Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đột quỵ não là bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh lý tim mạch với sự mất đi những chức năng của não bộ một cách đột ngột, bao gồm 2 thể lâm sàng chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ thường để lại những di chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân do sự tổn thương các phần khác nhau của não, ảnh hưởng đến sự vận động, ý thức cũng như một số rối loạn khác. Vì vậy, việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ não là vô cùng quan trọng và các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não mà người bệnh phải trải qua để cải thiện sức khỏe một cách tốt nhất.
1. Đột quỵ não
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh lý xảy ra do sự tổn thương mạch máu não một cách đột ngột, có thể do nguyên nhân tắc nghẽn mạch máu hoặc vỡ mạch máu gây nên tình trạng thiếu oxy cung cấp cho não bộ. Những triệu chứng của đột quỵ não thường tồn tại trên 24 giờ hoặc cũng có thể dẫn đến tử vong trước 24 giờ và không phải do nguyên nhân chấn thương gây ra. Trên lâm sàng, đột quỵ não được phân làm 2 thể là nhồi máu não do tắc nghẽn động mạch máu não và xuất huyết não do vỡ mạch máu não làm chảy máu ồ ạt vào nhu mô não, não thất hoặc chảy máu vào khoang dưới nhện, và trong đó thể nhồi máu não thường phổ biến hơn xuất huyết não với tỷ lệ là 75% - 85% bệnh nhân vào viện vì đột quỵ nhồi máu não.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý đột quỵ não đó là:
- Tăng huyết áp: là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ não vì khi huyết áp tăng cao thì sẽ làm tổn thương bên trong thành mạch khiến tính thấm thành mạch từ đó cũng tăng lên, nhất là với những loại lipoprotein máu, tạo điều kiện thuận lợi cho những mảng xơ vữa động mạch phát triển nhiều hơn dẫn đến tình trạng đột quỵ não. Vì vậy, cần phải kiểm soát chỉ số huyết áp ở mức cho phép để hạn chế nguy cơ đột quỵ cũng như một số bệnh lý nguy hiểm khác.
- Đái tháo đường: được xem là yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh lý đột quỵ não thể thiếu máu não cục bộ.
- Bệnh lý tim mạch: một số bệnh lý liên quan đến hệ tuần hoàn của cơ thể như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, hẹp van 2 lá, viêm màng trong tim, bệnh lý về cơ tim... làm tăng khả năng xảy ra tình trạng đột quỵ.
- Tăng lipid máu: là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ não.
- Hút thuốc lá: thuốc lá vào cơ thể sẽ khiến cho nồng độ HDL trong máu giảm là yếu tố nguy cơ gây tổn thương nội mạc thành mạch làm hình thành nên những mảng xơ vữa mạch máu gây ra bệnh lý đột quỵ não.
- Nghiện rượu: những người nghiện rượu dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu thể cấp tính hoặc mãn tính là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ không nên bỏ qua khi khai thác tiền sử sử dụng chất của bệnh nhân khi thăm khám.
- Người có tiền sử tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc đã từng bị đột quỵ não trước đó
- Béo phì: tình trạng béo phì có thể dẫn đến những bệnh lý về tim mạch, và sau đó là những biểu hiện của đột quỵ não.
- Hẹp động mạch cảnh: hẹp động mạch cảnh khiến cho tình trạng xơ vữa động mạch cảnh có khả năng xảy rất cao, là nguyên nhân gây ra đột quỵ não thể nhồi máu não.
2. Các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não
Bệnh lý đột quỵ não có thể hồi phục một phần hoặc cũng có thể hồi phục hoàn toàn tùy mức độ tổn thương não, thời gian được xử lý điều trị sớm hay muộn và bệnh nhân được chăm sóc và điều trị cũng như phục hồi chức năng đúng cách và hợp lý hay không. Thời gian hồi phục của bệnh nhân đột quỵ não có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tháng. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ não nặng và để lại những di chứng nặng nề sau đó, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, vận động và chất lượng sống của bệnh nhân rất nhiều, thậm chí bệnh nhân của có thể tử vong nếu mắc phải chứng xuất huyết não. Một số di chứng thường gặp sau đột quỵ não có thể kể đến như liệt nửa người, liệt tứ chi, tê yếu 2 tay, 2 chân, khó nói, không diễn đạt được ý muốn nói, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nuốt gây sặc khi ăn uống, từ đó có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, rối loạn cảm giác như tăng hoặc mất cảm giác nông như nóng, lạnh..., rối loạn cơ tròn gây nên triệu chứng tiểu không tự chủ, suy giảm chức năng ghi nhớ, tư duy...
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO thì các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não bao gồm:
- Giai đoạn cấp và tối cấp: 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ
Bệnh nhân cần được can thiệp sớm, hồi sức tích cực để duy trì sự sống bằng cách đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn trong mức ổn định.
- Giai đoạn hồi phục sớm: sau 24 giờ đầu đến 3 tháng đầu sau đột quỵ
Bệnh nhân cần được điều trị nội khoa, kết hợp với tập phục hồi chức năng sớm vì đây là giai đoạn mà cơ thể bệnh nhân có thể phục hồi một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Cần chú ý hạn chế những biến chứng sau đột quỵ não có thể xảy ra như viêm phổi, loét tỳ đè, teo cơ hay cứng khớp do nằm bất động tại giường.
- Giai đoạn phục hồi muộn: 3 tháng đến 6 tháng
Tiếp tục tập phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bệnh nhân nhưng nếu thời gian bắt đầu tiến hành tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não càng chậm thì khả năng phục hồi hoàn toàn càng thấp.
- Giai đoạn mãn tính: sau 6 tháng
Bệnh nhân trong tình trạng ổn định, duy trì tập những bài tập phục hồi chức năng tại nhà và tái hòa nhập với gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, không phải bất cứ bệnh nhân nào sau đột quỵ nào tập phục hồi chức năng cũng sẽ thành công mà cần dựa vào rất nhiều yếu tố như sau:
- Mức độ tổn thương của não bộ gây ảnh hưởng đến cơ thể.
- Thời gian được can thiệp điều trị và hồi sức tích cực sớm hay muộn
- Thời gian tiến hành tập phục hồi chức năng sớm hay muộn
- Độ tuổi của bệnh nhân
- Động lực luyện tập cũng như mật độ tập có thường xuyên hay không
- Nền tảng sức khỏe của bệnh nhân có ổn định hay không
- Sự giúp đỡ từ gia đình, người thân và bạn bè.
3. Kết luận
Phục hồi chức năng được xem là một phần quan trọng trong điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Bệnh nhân bắt đầu tập ở các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não khác nhau thì sẽ đem lại hiệu quả khác nhau, nên tiến hành tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt để có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, phục hồi được những chức năng sống để sinh hoạt và làm việc một cách độc lập nhất có thể, tái hòa nhập với cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.