Bài viết được viết bởi: ThS.BS nội trú Nguyễn Trọng Hiến - Chuyên gia tư vấn tâm lý, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Các nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng các đau khổ tâm lý là một trong những “dấu hiệu sinh tồn” trong chăm sóc người bệnh ung thư. Các liệu pháp tâm lý ngày càng được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh nhân ung thư và mang lại những chuyển biến tích cực không những về tâm lý mà còn về sức khỏe cơ thể của bệnh nhân nói chung.
1. Liệu pháp tâm lý phối hợp (Adjuvant psychological therapy - APT)
Là liệu pháp được thiết kế phù hợp cho các bệnh nhân ung thư. APT được chứng minh có hiệu quả giảm lo âu, cải thiện khả năng đối phó, sức khỏe tâm lý và tăng sự thoải mái, giảm ý nghĩ vô dụng, cải thiện cảm xúc và giảm bớt các đau khổ tâm lý.
APT có hiệu quả hơn trong cải thiện lo âu, trầm cảm, tinh thần chiến đấu, và những suy nghĩ gây hại trong thời gian 4 tuần và những khó khăn tự cảm nhận thấy cũng như khả năng đối phó với tình huống được cải thiện lâu dài hơn so với tư vấn đơn thuần.
Theo thời gian, bệnh nhân dưới sự tư vấn cũng cải thiện nhưng chậm hơn so với nhóm can thiệp với APT. Điều này có thể do sự khác biệt trong phương pháp khi APT tập trung vào hiện tại nhiều hơn, trong khi liệu pháp tư vấn cho bệnh nhân tiếp cận đến nguồn gốc của vấn đề từ trong quá khứ.
Do đó, giúp bệnh nhân giải quyết tình huống hiện tại có thể tác động đến các bệnh lý cơ thể đang mắc phải. APT giúp bệnh nhân mở rộng hơn nữa cách nhìn về nhận thức – hành về tình trạng hiện tại của họ và giải quyết chúng. Các tương tác xã hội và các mối quan hệ là quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh tật, qua đó tạo ra môi trường hỗ trợ. APT được tổ chức thành các mô đun (module).
Bệnh nhân sẽ được trị liệu qua module cơ bản và sau đó chuyển tiếp đến các nhóm đào tạo nâng cao.
2. Liệu pháp tâm lý nhóm (group therapy)
Là tiến trình tác động trên một nhóm các bệnh nhân có các tình trạng bệnh tật giống nhau nhằm tạo ra sự tương tác thông qua thảo luận trong nhóm và thảo luận ghép cặp. Liệu pháp này được chứng minh giúp giảm lo âu, trầm cảm, và mức độ stress ở bệnh nhân ung thư. Nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng liệu pháp này làm giảm các ý nghĩ không phù hợp, cảm xúc tiêu cực, sự mệt mỏi, mất hy vọng, tăng tự tin, chất lượng cuộc sống và mục đích sống cũng như các nhu cầu tinh thần cho bệnh nhân ung thư. Tác động của liệu pháp này thông qua việc tạo ra một môi trường mang tính hỗ trợ và cho phép bệnh nhân thể hiện kinh nghiệm của họ với những người khác.
3. Liệu pháp giải quyết vấn đề (problems solving therapy – PST)
Là liệu pháp tập trung vào các vấn đề phải đối mặt đối với bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân được hướng dẫn cách tiếp cận vấn đề của họ và tập trung vào giải quyết chúng. Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp này mang lại kết quả tích cực với các triệu chứng lo âu và trầm cảm so sánh trước và sau liệu pháp. Liệu pháp này cũng có thể mở rộng với các mối quan hệ của bệnh nhân như gia đình và bạn bè, những người có thể góp phần tích cực vào hiệu quả trong giải quyết vấn đề.
4. Liệu pháp hành vi thích hợp cảm xúc (rational-emotive behavior therapy – REBT)
Là liệu pháp giúp bệnh nhân với triệu chứng đau hiểu được và chấp nhận vấn đề họ đang đối mặt. REBT tập trung vào cách thức bệnh nhân có thể kiểm soát cơn đau thông qua cách họ cảm nhận sự đau đớn đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy REBT có hiệu quả cao trong giảm đau ở bệnh nhân ung thư, điều đó được giải thích do sự chấp thuận và thấu hiểu của bệnh nhân đối với cảm nhận đau của họ. Nói một cách khác, REBT giúp các cá nhân thay đổi cảm nhận của họ với sự đau đớn.
5. Liệu pháp mở rộng tâm lý – tinh thần (psycho-spiritual integrative therapy – PSIT)
Là liệu pháp giúp bệnh nhân có sự kết nối về tinh thần với sự tồn tại của bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Về cơ bản, hiểu và chấp thuận ý nghĩa cuộc đời họ. Điều này có thể giúp bệnh nhân trong việc điều chỉnh cảm xúc, kiểm soát bản thân và tĩnh tâm. Bệnh nhân được dạy các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga và cách để tĩnh tâm trong cảm xúc, suy nghĩ và hành động. Kỹ thuật trên cho phép người tham gia có cách nhìn về cảm xúc của họ một cách trung tính hơn, nhận ra được những mặt tiêu cực của bản thân để thay đổi cách họ sống và làm giảm đau khổ liên quan đến các mối bận tâm về cơ thể.
6. Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT)
Là một loại liệu pháp tập trung vào suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi. CBT giúp giảm trầm cảm, lo âu và tăng chất lượng giấc ngủ qua đó giảm tần suất sử dụng thuốc gây ngủ cho bệnh nhân ung thư. CBT giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân ung thư thông qua các kỹ thuật như thư giãn và tăng kỹ năng tưởng tượng.
7. Liệu pháp giáo dục tâm lý (psychoeducational therapy)
Là liệu pháp kết hợp giữa các trò chuyện hỗ trợ, học cách đối phó vấn đề, thư giãn, tăng kỹ năng tưởng tượng và lối sống lành mạnh. Liệu pháp này tập trung vào cách sống lành mạnh qua việc rèn luyện tính cộng đồng, tăng tập luyện thể chất, giảm các stress và cảm xúc tiêu cực mà bệnh nhân ung thư phải đối mặt.
8. Liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behavior therapy - DBT)
Là một liệu pháp trong đó tập trung chính vào việc dạy bệnh nhân các kỹ năng nhận thức – hành vi. Bệnh nhân được yêu cầu tập luyện để hiểu được cách họ suy nghĩ ảnh hưởng đến cách cư xử của họ như thế nào. Điều đó giúp họ đối phó với tình huống của mình tốt hơn. Về mặt tâm lý, bệnh nhân nhận ra được nguồn gốc của stress, tìm ra cách đối phó thích hợp và thậm chí đào tạo cho các bệnh nhân khác.Về mặt cơ thể, liệu pháp này giúp giảm nhịp tim, giảm các triệu chứng về cơ thể và mức độ stress.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.