Các giai đoạn ung thư phổi sẽ phản ánh kích thước của khối u và tình trạng di căn. Việc biết được giai đoạn bệnh, loại ung thư và cấp độ của ung thư sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Hệ thống TNM sẽ đánh giá các giai đoạn ung thư phổi dựa trên 3 yếu tố chính Tumour (T) - Nodes (N) - Metastasis (M). Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh ung thư phổi là gì?
Bệnh ung thư phổi là tình trạng các tế bào bất thường phát triển không kiểm soát trong mô của một hoặc cả hai phổi.
Không chỉ vậy, các khối u cũng có thể di căn tới phổi từ những bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên, đây không được coi như ung thư phổi. Bệnh ung thư phổi có hai dạng chính bao gồm ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào lớn không biệt hoá.
2. Các giai đoạn ung thư phổi
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ sẽ có 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 0: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư tồn tại trong lòng đường dẫn khí phổi. Các tế bào ung thư cũng chưa xâm lấn vào các mô phổi lân cận.
- Giai đoạn 1 đến giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã phát triển bên trong phổi và có thể lan sang các hạch bạch huyết gần phổi. Tuy nhiên, ung thư chưa di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Giai đoạn 1 và 2 là các giai đoạn ung thư phổi sớm, trong khi đó giai đoạn 3 được gọi là giai đoạn tiến triến tại vùng.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn mà tế bào ung thư phổi di căn đến các khu vực khác trong cơ thể. Những vị trí mà ung thư phổi thường di căn nhất là xương, não, phổi đối diện, tuyến thượng thận.
3. Chẩn đoán các giai đoạn ung thư phổi theo hệ thống TNM
Các giai đoạn ung thư phổi sẽ được đánh giá theo hệ thống TNM. Đây là hệ thống phân định sự tiến triển của ung thư dựa trên 3 yếu tố Tumor (T), Nodes (N) và Metastasis (M).
3.1 Tumour (T)
Tumour (T) sẽ mô tả kích thước của khối u và mức độ lan rộng của ung thư trong mô phổi. Các khối u có thể được phân loại từ T1a (khối u dưới 1cm) đến T4 (khối u lớn hơn 7cm).
TX là trường hợp không thể đánh giá được tình trạng ung thư nguyên phát của người bệnh. Dù không hiển thị trên bản quét, tuy nhiên có thể có tế bào ung thư hiện diện trong nước bọt hoặc chất lỏng lấy từ phổi của người bệnh.
T0 đồng nghĩa với việc không có dấu hiệu của ung thư.
T1 có nghĩa là các dấu hiệu của khối u đã xuất hiện trong phổi. T1mi mô tả giai đoạn của loại ung thư phổi không tế bào nhỏ được gọi là ung thư biểu mô tuyến. Lúc này, ung thư biểu mô tuyến xâm lấn rất ít. Khối u của người bệnh sẽ có kích thước không vượt quá 3cm và xâm lấn không quá 0,5cm vào mô phổi sâu hơn.
T1mi được chia thành các giai đoạn T1a, T1b và T1c theo đường kính của khối u. T1a sẽ được xác định phần rộng nhất của khối u có kích thước từ 1cm trở xuống. T1b có nghĩa là ung thư có kích thước từ 1-2 cm và T1c có nghĩa là khối u đã có kích thước từ 2-3cm.
T2 là khối u có bề ngang từ 3-5cm hoặc có một hay nhiều đặc điểm như:
- Ung thư liên quan đến phế quản chính, nhưng không gần khu vực mà phế quản phân chia để đi vào phổi.
- Khối u liên quan đến lớp lót bên trong của khoang ngực (màng phổi nội tạng).
- Một phần hoặc toàn bộ phổi của người bệnh bị tắc hoặc xẹp do viêm.
T2 được phân loại thành T2a và T2b dựa trên kích thước. T2a được xác định khi ung thư có kích thước từ 3-4cm và T2b có nghĩa là ung thư có kích thước từ 4-5cm.
T3 là các khối u có kích thước từ 5-7cm, hoặc bệnh nhân có nhiều hơn 1 khối u trong cùng một thuỳ phổi. T3 cũng được dùng để chỉ tình trạng ung thư phát triển trong một hoặc nhiều cấu trúc như:
- Thành ngực (cấu trúc có chức năng bảo vệ phổi và các cơ quan khác trong lồng ngực).
- Khu vực màng ngoài của khoang ngực (màng phổi đỉnh).
- Các dây thần kinh gần phổi (dây thần kinh phrenic).
- Màng ngoài tim (vỏ ngoài của tim).
T4 là tình trạng tồi tệ nhất, khi kích thước khối u đã lớn hơn 7cm. T4 cũng được dùng để chỉ tình trạng khối u nằm ở nhiều thuỳ phổi hoặc lan rộng, di căn sang một hoặc nhiều cơ quan như:
- Cơ dưới phổi (cơ hoành).
- Vùng trung thất (khu vực giữa phổi, nằm ở giữa ngực).
- Trái tim, khí quản.
- Dây thần kinh điều khiển thực quản.
- Xương cột sống.
- Khu vực phế quản phân chia để đi đến mỗi phổi.
3.2 Nodes (N)
Nodes (N) sẽ mô tả mức độ lan rộng của khối u đến những hạch bạch huyết gần đó. Các giai đoạn ung thư phổi đánh giá theo Nodes được phân loại từ N0 (không có sự lây lan) đến N3 (ung thư đã di căn sang các vùng khác của cơ thể như lan sang bên kia của phổi hoặc xương đòn).
NX đồng nghĩa không thể đánh giá các hạch bạch huyết.
N0 là tình trạng các hạch bạch huyết không chứa tế bào ung thư phổi.
N1 có nghĩa là có tế bào ung thư xuất hiện ở các hạch bạch huyết bên trong phổi hoặc các hạch bạch huyết trong vùng phổi tham gia vào đường thở.
N2 đồng nghĩa với việc có ung thư xuất hiện trong các vị trí sau:
- Hạch bạch huyết ở trung thất (trung tâm của ngực) cùng bên với phổi bị ung thư.
- Hạch bạch huyết ngay dưới nơi khí quản phân nhánh đến từng phổi.
N3 được xác định khi có khối u xuất hiện ở các vị trí sau:
- Hạch bạch huyết ở phía đối diện của ngực từ phổi bị ảnh hưởng.
- Hạch bạch huyết bên trong phổi đối diện.
- Hạch bạch huyết nằm trên xương quai xanh hoặc phía trên cùng của phổi.
3.3 Metastasis
Metastasis (M) được dùng để đánh giá các giai đoạn ung thư phổi dựa trên sự di căn, tức là ung thư đã lan sang các khu vực bên ngoài phổi hay chưa.
Tình trạng di căn sẽ được phân loại từ M0 (không có tình trạng di căn) đến M1c (ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể và tạo ra nhiều khối u mới).
Có 2 giai đoạn di căn là M0 và M1. Trong đó, M0 có nghĩa là ung thư chưa lan sang thuỳ khác của phổi hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.
M1 là lúc mà ung thư đã di căn đến các vùng khác của cơ thể. M1 được chia thành các giai đoạn ung thư phổi di căn khác nhau gồm M1a, M1b và M1c.
- M1a: Ung thư xuất hiện ở cả hai phổi hoặc trong niêm mạc xung quanh phổi hay niêm mạc xung quanh tim đã có những vùng ung thư. Chất lỏng xung quanh phổi hoặc tim đã có dấu hiệu của tế bào ung thư. Đây còn được gọi là tràn dịch màng tim ác tính hoặc tràn dịch màng phổi ác tính.
- M1b: Có một vùng ung thư bên ngoài ngực trong một cơ quan (ví dụ như gan hoặc não) hoặc trong một hạch bạch huyết.
- M1c: Có nhiều hơn một vùng ung thư trong một hoặc một số cơ quan
4. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị
4.1 Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh và xác định các giai đoạn ung thư phổi, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số phương pháp như sau:
- Nội soi phế quản: Bác sĩ sử dụng ống mềm có camera để quan sát bên trong đường dẫn khí của phổi.
- Chụp CT và MRI: Hai phương pháp này để sử dụng để chẩn đoán vị trí và kích thước của khối u. Cùng với đó, các giai đoạn ung thư phổi cũng được xác định qua kết quả chụp.
- PET-CT: Đây là một phương pháp chẩn đoán bằng cách sử dụng chất phóng xạ. Các tế bào ung thư sẽ hấp thu nhiều phóng xạ hơn, qua đó bị hiển thị rõ hơn trên kết quả xét nghiệm.
- Sinh thiết: Các bác sĩ sẽ lấy các mẫu mô để mang đi xét nghiệm nhằm tìm dấu hiệu ung thư.
- Xét nghiệm máu: Các chất chỉ điểm ung thư như cyfra 21-1 hay CEA sẽ được tìm thấy trong máu của người bệnh.
4.2 Điều trị
Các giai đoạn ung thư phổi sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Nếu ở giai đoạn đầu, khả năng điều trị khỏi hẳn là rất cao.
Tuy nhiên, bệnh nhân thường phát hiện bệnh trễ. Lúc này, các giai đoạn ung thư phổi đã tiến dần về cuối, việc điều trị chỉ nhằm mục đích kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Tuỳ thuộc vào từng người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau, có thể kể đến các phương pháp như hoá trị, xạ trị và phẫu thuật.
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho bệnh nhân về các giai đoạn ung thư phổi. Hi vọng rằng, người bệnh đã có được những thông tin mà mình đang tìm kiếm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancerresearchuk.org, iconcancercentre.sg