Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thông qua việc khám dấu hiệu thần kinh khu trú giúp xác định biểu hiện mất chức năng ở các vùng của hệ thần kinh trung ương. Từ đó chẩn đoán chính xác để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
1. Các dấu hiệu thần kinh khu trú
Thần kinh khu trú là vùng mà tại đó các dây thần kinh được tập hợp lại tạo thành hệ thần kinh trung ương bao gồm các vùng như: Thuỳ trán, thuỳ đỉnh, thuỳ thái dương, thuỳ chẩm, tiểu não, thân não (cuống não), tuỷ sống.
Dấu hiệu thần kinh khu trú là các dấu hiệu về nhận thức và hành vi gây ra bởi những tổn thương khu trú tại một vùng của hệ thần kinh trung ương.
Các dấu hiệu thần kinh khu trú được phân nhóm như sau:
1.1 Các dấu hiệu thuỳ trán
Dấu hiệu thuỳ trán thường liên quan đến hệ vận động, bao gồm nhiều thể khiếm khuyết đặc trưng, tùy thuộc vào vị trí của thuỳ trán bị tổn thương:
- Đi không vững.
- Cứng cơ, đề kháng với động tác thụ động ở các chi (tăng trương lực cơ).
- Liệt một chi hoặc liệt nửa người.
- Liệt vận động mắt.
- Bệnh nhân mất khả năng diễn tả bằng ngôn ngữ.
- Động kinh có thể cục bộ hoặc lan đến những vùng kế cận.
- Động kinh cơn lớn.
- Các thay đổi về nhân cách như trạng thái giải ức chế, cười đùa không đúng lúc, thịnh nộ không lý do; mất sáng kiến và quan tâm, vô cảm, không nói và bất động, trì trệ.
- Dấu hiệu "thoát ly thuỳ trán", ví dụ xuất hiện lại các phản xạ nguyên thuỷ như phản xạ mũi, phản xạ nắm, và phản xạ bàn tay - cằm.
- Mất khứu giác một bên (anosmia).
1.2 Các dấu hiệu thuỳ đính
Các dấu hiệu của thuỳ đỉnh thường liên quan đến các cảm giác cơ thể, bao gồm:
- Rối loạn cảm giác xúc giác.
- Rối loạn sự cảm nhận của cơ thể, cảm giác về tư thế và cảm giác vận động thụ động.
- Các hội chứng xao lãng về giác quan và thị giác, mất khả năng chú ý về giác quan và không gian. Người bệnh có thể đi đến tình trạng chối bỏ sự tồn tại một chi của mình.
- Mất khả năng đọc, viết và tính toán.
- Mất khả năng tìm ra một vị trí địa lý xác định.
- Mất khả năng xác định đồ vật dựa trên xúc giác.
1.3 Các dấu hiệu thuỳ thái dương
Các dấu hiệu thuỳ thái dương liên quan chủ yếu đến trí nhớ và thính giác, bao gồm:
- Điếc không do tổn thương các cấu trúc ở tai, còn gọi là điếc vỏ não.
- Ù tai, ảo thính.
- Mất khả năng hiểu được âm nhạc và ngôn ngữ, được gọi là chứng mất ngôn ngữ giác quan.
- Mất trí nhớ (ảnh hưởng đến trí nhớ gần, trí nhớ xa hoặc cả hai).
- Các rối loạn trí nhớ
- Các ảo giác phức tạp và đa dạng.
- Các cơn động kinh cục bộ và phức tạp (động kinh thuỳ thái dương).
1.4 Các dấu hiệu thuỳ chẩm
Các dấu hiệu của thuỳ chẩm thông thường liên quan đến thị giác bao gồm:
- Hoàn toàn bị mất thị giác (mù do vỏ não).
- Mất thị giác nhưng bệnh nhân lại phủ nhận là mình bị mất (hội chứng Anton).
- Mất thị lực một bên thị trường ở cả hai mắt (bán manh cùng bên).
- Không nhận biết được bằng thị giác, ví dụ, mất khả năng nhận biết các đồ vật quen thuộc, màu sắc hoặc khuôn mặt.
- Ảo thị như nhìn thấy mọi vật nhỏ hơn hoặc lớn hơn.
- Các ảo giác thị giác, biểu hiện bằng những hình dạng cơ bản, như các hình dích dắc hoặc chớp sáng, ở một nửa của thị trường mỗi bên mắt. Ngược lại, các ảo giác thị giác của thuỳ thái dương có những dạng phức tạp và chiếm toàn bộ thị trường.
1.5 Các dấu hiệu của tiểu não
Các dấu hiệu của tiểu não thường liên quan đến sự cân bằng và phối hợp động tác, có thể bao gồm:
- Vận động vụng về và không chắc chắn ở thân mình và các chi (thất điều).
- Mất khả năng phối hợp các động tác tế nhị (run chủ ý), ví dụ động tác chỉ chệch ngón tay trong thử nghiệm chỉ mũi-ngón tay.
- Các động tác thay đổi nhanh không thể thực hiện được, ví dụ không thể úp và lật ngửa bàn tay thật nhanh.
- Xuất hiện dấu hiệu giật nhãn cầu không chủ động (Nystagmus).
1.6 Các dấu hiệu của thân não (Cuống Não)
Dấu hiệu của thân não có thể do các rối loạn đặc thù về giác quan và vận động, tuỳ theo dây thần kinh và các nhân thần kinh sọ não bị thương tổn.
- Yếu, liệt hay rối loạn cảm giác tứ chi, dấu bắt chéo (có dấu hiệu tổn thương ở mặt và ở thân phía đối bên).
- Bị thất điều tư thế (mất thăng bằng tư thế khi bệnh nhân đứng thẳng, chuyển động đầu và thân).
- Ngoài ra người bệnh còn bị nói khó, nuốt khó, giật nhãn cầu, mắt nhìn liên hợp.
1.7 Dấu hiệu của tủy sống
Các dấu hiệu của tuỷ sống thường biểu hiện bởi liệt cùng bên và mất cảm giác đau ở bên đối diện.
2. Khám dấu hiệu thần kinh khu trú
Việc khám dấu hiệu thần kinh khu trú chủ yếu dựa vào các dấu hiệu để chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ có thể khám:
Khám vận động
- Nếu bệnh nhân tỉnh: Làm nghiệm pháp Baré tay, nghiệm pháp Raimist và nghiệm pháp Mingazzini. Nếu tay, chân bên nào liệt sẽ không thực hiện được hoặc thực hiện rất yếu và khó khăn.
- Nếu bệnh nhân hôn mê: Quan sát khi người bệnh dãy dụa nửa người bên nào bại, yếu thì tay chân bên đó sẽ cử động kém hơn hoặc không cử động. Trong khi đó nửa người bên đối diện, bên không liệt thì tay chân co và giãy khoẻ.
- Khám cảm giác đau: Dùng kim hoặc bấu vào ngực hoặc mặt trong cánh tay bệnh nhân để xem phản ứng với kích thích đau ở bên nào rõ hơn. Thường giảm cảm giác đau cùng bên với nửa người bị liệt.
Khám phản xạ
- Khám phản xạ gân xương
- Khám phản xạ gan bàn chân (dấu hiệu Babinski)
Khám dây thần kinh sọ não
Khám phản xạ đồng tử với ánh sáng
Các dấu hiệu thần kinh khu trú được phân loại thành từng nhóm riêng, cho thấy các biểu hiện về nhận thức và hành vi. Dựa vào đó bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh thần kinh khu trú và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.