Tại sao thuốc lợi tiểu làm hạ huyết áp?

Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ natri và nước trong cơ thể. Kết quả của hoạt động này là làm cho thận thải ra nhiều natri hơn vào nước tiểu. Sau đó, natri lấy nước từ máu sẽ làm giảm thể tích tuần hoàn, do đó làm giảm huyết áp. Thuốc lợi tiểu được sử dụng hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp, và thường được kê đơn vì hiệu quả, chi phí thấp và ít tác dụng phụ.

1. Chỉ định của thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp

Thuốc lợi tiểu được biết đến với khả năng làm tăng sự hình thành và bài tiết nước tiểu. Sự gia tăng bài tiết cho phép loại bỏ nhiều nước và natri hơn, và cuối cùng ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu do làm giảm thể tích chất lỏng.

Sự giảm thể tích chất lỏng ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp, đó là lý do tại sao thuốc lợi tiểu làm hạ huyết áp.

Từ lâu, điều trị tăng huyết áp có sử dụng nhóm thuốc lợi tiểu đã có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đột quỵ và bệnh tim. Trong các thử nghiệm lâm sàng, phần lớn tất cả các bệnh tăng huyết áp, nhất là người Mỹ gốc Phi, có thể được kiểm soát tốt bằng phác đồ 2 thuốc đơn giản, kết hợp thuốc lợi tiểu loại thiazid với thuốc chẹn β hoặc thuốc ức chế men chuyển, mỗi thuốc được dùng một lần mỗi ngày. Chi phí thấp nhất, tỷ lệ kiểm soát cao và tuân thủ thuốc có lẽ là ưu điểm vượt trội đạt được cho chỉ định của thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp.


Thuốc lợi tiểu được biết đến với khả năng làm tăng sự hình thành và bài tiết nước tiểu
Thuốc lợi tiểu được biết đến với khả năng làm tăng sự hình thành và bài tiết nước tiểu

2. Dược lực học của thuốc lợi tiểu

Có 3 nhóm thuốc lợi tiểu khác nhau, bao gồm thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu quaithuốc lợi tiểu tiết kiệm kali với vị trí tác dụng chính của thuốc lợi tiểu là nephron trong thận. Các nhóm thuốc lợi tiểu khác nhau được đặc trưng bởi cơ chế hoạt động khác nhau và vị trí cụ thể được nhắm mục tiêu trong nephron.

Thuốc lợi tiểu thiazid tác động lên ống lượn xa của nephron bằng cách ức chế tái hấp thu natri. Với sự ức chế này, nhiều natri hơn ở trong nephron tạo ra một lực thẩm thấu cho phép giữ nước trong nephron, và cuối cùng là bài tiết nước. Thuốc lợi tiểu thiazid được nhiều bác sĩ coi là thuốc được lựa chọn để điều trị lâu dài bệnh tăng huyết áp.

Thuốc lợi tiểu quai, giống như thuốc lợi tiểu thiazid, có tác dụng ức chế sự tái hấp thu natri cũng như clorua bằng cách nhắm mục tiêu vào chất đồng vận chuyển natri kali clorid, tuy nhiên chúng phát huy tác dụng ở chi đi lên của quai Henle. Bằng cách nhắm vào 2 chất điện giải cụ thể này, thuốc lợi tiểu quai ngăn cản sự tái hấp thu nước. Sự giảm thể tích huyết tương xảy ra để đáp ứng với sự gia tăng bài tiết natri làm giảm sự trở lại của tĩnh mạch và giảm cung lượng tim.

Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali chỉ được sử dụng trong điều trị suy tim sung huyết, không có chỉ định trong điều trị tăng huyết áp.

3. Dược động học của thuốc lợi tiểu

Tất cả các nhóm thuốc lợi tiểu đều được hấp thu qua đường uống và phân phối rộng rãi. Thuốc lợi tiểu thiazid được biết là liên kết nhiều với protein huyết tương, làm hạn chế quá trình lọc và thúc đẩy phân phối thích hợp đến các mô. Tuy nhiên, chúng trải qua quá trình chuyển hóa rộng rãi ở gan ảnh hưởng đến liều lượng và tần suất sử dụng. Thời gian bán thải của thiazide khoảng 8 đến 12 giờ cho phép dùng một liều hàng ngày.

Mặt khác, thuốc lợi tiểu quai được biết là kém hiệu quả hơn thiazide và có thời gian tác dụng ngắn khoảng 6 giờ. Thuốc lợi tiểu quai được chỉ định kiểm soát huyết áp cho những bệnh nhân bị suy thận hoặc suy tim đồng thời, trong những trường hợp khi thuốc lợi tiểu thiazid hiếm khi có hiệu quả.


Thuốc lợi tiểu có vai trò rất quan trọng và nhiều mặt trong điều trị tăng huyết áp nói riêng, các bệnh lý tim mạch nói chung
Thuốc lợi tiểu có vai trò rất quan trọng và nhiều mặt trong điều trị tăng huyết áp nói riêng, các bệnh lý tim mạch nói chung

4. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp

Tác dụng ngoại ý của thuốc lợi tiểu phụ thuộc vào liều lượng và chủ yếu là chuyển hóa. Tác dụng ngoại ý thường gặp nhất là mất cân bằng điện giải như hạ kali máu hoặc hạ natri máu và rút dịch quá mức. Trong đó, hạ kali máu là một trong những vấn đề chính của thuốc lợi tiểu và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về chuyển hóa và tim. Đồng thời, sự cạn kiệt thể tích tuần hoàn quá mức có thể dẫn đến phản xạ tăng cung lượng tim và sức cản mạch máu do phản xạ thụ thể ngoại biên được kích hoạt. Nhu cầu oxy tăng lên tại tim có thể trở thành một vấn đề đối với bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Các tác dụng phụ khác liên quan đến thuốc lợi tiểu là hạ huyết áp thế đứng và tăng lipid máu. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng bị chống chỉ định ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gút do khả năng làm tăng nồng độ acid uric trong máu.

Tóm lại, thuốc lợi tiểu có vai trò rất quan trọng và nhiều mặt trong điều trị tăng huyết áp nói riêng, các bệnh lý tim mạch nói chung, có thể đạt được nhiều lợi ích nhất. Sự kết hợp của thuốc lợi tiểu và các thuốc hạ áp khác có thể đem lại mục tiêu kiểm soát huyết áp hiệu quả cao, trở thành một liệu pháp gần như tối ưu cho một số đối tượng nhất định, như bệnh nhân suy thận mạn, và có thể được xem xét chỉ định thường xuyên hơn trong điều trị tăng huyết áp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, physio-pedia.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe