Bài viết bởi Dược sĩ Quang Ánh Nguyệt - Dược sĩ Phụ trách nhà thuốc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Tương tác thuốc là sự tác dụng qua lại lẫn nhau giữa thuốc này với thuốc khác, giữa thuốc với tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể. Kết quả của tương tác thuốc làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, hoặc làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho người bệnh.
1. Tương tác thuốc là gì?
Nếu người bệnh đang dùng nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc đang điều trị với nhiều bác sĩ hoặc có tình trạng sức khỏe đặc biệt, họ có khả năng cao sẽ gặp phải tương tác thuốc. Tương tác thuốc là sự tác dụng qua lại lẫn nhau giữa thuốc này với thuốc khác, giữa thuốc với tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể và cũng có thể là với một số loại thực phẩm mà họ dùng. Kết quả của tương tác thuốc làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, hoặc làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho người bệnh.
2. Nguyên nhân gây tương tác thuốc?
Nguyên nhân của tương tác thuốc là phản ứng giữa thuốc với thuốc, hoặc với tình trạng sức khỏe của người bệnh hoặc với các loại thực phẩm mà người bệnh đang dùng. Tương tác có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thuốc đi vào cơ thể, từ khi thuốc được hấp thu, phân bố, chuyển hóa, tác dụng và thải trừ ra ngoài.
Có 3 loại tương tác thuốc chính:
2.1. Tương tác thuốc – thuốc
Có thể xảy ra khi người bệnh dùng hai hay nhiều loại thuốc và giữa chúng có sự tương tác với nhau. Ví dụ như khi dùng một thuốc gây ngủ (thuốc an thần) và một thuốc chống dị ứng (thuốc kháng histamin) có thể khiến người dùng buồn ngủ nhiều hơn, trở nên chậm chạp, kém phản xạ và gây nguy hiểm khi lái xe hoặc vận hành máy móc. Tương tác thuốc theo đó có thể làm tăng hoạt tính, tác dụng của thuốc nhưng cũng có thể làm giảm tác dụng điều trị như trường hợp một số kháng sinh như Ciprofloxacin, Levofloxaxin bị giảm hấp thu, giảm tác dụng khi uống đồng thời với thuốc bổ có chứa ion kim loại như sắt, canxi. Ngoài ra, thuốc còn tương tác với thuốc gây ra tác dụng không mong muốn, sinh độc tính có hại cho cơ thể. Ví dụ như dùng các thuốc giảm cholesterol máu như atorvastatin, rosuvastatin cùng với kháng sinh như clarithromycin làm tăng nguy cơ gặp phải tổn thương cơ vân cấp hoặc gây suy thận.
2.3. Tương tác thuốc – tình trạng sức khỏe của người bệnh
Những người lớn tuổi, người mắc nhiều bệnh mãn tính đi kèm là nhóm dễ gặp phải loại tương tác này. Thuốc với đặc tính dược lý riêng biệt sẽ tương tác với tình trạng bệnh lý, sinh lý của người bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành hay suy gan, suy thận... làm nảy sinh tác dụng phụ có hại hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh đang có. Ví dụ như dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid để giảm đau khớp cho một người mắc tăng huyết áp có thể khiến huyết áp người này tăng cao, không kiểm soát hoặc đưa đến một số biến chứng tim mạch khác nếu người bệnh tự ý dùng lâu dài, không kiểm soát.
3. Tương tác thuốc có triệu chứng gì không?
Trên thị trường hiện có hàng chục nghìn loại thuốc khác nhau, mỗi loại lại có đặc tính, tác dụng khác nhau kéo theo vô số tương tác giữa các loại thuốc này khi phối hợp điều trị bệnh. Đó là chưa kể đến các loại thức ăn, thức uống, sản phẩm khác được dùng kèm trong quá trình điều trị. Vì thế, không có một triệu chứng chung, khái quát nào cho tương tác thuốc.
Người hiểu rõ nhất về tương tác thuốc là bác sĩ hoặc dược sĩ, là người thăm khám, điều trị và xem xét đơn thuốc của người bệnh. Tại Vinmec, tất cả các đơn thuốc đều được các bác sĩ, dược sĩ cân nhắc, xem xét cho phù hợp với người bệnh và đảm bảo an toàn, không phát sinh các tác dụng phụ có hại. Người bệnh cũng cần được tư vấn về thuốc, hướng dẫn cách dùng thuốc và các lưu ý khi dùng kèm các loại thuốc, thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác cũng như theo dõi các triệu chứng khác lạ, có hại liên quan trong thời gian dùng thuốc.
4. Làm gì để tránh tương tác thuốc?
Luôn nói với bác sĩ hoặc dược sĩ về các thuốc người bệnh đang dùng. Ngoài ra các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, khoáng chất hoặc các loại thuốc đông y, dược liệu khác cũng cần phải được kể ra đầy đủ khi người bệnh thăm khám với bác sĩ.
Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, thông tin về thuốc trong đó có nhắc đến các tương tác có thể xảy ra với thuốc. Người bệnh cũng cần hiểu về thuốc, tác dụng điều trị, cách dùng và cách giảm thiểu các nguy cơ tương tác và tác dụng có hại khác khi được tư vấn về thuốc với dược sĩ. Khi có lo ngại hoặc không hiểu rõ về thuốc, người bệnh có thể hỏi bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả khi dùng thuốc.