Chụp mạch số hóa xóa nền (chụp mạch DSA) là phương pháp được thực hiện cho các bệnh nhân được chỉ định can thiệp thuyên tắc nội mạch, phẫu thuật khối phình qua đường nội mạch, đặt stent động mạch,... hoặc trong chẩn đoán các bệnh mạch máu.
1. Chụp mạch số hóa xóa nền là gì?
Chụp mạch số hóa xóa nền (còn được gọi là chụp số hóa xóa nền) có tên tiếng Anh là Digital subtraction angiography - viết tắt là DSA. Đây là kỹ thuật nội soi huỳnh quang, được sử dụng trong X-quang can thiệp để bác sĩ quan sát rõ hình ảnh của các mạch máu. Các cấu trúc chắn bức xạ sẽ được xóa bỏ khỏi hình ảnh nhờ kỹ thuật số, giúp các mạch máu được nhìn thấy rõ ràng.
Một hệ thống chụp mạch DSA có cấu tạo như sau:
- Bộ phận phát tia X;
- Bộ phận thu nhận hình ảnh;
- Bộ phận xử lý hình ảnh;
- Bộ phận hiển thị.
2. Nguyên lý chụp DSA
Chụp DSA là sự kết hợp giữa kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng máy vi tính và chụp mạch máu thông thường theo kỹ thuật Seldinger. Nguyên lý của kỹ thuật chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền là sử dụng tia X và ánh sáng huỳnh quang để chụp mạch máu ở những vị trí cần thiết vào thời điểm trước và sau khi bơm thuốc cản quang vào mạch máu cần chụp. Sau đó, máy tính sẽ xóa mờ hình ảnh nền, thu được hình ảnh đầy đủ của tim, động mạch cảnh, bụng, ngực, đùi - làm rõ lên hệ thống mạch máu.
- Giúp bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý có liên quan tới sự tuần hoàn của máu trong cơ thể. Đồng thời, bác sĩ có thể lên kế hoạch giải phẫu, xác định chính xác các vị trí tổn thương trong cơ thể. Nhờ đó, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim được xác định chẩn đoán và can thiệp kịp thời;
- Sự hỗ trợ của chụp mạch DSA hỗ trợ cho các phẫu thuật nội soi tim mạch - lồng ngực ít xâm lấn. Bệnh nhân sẽ giảm đau, giảm chảy máu, rút ngắn thời gian thở máy, nằm hồi sức, rút ngắn thời gian nằm viện và đảm bảo tính thẩm mỹ so với phẫu thuật mở.
3. Chỉ định thực hiện chụp mạch số hóa xóa nền
Chụp số hóa xóa nền được chỉ định trong các trường hợp sử dụng X-quang can thiệp có hiệu quả đối với thủ thuật mạch máu. Cụ thể, chụp DSA được thực hiện cho những bệnh nhân:
- Nong động mạch bằng bóng;
- Phẫu thuật khối phình qua đường động mạch;
- Đặt stent động mạch;
- Thuyên tắc nội mạch;
- Loại bỏ huyết khối.
Ngoài ra, kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền còn được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh mạch máu như:
- Phình động mạch não, đặc biệt là phình động mạch nội sọ;
- Tắc nghẽn trong lòng tĩnh mạch hoặc động mạch;
- Xuất huyết mạch máu;
- Dị dạng động - tĩnh mạch;
- Nghiên cứu mạch máu của khối u ác tính.
4. Quy trình thực hiện chụp mạch số hóa xóa nền
4.1 Trước khi thực hiện
- Bệnh nhân nhịn ăn sáng;
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết gồm: Xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, chụp X-quang phổi;
- Bác sĩ giải thích cho bệnh nhân về quy trình thực hiện chụp DSA, nguy cơ tai biến có thể xảy ra;
- Bệnh nhân nằm trên ghế, thiết bị chiếu tia X sẽ di chuyển xung quanh.
4.2 Trong khi thực hiện
- Bệnh nhân được chụp X-quang thông thường, thu nhận hình ảnh cấu tạo giải phẫu bình thường và các vật thể chắn bức xạ như ghim phẫu thuật, ống nong mạch stent,... Hình ảnh thu được từ bước này được sử dụng làm ảnh nền;
- Bệnh nhân được tiêm một loại chất cản quang đặc biệt để làm nổi bật các mạch máu ở chân, tim hoặc các cơ quan khác. Chất cản quang sẽ nổi bật trên phim X-quang khi được tia X mật độ cao chiếu vào;
- Tia X được chiếu xuyên qua cơ thể, được thu nhận bằng bầu tăng sáng. Một ống kính được đặt giữa bầu tăng sáng và video camera để giới hạn cường độ ánh sáng truyền tới camera;
- Khi chất cản quang đi vào cơ thể bệnh nhân, máy sẽ thu nhận hình ảnh động trong một đơn vị thời gian đã cài đặt sẵn. Sau đó, bộ phận xử lý hình ảnh sẽ lấy ảnh thu nhận được, loại trừ ảnh nền.
4.3 Sau khi thực hiện
Bệnh nhân chụp mạch DSA được đưa một ống thông vào lòng mạch từ bẹn lên động mạch cần chụp để bơm thuốc cản quang. Vì vậy, chụp mạch số hóa xóa nền là kỹ thuật chụp xâm lấn, có nguy cơ tai biến. Do vậy, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện chụp DSA. Sau khi chụp, người bệnh được băng bó vùng bẹn, nằm bất động trong vòng 24 giờ và tuyệt đối tránh cử động chân.
Từ kết quả thu được, bác sĩ sẽ có thêm cơ sở để đưa ra chẩn đoán hoặc chỉ định điều trị cho các vấn đề về sức khỏe mà bệnh nhân đang gặp phải.
4.4 Nguy cơ biến chứng
Quá trình chụp DSA thường không gây đau. Một số biến chứng có thể xảy ra sau khi chụp mạch số hóa xóa nền gồm:
- Biến chứng tại vị trí tiêm: Hình thành cục máu đông, giả phình mạch, rò động - tĩnh mạch, tổn thương các mô lân cận;
- Biến chứng toàn thân: Thuyên tắc do huyết khối, độc thận, thuyên tắc khí, bóc tách mạch máu.
Chụp mạch số hóa xóa nền là kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và hỗ trợ can thiệp điều trị nhiều bệnh lý mạch máu. Khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân nên làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả trị liệu cao, giảm nguy cơ tai biến.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.