hóa chất gây viêm có hại.
Về lâu dài, việc sử dụng bia rượu sẽ làm tế bào gan bị phá hủy và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, tăng men gan, viêm gan, xơ gan và đặc biệt nghiêm trọng nhất là ung thư gan.
Các chuyên gia chia sẻ thêm, việc sử dụng rượu bia cho đến nay vẫn không có ngưỡng nào được gọi là an toàn nên cách bảo vệ gan tốt nhất vẫn là không sử dụng bia rượu hay các loại thức uống có cồn. Trường hợp bắt buộc phải uống thì không được vượt quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới và 1 đơn vị đối với nữ giới. Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với 3⁄4 lon bia thể tích 330ml (nồng độ cồn 5%) hoặc một ly rượu vang 100ml (nồng độ cồn 13.5%) hoặc một chén rượu mạnh 30ml (nồng độ cồn 40%).
Việc sử dụng rượu bia tạo ra gánh nặng rất lớn cho quá trình giải độc tại gan. Đây là thực tế mà có thể ai cũng biết nhưng đôi lúc có những tình huống rất khó từ chối sử dụng bia rượu. Do đó, nhiều người, đặc biệt là nam giới, thắc mắc ăn gì để bảo vệ gan và làm gì để bảo vệ gan trước rượu bia để giảm thiểu tối đa khả năng gây hại gan nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
2. Để bảo vệ gan chúng ta cần làm gì?
2.1. Làm gì để bảo vệ gan trước khi uống bia rượu?
Các món ăn giàu chất béo và bánh mì là câu trả lời cho thắc mắc ăn gì để bảo vệ gan trước khi uống bia rượu. Cụ thể bơ, phô mai hay bánh mì khi vào dạ dày sẽ tạo thành một lớp bông thấm để làm chậm quá trình hấp thụ cồn và hạn chế phần nào khả năng gây tổn thương cho tế bào gan.
Tương tự các món ăn giàu chất béo, sữa có thể làm chậm quá trình hấp thụ cồn có trong bia rượu. Từ đó giúp hệ tiêu hóa có thêm thời gian để ứng phó với chất Acetaldehyde, một chất độc hại có trong bia rượu.
Sử dụng vitamin tổng hợp đã được các nghiên cứu chứng minh về khả năng chống say rượu vì có chứa các chất oxy hóa. Sử dụng một viên vitamin tổng hợp trước khi uống rượu bia giúp chúng ta bớt lừ đừ, mệt mỏi trong cuộc nhậu và khoảng thời gian sau đó.
2.2. Làm gì để bảo vệ gan trong khi uống rượu bia?
Uống nhiều nước là một cách để bảo vệ gan trong khi đang uống bia rượu. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tối thiểu để bia rượu không ảnh hưởng đến gan là 4 nước/1 rượu hoặc 2 nước/1 bia. Sử dụng rượu bia xen kẽ với uống nước sẽ hạn chế nguy cơ say quá mức, đồng thời giảm sự tấn công ồ ạt của Acetaldehyde đối với tế bào gan. Do đó, một trong những cách bảo vệ gan tốt nhất là uống nhiều nước, đặc biệt trên bàn nhậu nên bố trí thêm ly đựng nước lọc (nếu là nước ấm sẽ rất tốt). Mặt khác, việc uống nước sẽ tạo cảm giác no giả cho dạ dày và khiến chúng ta không thể uống thêm rượu bia nữa.
Làm gì để bảo vệ gan trong cuộc nhậu? Cách hiệu quả mà ít người biết chính là nói chuyện liên tục. Quá trình nói chuyện không chỉ giúp đầu óc tỉnh táo hơn mà còn đào thảo một lượng cồn đáng kể theo hơi thở ra bên ngoài.
Để bảo vệ gan khi sử dụng bia rượu, chúng ta không được pha rượu bia với các loại thức uống khác. Nhiều người có thói quen uống bia/rượu pha thêm với nước ngọt vì cho rằng dễ uống và lâu say hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hàm lượng Carbon Dioxide (CO2) có trong nước ngọt có gas có thể làm bia rượu thấm nhanh vào niêm mạc dạ dày hơn bình thường, từ đó dẫn đến say nhanh hơn, mệt mỏi và nhức đầu hơn khi thức dậy sau cuộc nhậu.
Các chuyên gia lưu ý rằng, do rượu có nồng độ cồn cao hơn bia, cụ thể từ 35-90%, trong khi nồng độ cồn trong bia chỉ khoảng 4-8%. Điều này có nghĩa khi sử dụng cùng một đơn vị thể tích thì rượu sẽ khiến gan làm việc nhiều hơn và mất nhiều thời gian để thải độc hơn so với bia. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là sử dụng bia sẽ ít gây tổn thương hơn sử dụng rượu.
Gan có nguy cơ tổn thương cao hơn khi uống rượu và bia cùng một lúc hoặc pha trộn nhiều loại rượu với nhau (đặc biệt là rượu thuốc). Nguyên nhân là do việc pha trộn dễ dẫn đến hiện tượng tương tác vì mỗi loại đều có thành phần và liều lượng khác nhau. Hậu quả cuối cùng rất nguy hiểm là tình trạng ngộ độc rượu, thậm chí gây tử vong.
2.3. Để bảo vệ gan chúng ta cần làm gì sau khi uống rượu bia?
Nghỉ ngơi ở nơi yên tỉnh và có một giấc ngủ đủ sâu sẽ hỗ trợ não bộ hồi phục sau cơn say. Do đó, làm gì để bảo vệ gan sau khi uống rượu bia thì một trong số đó là tìm một chỗ yên tĩnh và thả lỏng để cơ thể được nghỉ ngơi.
Rượu bia ức chế hormon chống bài niệu, dẫn đến thận phải đảo thải nước nhiều hơn và khiến chúng ta tiểu nhiều hơn, từ đó tình trạng mất nước có thể xảy ra. Kèm theo đó, mất nước là một nguyên nhân góp phần khiến người sử dụng bia rượu dễ bị say, đau đầu và mệt mỏi... Vì thế, sau cuộc nhậu chúng ta nên uống nhiều nước để bổ sung vào lượng đã mất cho cơ thể.
Bên cạnh nước lọc, người hay sử dụng bia rượu có thể uống thêm nước chanh, nước dừa tươi hoặc nước ép (có pha thêm một ít muối) sau khi thức dậy sau cuộc nhậu để bù đắp Vitamin, muối và khoáng chất cho cơ thể. Một vấn đề lưu ý là không nên uống cà phê sau khi sử dụng rượu bia vì hỗn hợp này có thể dẫn đến tình trạng "tỉnh giả", qua đó tác động đến giấc ngủ và khiến chúng ta kiệt sức, rối loạn tiêu hóa hoặc tổn thương gan cấp tính.
Ăn thức ăn lỏng khi thức dậy sau cuộc nhậu là một trong những cách bảo vệ gan tốt nhất. Tình trạng thiếu năng lượng do ăn kém có thể là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi sau khi thức dậy. Thông thường, những trường hợp say rượu sẽ không muốn ăn bất cứ gì khi tỉnh giấc, trong khi cảm giác mệt mỏi khiến họ chỉ muốn nằm một chỗ. Tuy nhiên, sau cuộc nhậu chúng ta nên ăn một chút thức ăn lỏng như cháo, súp hoặc một món nào đó. Chị em có thể thêm trứng vào món ăn do trứng rất giàu dinh dưỡng và có chứa cysteine giúp phá vỡ Acetaldehyde có trong bia rượu.
3. Một số lưu ý để bảo vệ gan trước bia rượu
Chúng ta không được thoải mái sử dụng bia rượu và nên loại bỏ suy nghĩ về việc loại rượu này ít độc gan hơn loại rượu khác vì số lượng tiêu thụ mới là yếu tố quyết định. Tất các các loại rượu bia đều chứa cồn, do đó dù uống ít hay nhiều, có pha loãng hay không... thì vẫn sẽ gây hại đến gan.
3.1. Rượu không được kết hợp với một số loại thuốc
Có nhiều loại thuốc khác nhau không được sử dụng sau uống rượu bia vì chỉ một lượng nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc.
Một số loại thuốc sau đây tuyệt đối không dùng chung với bia rượu:
- Thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, bao gồm nhóm an thần, gây ngủ, các hoạt chất giảm đau opioid (có thể gây nghiện), thuốc chống động kinh...;
- Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương;
- Thuốc hạ huyết áp;
- Một số thuốc có thể gây độc cho tế bào gan;
- Các thuốc chống viêm không steroid, bao gồm Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen...;
- Nhóm điều trị đái tháo đường tuýp 2;
- Thuốc chống đông máu như warfarin;
- Một số loại kháng sinh.
3.2. Phụ nữ không nên uống nhiều rượu bia
Sự khác biệt giới tính trong cấu trúc giải phẫu và sinh lý của cơ thể nam và nữ được đánh giá là nguyên nhân khiến cơ thể phụ nữ hấp thụ cồn nhiều hơn nam giới, đồng nghĩa mất nhiều thời gian hơn để chuyển hoá và loại bỏ rượu khỏi cơ thể. Những tác động trực tiếp của rượu bia đối với nữ giới cũng xảy ra nhanh và kéo dài hơn bình thường.
3.3. Tránh xa rượu bia khi mắc bệnh về gan
Như đã đề cập ở trên, cách bảo vệ gan tốt nhất chính là không sử dụng rượu bia. Lưu ý những người đang mắc phải các bệnh về gan tuyệt đối không nên uống rượu bia do chúng cần thêm thời gian trước khi bệnh trở nặng hơn.
3.4. Không tham gia trò chơi khi uống bia rượu
Các trò chơi trong khi uống rượu bia giúp tăng thêm không khí vui vẻ. Tuy nhiên, một số trường hợp do tham gia các trò chơi đã dẫn đến việc uống nhiều rượu bia trong một khoảng thời gian ngắn và khiến gan không đủ thời gian để giải độc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.