Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Chụp X quang xương là sử dụng một lượng rất nhỏ năng lượng bức xạ ion hóa để tạo ra hình ảnh của bất kỳ vị trí của xương nào trong cơ thể. Đây là công cụ thường được sử dụng để chẩn đoán gãy xương hoặc trật khớp. Theo đó, chụp X quang xương là cách nhanh nhất và dễ nhất để bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý này khi người bệnh nhập viện vì các triệu chứng tổn thương trên xương hay bất thường hệ vận động.
1. Chụp X quang xương là gì?
Tia X là một dạng bức xạ như ánh sáng hoặc sóng vô tuyến. Tia X đi qua hầu hết các vật thể, bao gồm cả cơ thể sống. Các bộ phận khác nhau sẽ hấp thụ các tia X ở các mức độ khác nhau. Trong đó, do xương có mật độ dày đặc sẽ hấp thụ phần lớn bức xạ hơn trong khi mô mềm, chẳng hạn như cơ, mỡ và các cơ quan, cho phép nhiều tia X đi qua chúng. Kết quả là xương xuất hiện màu trắng trên tia X, mô mềm xuất hiện trong sắc thái của màu xám và không khí xuất hiện màu đen.
Như vậy, nhờ vào đặc tính có độ cản quang cao, chụp X quang xương từ lâu đã là một xét nghiệm y tế không xâm lấn giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị các tình trạng về hệ xương. Hình ảnh tạo ra với tia X nhờ vào một lượng nhỏ bức xạ ion hóa sẽ giúp bác sĩ quan sát được hình dạng và cấu trúc của các xương trong cơ thể một cách nhanh chóng và tiện lợi. Chính vì thế, chụp X quang xương là công cụ hình ảnh học lâu đời nhất và được sử dụng thường xuyên nhất khi người bệnh nhập viện sau một lần té ngã hay có những than phiền về đau nhức trong xương, khớp.
X-quang xương có thể cung cấp hình ảnh của bất kỳ vị trí của xương nào trong cơ thể, bao gồm bàn tay, cổ tay, cánh tay, khuỷu tay, vai, cột sống, xương chậu, hông, đùi, đầu gối, cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân và cả hộp sọ. Bằng cách quan sát các đặc điểm về hình dạng, mật độ và cấu trúc, độ cản quang của xương và các bộ phận có liên quan, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra cách thức điều trị phù hợp cho người bệnh, có thể bao gồm cả phẫu thuật.
2. Các dấu hiệu tổn thương xương trên phim X quang thường gặp là gì?
X-quang xương được sử dụng để phát hiện các tổn thương, bệnh lý hay các bất thường trên xương trong bệnh cảnh cấp tính hay mạn tính như sau:
- Chẩn đoán gãy xương: Bờ xương bị gãy sẽ mất đi tính liên tục, hai đầu xương bị di lệch, thân xương dài bị xoắn vặn. Vùng mô xung quanh có thể bị phù nề do chấn thương.
- Chẩn đoán trật khớp: Vị trí của đầu xương trong ổ khớp bị thay đổi khỏi vị trí bình thường.
- Hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán ung thư xương: Cấu trúc và hình dạng bình thường của xương bị thay đổi do xuất hiện khối u trên xương. Khối tân sinh có thể gây gặm nhấm, làm giảm độ cản quang bình thường của xương. Đồng thời, khối u có kích thước lớn sẽ làm biến dạng xương và chèn ép các bộ phận xung quanh.
- Xác chẩn loãng xương: Loãng xương xảy ra khi mật độ xương suy giảm, làm giảm độ cản quang của xương. Cấu trúc dạng đặc trong xương trở nên xốp hơn, khoang trong xương rộng hơn. Nếu loãng xương trên cột sống sẽ biểu hiện bằng hình ảnh xẹp đốt sống, người bệnh bị gù vẹo cột sống. Nếu loãng xương nặng sẽ dẫn đến gãy xương tự phát mà không do chấn thương.
- Tìm kiếm tình trạng nhiễm trùng hay viêm xương: Cấu trúc xương bị phát hủy tại một vị trí xác định bởi một ổ tổn thương tại chỗ, giới hạn trên bề mặt vỏ xương hay xâm lấn qua vỏ xương vào trong khoang tủy. Ổ tổn thương xương do nhiễm trùng luôn đi kèm với các mô xung quanh như áp-xe phần mềm.
- X-quang xương còn giúp để chứng minh sự liên kết thích hợp và ổn định các mảnh xương sau khi điều trị gãy xương; hướng dẫn các phẫu thuật chỉnh hình, sửa chữa, kết hợp xương hay thay khớp.
3. Quá trình chụp X quang xương diễn ra như thế nào?
Hầu hết các trường hợp có chỉ định thực hiện chụp X quang xương không cần sự chuẩn bị đặc biệt. Theo đó, việc chụp X quang xương cũng sẽ tương tự như việc chụp x quang trên các bộ phận cơ thể khác.
- Bạn sẽ được yêu cầu thay quần áo của bạn và mặc áo choàng phù hợp, giúp dễ bộc lộ vùng xương cần chụp.
- Bạn cần nhớ tháo đồ trang sức, dụng cụ nha khoa có thể tháo rời, kính mắt, điện thoại di động, chìa khóa hay bất kỳ vật kim loại nào trên cơ thể.
- Phụ nữ nên luôn luôn thông báo trước cho bác sĩ và kỹ thuật viên chụp x-quang nếu đang mang thai hay có khả năng mang thai. Việc chụp x quang là không được thực hiện trong thai kỳ để tránh cho thai nhi tiếp xúc với bức xạ. Tuy nhiên, nếu việc chụp x quang xương là cần thiết, các biện pháp phòng ngừa sẽ được thực hiện để giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ cho thai nhi.
- Khi vùng xương cần chụp đã được định vị trên bàn chụp, bạn phải giữ yên toàn bộ cơ thể để giảm khả năng hình ảnh bị mờ. Kỹ thuật viên sẽ đi sau một bức tường hoặc vào phòng tiếp theo để kích hoạt máy chụp x quang.
- Bạn có thể được hướng dẫn thay đổi tư thế để giúp việc khảo sát hình ảnh về xương tiến hành từ trên nhiều góc nhìn khác nhau.
- Khi kiểm tra hình ảnh cần thiết đã thu được, việc chụp x quang xương kết thúc và bạn có thể ra về. Thông thường, việc chụp x quang xương hoàn tất trong vòng 5 đến 10 phút.
- Một bác sĩ X quang chuyên khoa về xương sẽ phân tích các hình ảnh thu được và gửi kết quả về cho bác sĩ chỉ định.
- Tất cả các phim chụp x quang xương cần lưu trữ lại vì sẽ cần thiết cho việc theo dõi và đánh giá điều trị.
4. Những lợi ích và nguy cơ khi chụp x quang xương là gì?
4.1. Lợi ích
- Chụp X quang xương là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để bác sĩ xem xét và đánh giá chấn thương xương, bao gồm gãy xương và bất thường khớp, chẳng hạn như viêm khớp.
- Thiết bị chụp X quang xương có thể tích hợp trong máy chụp x quang cho các bộ phận khác, giá thành thấp và sẵn có ở nhiều nơi, thuận tiện cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
- Vì hình ảnh X quang xương có được rất nhanh chóng và dễ dàng, phương tiện đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán và điều trị khẩn cấp, lên kế hoạch phẫu thuật nếu cần.
- Chụp x quang xương không gây ra đau đớn, khó chịu hay có tác dụng phụ đáng kể gì.
4.2. Nguy cơ
Luôn có một rủi ro tiến triển đến ung thư tiềm ẩn do tiếp xúc với bức xạ khi chụp x quang xương. Tuy nhiên, lợi ích của chụp X quang xương trong chẩn đoán và điều trị chính xác cho người bệnh là vượt xa nguy cơ có thể mắc phải. Đồng thời, nguy cơ phơi nhiễm bức xạ khi chụp x quang xương là không nhiều hơn so với khi chụp x quang các vị trí khác trên cơ thể.
Nguy cơ này chỉ cần cảnh giác ở đối tượng là phụ nữ có thai và có thể có thai. Lúc này, cần có sẵn các trang bị phòng hộ thích hợp cho người bệnh, giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm cho thai nhi.
Tóm lại, chụp X quang xương là một công cụ hình ảnh học rất phổ biến. Các dấu hiệu tổn thương xương trên phim x quang sẽ cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết trong việc chẩn đoán và điều trị phù hợp, giúp cho người bệnh mau chóng khỏi bệnh và tiếp tục được những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.