Ung thư phổi giai đoạn đầu có chữa được không?

Ung thư phổi giai đoạn đầu thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng, do đó việc phát hiện sớm thường khá khó khăn. Tỷ lệ tử vong của ung thư phổi tại Việt Nam chỉ đứng sau ung thư gan. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu (khi khối u chưa quá lớn hoặc chưa di căn đến các bộ phận khác), tỷ lệ sống sót của bệnh nhân có thể tăng lên đáng kể.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Lê Thị Nhã Hiền - Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi xảy ra khi có sự xuất hiện của một khối u ác tính tại các vị trí như tiểu phế quản, phế nang, biểu mô phế quản, phế nang hoặc các tuyến của phế nang. Khối u này được tạo thành từ các tế bào không bình thường xuất hiện ở một hoặc hai bên phổi và phát triển một cách nhanh chóng, ảnh hưởng đến chức năng của phổi.  

Ung thư phổi hiện được phân thành hai loại chính:  

  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ  
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ.

2. Nguyên nhân gây ra ung thư phổi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, trong đó có một số yếu tố mà chúng ta có thể tránh hoặc hạn chế được:

  • Hút thuốc lá: Thuốc lá và khói thuốc được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, ngay cả khi người bệnh không hút thuốc nhưng hít phải lượng khói thuốc thụ động thì cũng sẽ có nguy cơ mắc ung thư phổi.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm có hại cho cơ thể trong 1 thời gian dài có thể dẫn tới ung thư.
  • Ô nhiễm môi trường, bụi bẩn: Người thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, cát, chất phóng xạ, chất thải từ các động cơ,... cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi.

3. Dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu  

Ung thư phổi giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt nên rất khó để phát hiện ra bệnh. Nếu chú ý kỹ, bệnh nhân có thể nhận ra một số thay đổi trong cơ thể nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về hô hấp khác. Dưới đây là một số dấu hiệu mà người bệnh cần chú ý:

  • Ho thường xuyên, đặc biệt là ho khan hoặc ho có đờm, có thể kéo dài và tăng vào rạng sáng, đôi khi có máu kèm theo.
  • Đờm thay đổi màu sắc và lượng theo thời gian.
  • Đau ở lưng, ngực, vai và cảm giác đau có mức độ không đều.
  • Khó thở, khò khè và mệt mỏi khi thở.
  • Giọng nói khàn hơn và khó phát ra âm.
  • Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn, sụt cân đột ngột.
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng, dễ mắc bệnh hoặc sốt.
  • Sưng mặt hoặc cổ và cảm giác đau ở xương khớp.
  • Thay đổi màu sắc ở da, móng tay, ngón tay ở giai đoạn đầu của ung thư phổi là hiếm gặp. 
Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu bao gồm đau lưng.
Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu bao gồm đau lưng.

Những dấu hiệu này có thể giúp phát hiện sớm ung thư phổi giai đoạn đầu. Do bệnh ở giai đoạn đầu rất khó để nhận biết nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và khuyến khích chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp để sàng lọc ung thư đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

4. Các phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn đầu, các phương pháp sau có thể được áp dụng:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cơ thể, đánh giá chức năng hô hấp và thu thập thông tin về tiền sử bệnh để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến ung thư phổi.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bao gồm X-quang ngực, siêu âm, máy tính cắt lớp (CT), PET-CT và MRI.  
  • Một số xét nghiệm máu, xét nghiệm khối u đặc biệt, xét nghiệm chức năng gan, thận và hô hấp cũng được sử dụng để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Xét nghiệm vô khuẩn bao gồm xét nghiệm dịch phế quản và xét nghiệm từ nhầy để phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm chẩn đoán tiên lượng bao gồm việc xác định loại tế bào ung thư và mức độ lan rộng của bệnh trong cơ thể.

Tuy nhiên, quá trình chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn đầu thường phức tạp và yêu cầu sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định chẩn đoán cuối cùng dựa trên kết quả của các xét nghiệm.

5. Ung thư phổi giai đoạn đầu có chữa được không?

Việc phát hiện ung thư phổi giai đoạn 1 và điều trị kịp thời có thể giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Theo một số thống kê trên toàn cầu, tỷ lệ chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn đầu có thể lên đến trên 80%. Tuy nhiên, khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn còn phụ thuộc vào yếu tố khởi phát bệnh.  

Do triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không rõ rệt và khó nhận biết, chỉ có khoảng 10-20% bệnh nhân phát hiện bệnh sớm qua các cuộc kiểm tra sức khỏe và sàng lọc ung thư, trong khi phần còn lại thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn di căn.

Trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 85%, nếu được phát hiện sớm và chỉ ở một bên phổi hoặc chưa lan sang các bộ phận khác, phẫu thuật cắt bỏ thường là sự lựa chọn tốt nhất. Một số trường hợp khác có thể được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật để hỗ trợ loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật.

Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15% tổng số ca bệnh, khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể và phẫu thuật thường không còn hiệu quả. Trong trường hợp này, hóa trị và xạ trị được sử dụng để kiểm soát kích thước của khối u và giảm đau khi khối u di căn vào xương hoặc gây khó thở.

Mặc dù các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật giúp tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng chúng cũng có thể gây tổn thương cho các tế bào lành trong cơ thể, dẫn đến suy giảm miễn dịch và tăng tốc độ phát triển của khối u. Điều này có thể gây ra những tác dụng phụ như mệt mỏi, rụng tóc và chán ăn.

Với những thông tin trên, người bệnh có thể nhận thấy rằng ung thư phổi giai đoạn đầu thường khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, có thể điều trị hoàn toàn khỏi bệnh. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư và có cơ hội được điều trị sớm, việc thăm khám định kỳ và tầm soát ung thư là rất quan trọng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe