Cùng với sự tăng lên về tuổi tác, cơ thể con người có nhiều thay đổi về mặt sinh lý cũng như bệnh lý. Ở người cao tuổi thay đổi sinh lý chính là sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể. Quy luật lão hóa ở tuổi già diễn ra không đồng bộ và đồng tuổi dẫn đến sự khó khăn cho việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi. Các tổn thương mãn tính từ những quá trình bệnh lý kéo dài suốt cả cuộc đời là nguyên nhân làm thay đổi đáp ứng của thuốc ở độ tuổi này. Vì vậy, sử dụng thuốc cho người cao tuổi cần có những nguyên tắc và lưu ý riêng.
1. Dược động học của thuốc ở người cao tuổi thay đổi như thế nào?
Ở độ tuổi từ 60 trở lên được xem là người cao tuổi. Đây là giai đoạn sự thay đổi dược động học liên quan chủ yếu đến sự giảm dòng máu tuần hoàn đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến sự nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể bị giảm dần, đây chính là khởi nguồn của các bệnh lý do tuổi tác. Những thay đổi về dược động học là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi.
1.1. Hấp thu thuốc
Ở người cao tuổi, các chức năng sinh lý của hệ thống tiêu hóa đều suy giảm hoạt động:
- Tốc độ tháo rỗng dạ dày giảm: Sự chậm rỗng của dạ dày làm tăng thời gian lưu của thuốc tại dạ dày, từ đó có thể dẫn tới tăng khả năng phá hủy các thuốc kém bền trong môi trường axit như ampicilin, erythromycin... hoặc làm chậm tốc độ tác dụng của các thuốc bao tan trong ruột, tăng khả năng kích ứng và gây loét dạ dày của các thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Hoạt động tiết HCl của tế bào viền ở thành dạ dày suy giảm: Ở người cao tuổi, khả năng tiết HCl của dạ dày bị giảm làm pH dạ dày tăng so với khi còn trẻ. Hậu quả là làm thay đổi sinh khả dụng của các nhóm thuốc có bản chất axit yếu hoặc bazơ yếu.
- Giảm diện tích hấp thu bề mặt: Lưu lượng máu và diện tích hấp thu bề mặt tại ruột non bị suy giảm, cùng với sự lão hóa của niêm mạc ruột làm cho sự hấp thu của các thuốc được hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực như canxi, sắt, vitamin, axit amin... bị giảm đi.
- Khối lượng cơ và sự tưới máu đến các cơ quan ở người cao tuổi bị suy giảm, dẫn đến hấp thu thuốc qua đường tiêm bắp giảm và không ổn định.
- Tuổi càng cao làm cho da trở nên khô, thành phần lipid giảm khó thấm các thuốc nên hấp thu thuốc qua da giảm.
Như vậy hiệu quả sử dụng thuốc ở người cao tuổi theo mọi đường đưa thuốc (trừ đường tiêm tĩnh mạch) đều có xu hướng bị giảm đi so với ở giai đoạn tuổi trưởng thành.
1.2. Phân bố thuốc
Sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phân bố thuốc ở người cao tuổi, có thể kể đến các yếu tố như sau:
- Công suất tim giảm
- Giảm lượng albumin huyết tương: Sự giảm protein huyết tương mà chủ yếu là albumin do hậu quả của sự suy giảm chức năng gan dẫn đến tăng lượng thuốc tự do (tăng tác dụng dược lý và độc tính), điều này thường xảy ra ở các thuốc tim mạch sử dụng cho người cao tuổi như furosemid, warfarin...
- Giảm khối cơ
- Giảm lượng nước của cơ thể: Lượng nước trong cơ thể giảm, làm giảm thể tích phân bố của các thuốc tan trong nước như digoxin, lithium, morphin dẫn đến tăng nồng độ trong máu và mô. Các thuốc gắn mạnh vào mô như digoxin sẽ kéo dài thời gian tác dụng và thời gian tồn tại trong cơ thể.
- Tăng lượng lipid trong cơ thể: Tăng lượng lipid trong cơ thể tăng dẫn đến tăng thể tích phân bố của các thuốc tan trong mỡ như barbiturat, diazepam, thiopentan... từ đó làm kéo dài thời gian tác dụng và gây tích lũy thuốc ở các mô mỡ.
1.3. Chuyển hóa thuốc tại gan
Chuyển hóa thuốc tại gan ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc tại gan của người cao tuổi như sau:
- Khối lượng gan giảm: Ở người cao tuổi, khối lượng gan và lưu lượng máu qua gan giảm chỉ còn 55 – 66% so với độ tuổi thanh niên. Điều này làm cho các thuốc chuyển hóa qua gan bị kéo dài thời gian tác dụng, dễ tích lũy và gây ngộ độc.
- Giảm hoạt tính của các enzym chuyển hóa thuốc: Hoạt tính của các enzym chuyển hóa thuốc tại gan bị suy giảm dẫn đến giảm quá trình phá hủy thuốc ở pha I. Do vậy, những thuốc chuyển hóa chủ yếu theo con đường này như thuốc chống co giật, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống đông máu đường uống, thuốc tiểu đường dùng ở người cao tuổi sẽ bị kéo dài thời gian tồn tại trong cơ thể.
- Giảm dòng máu qua gan: Các thuốc bị chuyển hóa mạnh ở vòng tuần hoàn đầu khi qua gan có nguy cơ tăng sinh khả dụng do sự giảm hoạt tính enzym gan, giảm lưu lượng máu qua gan, giảm khối lượng gan. Một số thuốc đã được chứng minh có giảm chuyển hóa qua gan lần đầu như labetalol, nifedipin, nitrat, verapamil, propranolol, chlormethiazol.
Thực tế trên lâm sàng, thuốc chuyển hóa nhiều qua gan khi sử dụng ở người cao tuổi nên giảm 1/2 - 1/3 liều và phải được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị.
1.4. Thải trừ thuốc tại thận
Ở người cao tuổi, những biến đổi về lão hóa của cơ quan bài xuất thuốc bao gồm:
- Giảm dòng máu qua thận: Sự suy giảm chức năng thận kết hợp với giảm dòng máu qua thận ở người cao tuổi là nguyên nhân là giảm độ thanh thải ở nhiều thuốc.
- Giảm sức lọc cầu thận: Mức độ lọc của cầu thận giảm trung bình khoảng 35% so với giai đoạn tuổi trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những thuốc bài xuất trên 60% ở dạng nguyên vẹn qua thận và có độc tính cao như kháng sinh nhóm cephalosporin, aminosid, digoxin, methotrexat...
- Giảm sự tiết qua ống thận
- Giảm khối lượng thận
Ở người cao tuổi chức năng thận vẫn còn trên 67% thì không cần chỉnh liều vì các thông số dược động học không thay đổi đáng kể. Ngược lại nếu tổn thương chức năng thận ở mức độ nặng thì liều thuốc phải được hiệu chỉnh lại như trường hợp bệnh nhân suy thận. Thay đổi chức năng thận rất khác nhau ở người cao tuổi nên cần có sự điều chỉnh liều thích hợp cho từng bệnh nhân cụ thể dựa vào độ thanh thải creatinin.
Xem ngay: Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau ở người cao tuổi
2. Các nguy cơ do thuốc xảy ra ở người cao tuổi
Chính vì những thay đổi về chức năng sinh lý và sự suy giảm của các cơ quan cơ thể nên việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi có thể gây ra những nguy cơ sau đây:
- Rối loạn giấc ngủ: Một số thuốc điều trị ở người cao tuổi gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ như thuốc lợi tiểu (tiểu đêm nhiều gây mất ngủ), thuốc giãn phế quản, nhóm thuốc corticoid (dùng kéo dài có thể gây tình trạng ngừng thở khi ngủ).
- Hạ huyết áp tư thế đứng: Tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng gây hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế nên vô cùng nguy hiểm ở người cao tuổi. Một số thuốc gây ra tình trạng này như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc kháng histamin H1 (Chlopheniramin), thuốc điều trị parkinson.
- Rối loạn nhận thức: Tình trạng rối loạn nhận thức khi sử dụng thuốc ở người già thường dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng suy giảm trí tuệ. Một số thuốc gây tác dụng phụ lú lẫn, hay quên và mất trí nhớ tạm thời như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturat) hay thậm chí là một số nhóm thuốc kháng sinh.
- Mất thăng bằng hay dễ ngã: Tình trạng này rất nguy hiểm đối với người cao tuổi vì lúc này hệ cơ xương đã không còn được vững chắc (thiếu canxi, loãng xương) nên rất dễ dẫn đến gãy xương. Một số thuốc gây tác dụng phụ mất thăng bằng khi sử dụng như thuốc điều trị tăng huyết áp (gây hạ huyết áp tư thế đứng), thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần nhóm benzodiazepin (làm rối loạn sự thăng bằng của cơ thể).
- Giảm điều hòa thân nhiệt: Độ tuổi càng tăng thì sự điều hòa thân nhiệt ngày càng giảm. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng các thuốc gây tác dụng phụ giảm điều hòa thân nhiệt ở người cao tuổi như thuốc giảm đau nhóm oipoid (morphin, codein, tramadol, proprapamin)...
- Rối loạn hoạt động tình dục: Cùng với sự tăng lên về tuổi tác thì việc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tình dục như thuốc điều trị tăng huyết áp (reserpin, methyldopa, thuốc chẹn kênh β), thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch sử dụng cho người cao tuổi.
3. Những tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Tình trạng đa bệnh lý dẫn đến rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể và chính điều này làm ảnh hưởng đến sử dụng thuốc ở người cao tuổi. Những rối loạn thường gặp như sau:
- Rối loạn tiêu hóa (táo bón): Tình trạng này làm nhiều người cao tuổi thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng, dẫn đến giảm hấp thu các thuốc dùng đồng thời.
- Giảm trí nhớ: Dẫn đến việc quên dùng thuốc, nhầm lẫn thuốc và liều dùng.
- Mắt kém: Làm cho việc đọc đơn thuốc kém hay đọc nhầm tên thuốc.
- Run tay: Dẫn đến việc đếm giọt thuốc khi dùng dạng thuốc uống theo giọt trở nên khó khăn hoặc lúng túng khi gặp các chai thuốc khó mở.
- Thích lạm dụng thuốc: Người cao tuổi thường có xu hướng dùng thuốc kéo dài quá thời gian quy định do tâm lý sợ bệnh tật.
- Loãng xương: Tình trạng loãng xương làm cho người cao tuổi ngại vận động do đau và thường có xu hướng nằm ngay cả khi uống thuốc nên dễ bị loét thực quản, dạ dày với các thuốc kích ứng mạnh.
- Giảm cảm giác khát do phản xạ khát giảm ở người già, do đó người cao tuổi thường ít uống nước, lượng nước bổ sung cho cơ thể không đủ làm tăng khả năng lắng đọng thuốc ở thận gây sỏi thận ( các thuốc như sulfamid, vitamin C liều cao, các sulfamid...).
Xem ngay: Lưu ý khi dùng thuốc điều trị rối loạn tâm thần ở người cao tuổi
4. Nguyên tắc sử dụng thuốc điều trị ở người cao tuổi
Điều trị cho người cao tuổi là quy trình phức tạp do sự lão hóa không đồng đều theo tuổi và sự đáp ứng khác nhau theo từng người bệnh. Để nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
- Hạn chế sử dụng thuốc nếu không thực sự cần thiết, chọn phác đồ điều trị đơn giản, ít thuốc nhất có thể, tránh các thuốc có nguy cơ tương tác cao như các antacid, cimetidin, erythromycin...
- Cân nhắc ảnh hưởng của việc điều trị đến chất lượng cuộc sống: Mục tiêu điều trị cho người cao tuổi không chỉ đơn giản là kéo dài cuộc sống mà còn nâng cao chất lượng sống.
- Điều trị nguyên nhân chứ không nên chỉ điều trị triệu chứng: Với mỗi bệnh nhân cần nỗ lực hết sức tìm ra bệnh lý thực sự và tiến hành điều trị đặc hiệu.
- Lịch sử dùng thuốc: Cần có thông tin đầy đủ và các thuốc đã dùng của người bệnh để tránh các thuốc bị dị ứng, các tương tác thuốc nghiêm trọng có thể xảy ra, các thuốc đã dùng nhưng đáp ứng không tốt...
- Bệnh lý mắc kèm: Người cao tuổi là độ tuổi dễ mắc các bệnh lý như suy gan, suy thận, suy tim... làm tăng nguy cơ gặp tác dụng có hại của thuốc ở người bệnh.
- Lựa chọn thuốc phù hợp: Cũng giống như ở bất kỳ đối tượng nào, người cao tuổi cần được điều trị bằng thuốc hiệu quả nhất, ít tác dụng không mong muốn nhất và phù hợp với tình trạng của người bệnh.
- Chỉnh liều: Bệnh nhân cao tuổi cần được điều trị bắt đầu ở một thuốc mới với liều dùng thấp nhất và số lần dùng thấp nhất có thể, sau đó điều chỉnh liều tăng dần lên nếu cần. Thông thường người cao tuổi cần dùng liều thấp hơn so với độ tuổi còn trẻ.
- Dạng thuốc dùng: Người bệnh cao tuổi thích hợp dùng thuốc dạng siro, hỗn dịch, viên sủi bọt hơn các thuốc dạng viên.
- Lựa chọn những thuốc có bao bì dễ mở, nhãn in chữ to và dễ đọc.
- Cần lưu ý tác dụng không mong muốn (ADR) và tương tác thuốc có thể xảy ra, bởi vì bệnh nhân cao tuổi hệ miễn dịch bị suy giảm, nhiều bệnh kèm phải dùng đồng thời nhiều thuốc nên dễ gặp tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Cần theo dõi sát các triệu chứng có thể do thuốc gây ra ở người bệnh cao tuổi như táo bón, lú lẫn, trầm uất, hạ huyết áp tư thế đứng, giảm điều hòa thân nhiệt...
- Hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc bằng cách ghi hướng dẫn sử dụng thuốc rõ ràng, dễ đọc giúp tăng tính tuân thủ khi điều trị.
Như vậy, người cao tuổi là độ tuổi dễ mắc nhiều bệnh lý cùng lúc và đa phần trong số đó là các bệnh mãn tính nên thường phải dùng đồng thời nhiều thuốc, dẫn đến tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc. Vì vậy cần lưu ý lựa chọn thuốc, liều dùng phù hợp và cân nhắc ảnh hưởng của quá trình điều trị đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.