Các khớp nào thường bị bong gân?

Bong gân là một tình trạng chấn thương đột ngột ở các khớp, hiện tượng này xảy ra khi dây chằng – một dải mô sợi khỏe nối hai xương với nhau bị kéo giãn hay bị rách, khiến cho các khớp bị lệch khỏi phạm vi chuyển động bình thường. Hiện tượng bong gân thường xảy ra ở những khớp như mắt cá chân, khớp đầu gối và cổ tay.

1. Nguyên nhân gây ra bong gân là gì?

Bong gân là hiện tượng khá phổ biến và xảy ra thường xuyên nếu chúng ta không chú ý. Bong gân không xảy ra ở tất cả các khớp mà chỉ xảy ra ở một vài trường hợp liên tục. Chính xác hơn là có các khớp thường bị bong gân nhiều hơn, vì chúng dễ bị tác động khi bạn ở trong những tình huống sau:

  • Di chuyển hay chạy trên đường gồ ghề, lồi lõm nhiều.
  • Bạn uốn hay xoay người đột ngột
  • Bị ngã và tiếp đất bằng bàn tay và cổ tay
  • Thường xuyên chơi các môn thể thao dùng đến cổ tay nhiều như: cầu lông, tennis, bóng rổ...
  • Hay chơi các môn thể thao tiếp xúc và va chạm như bóng đá...

2. Dấu hiệu của bong gân là gì?

Dấu hiệu bong gân sẽ tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân và vị trí mà bạn bị bong gân. Tuy nhiên tựu chung lại chúng đều có những dấu hiệu cơ bản sau:

  • Dấu hiệu đầu tiên khi bị bong gân là cảm thấy đau ngay sau khi bị chấn thương. Cơn đau vẫn kéo dài sau đó, thậm chí đau nhiều hơn khi người bệnh có những đụng chạm như ấn nhẹ hay sờ vào vùng chấn thương.
  • Sau khi bị chấn thương vài giờ, vùng bị tổn thương có dấu hiệu sưng lên – đây là một dấu hiệu rất đặc trưng. Chính vì thế khi bị chấn thương cần giữ nguyên tư thế để kiểm tra xem có đúng bị bong gân không. Nếu chủ quan mà di chuyển thì tình trạng đó sẽ dẫn đến nặng hơn và rất nguy hiểm.
  • Tiếp theo đó là vùng bị tổn thương có dấu hiệu tím bầm lên. Đây là dấu hiệu khi các dây chằng, cơ, gân tại đó bị tổn thương và chảy máu dẫn đến ngấm và biểu hiện qua da. Hiện tượng này không xảy ra ngay khi chấn thương mà xảy ra sau đó một thời gian nhất định.
  • Cuối cùng là nơi chấn thương bị đau, sưng, qua khoảng thời gian 1- 2 ngày các khớp cứng lại khiến người bệnh khó khăn trong việc vận động và di chuyển.

Các dấu hiệu trên còn phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng nhẹ của vết thương. Chúng có 3 mức độ như sau:

  • Mức độ 1: bị đau và sưng nhẹ ở phần khớp tổn thương.
  • Mức độ 2: vùng bị chấn thương thấy đau, sưng nhiều. Thêm vào đó là có dấu hiệu bầm tím
  • Mức độ 3: Bong gân nặng nên dây chằng rách, đứt khiến cho bệnh nhân thấy đau nặng và xung quanh vùng chấn thương bị sưng, bầm tím rất nhiều.

3. Các khớp nào hay bị bong gân và tại sao?

Bạn có biết các khớp nào thường bị bong gân không? Đó chính là khớp cổ tay, mắt cá chân và đầu gối.

Nguyên nhân các khớp này hay bị bong gân vì chúng là những khớp hoạt động nhiều kể cả trong sinh hoạt đời sống: đi lại , cầm nắm hay bê vác...và cả trong vận động thể thao: đánh bóng chuyền, đá bóng, cầu lông, bóng rổ....

3.1. Bong gân ở khớp cổ chân

Khớp cổ chân là phần nối giữa xương ống chân và xương bàn chân. Đây là vùng khớp phải vận động nhiều nên rất dễ dẫn đến những tổn thương khi chúng ta không chú ý.

Bong gân cổ chân sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau đây:

  • Có tiếng trật chân hay có cảm giác bị rách lúc xảy ra chấn thương
  • Nếu di chuyển hay vận động cổ chân là có cảm giác đau đớn hay đau đớn kéo dài.
  • Vùng cổ chân bị sưng và khó gập
  • Vùng da xung quanh khu vực bong gân bị bầm tím

Nếu chấn thương nặng thì có thể bị tê liệt bàn chân do dây thần kinh hay mạch máu bị tổn thương, dẫn đến đau đớn và việc di chuyển, cử động cổ chân rất khó khăn.

3.2. Bong gân ở cổ tay

Cũng giống như khớp cổ chân hay vận động giúp chúng ta di chuyển thì khớp cổ tay lại vận động thường xuyên giúp chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày hay vận động thể thao. Bong gân cổ tay thường diễn ra khi chúng ta co duỗi cổ tay hay xoay nó với lực lớn: quay mạnh, ngã từ trên cao và chống xuống.

Bong gân cổ tay có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây chằng tại cổ tay. Nên lưu ý là bong gân cổ tay rất dễ nhầm lẫn với gãy xương cổ tay nên bạn cần phải kiểm tra bằng máy chụp chiếu mới đưa ra kết luận chính xác.

3.3. Bong gân đầu gối

Vùng đầu gối dễ bị tổn thương vì nơi đây có hệ thống dây chằng rất phong phú. Trong đó có dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài và dây chằng bên trong là quan trọng nhất. Đây là vùng dễ tổn thương nếu bạn tham gia các trò chơi vận động bằng chân hay các môn có những động tác vặn, xoắn như bóng đá....

4. Cách xử lý bong gân như thế nào?

Bong gân là chấn thương bên trong cơ thể nên nếu không có chuyên môn thì rất dễ nhầm lẫn với những chấn thương khác. Vì vậy bạn không nên chủ quan khi xảy ra chấn thương mà phải đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời và có phương án điều trị thích hợp.

Cách điều trị bong gân mức độ nhẹ:

  • Để khớp và gân cơ tại vùng bị tổn thương nghỉ ngơi bằng cách ngừng vận động ngay sau khi bị chấn thương và hạn chế hoạt động những ngày sau đó.
  • Chườm đá ngay sau khi bị chấn thương giúp giảm sưng. Tuy nhiên cần lưu ý là quấn một lớp vải mỏng quanh túi đá để chườm khoảng tầm 20 phút. Cứ cách 10 phút lại chườm 1 lần. Nên làm trong vòng 3 ngày đầu.
  • Băng ép vùng bị bong gân. Lưu ý là không ép quá chặt làm vùng bong gân bị tổn thương hay quá lỏng vì không có tác dụng.
  • Nếu chấn thương ở tay nên dùng túi treo, còn ở chân thì nên gác chân lên gối cao.
  • Có thể sử dụng nẹp, đai hay bột để cố định khớp gối để bảo vệ khớp.
  • Sử dụng các liệu pháp vật lý trị liệu theo từng giai đoạn và có sự chỉ định, giám sát của các chuyên gia.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ
  • Có thể sử dụng chương trình phục hồi chức năng cần thiết: tâm vận động, phục hồi cơ, phục hồi khả năng chơi thể thao.

Đối với những trường hợp bong gân nặng có thể sử dụng đến những phương pháp điều trị cao hơn như: phẫu thuật để giúp cho vùng tổn thương được phục hồi như ban đầu.

5. Nên ăn gì để nhanh hồi phục bong gân?

Nếu bạn thường xuyên bị chấn thương hoặc các khớp hay bị bong gân thì bạn cần bổ sung thêm những thực phẩm sau. Chúng sẽ giúp cho vết thương nhanh chóng phục hồi và đỡ bị tổn thương hiệu quả nhất.

  • Bổ sung thực phẩm giàu protein có trong các loại thịt: thịt bò, thịt gà, thịt heo. Protein sẽ giúp giảm teo cơ đáng kể.
  • Bổ sung rau củ quả và vitamin C: các bông cải, cà chua, kiwi... giúp cơ thể nhanh phục hồi và kháng viêm hiệu quả. Đồng thời vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng khiến cơ thể khỏe mạnh hơn.
  • Bổ sung axit béo Omega – 3, 6 có trong quả óc chó, cá, dầu dừa và các loại dầu hạt.: dầu hướng dương, dầu lạc, dầu hạt cải, dầu vừng...
  • Thực phẩm giàu kẽm giúp bạn chữa lành mô cơ, gân đang tổn thương. Kẽm thường có trong các loại hải sản: ngao, ốc, hến...
  • Bổ sung canxi và Vitamin D giúp xương chắc khỏe và giúp não điều khiển chính xác.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ.

Bong gân thường xảy ra ở các khớp đầu gối, mắt cá chân và cổ chân. Bong gân rất dễ gây nhầm lẫn với những chấn thương khác vì vậy cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý kịp thời tránh để chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe