Mất ngôn ngữ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngôn ngữ được xem là một trong các chức năng cao cấp của hệ thần kinh trung ương. Theo đó, nếu người bệnh có các triệu chứng mất ngôn ngữ thì được xem là có các khiếm khuyết thần kinh do tổn thương não bộ.

1. Hội chứng mất ngôn ngữ là gì?

Hội chứng mất ngôn ngữ được định nghĩa là những rối loạn mắc phải tại bất cứ giai đoạn nào, gây ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của người bệnh. Nguyên nhân cốt lõi của tổn thương trên các chức năng của ngôn ngữ là do các tổn thương trên hệ thần kinh trung ương, làm mất tính toàn vẹn về chức năng của bán cầu não nói chung, bao gồm cả ngôn ngữ. Chính vì vậy, việc phân loại rối loạn ngôn ngữ rất đa dạng, tùy thuộc vào vùng tổn thương và có các cách trị liệu khác nhau.

Tuy nhiên, hội chứng mất ngôn ngữ cần phải được phân biệt với rối loạn khả năng nói. Đây là những bất thường trong quá trình vận động để thể hiện và phát triển ngôn ngữ, không phải do tổn thương thần kinh trung ương.


Hội chứng mất ngôn ngữ do các tổn thương trên hệ thần kinh trung ương
Hội chứng mất ngôn ngữ do các tổn thương trên hệ thần kinh trung ương

2. Các nguyên nhân của hội chứng mất ngôn ngữ là gì?

Các bệnh lý gây tổn thương thần kinh tiến triển như u thần kinh đệm, thoái hóa hay xơ cứng rải rác sẽ khiến diễn tiến của khả năng ngôn ngữ ngày càng xấu dần đi.

Ngược lại, những sang thương não cấp tính như nhồi máu não, xuất huyết não, viêm não, chấn thương sọ não hay u não lành tính đã được phẫu thuật sẽ có khả năng phục hồi chức năng ngôn ngữ nếu bệnh tiến triển thuận lợi.

Tuy nhiên, trong các trường hợp có tổn thương não trên cả hai bên bán cầu, đây là hàng rào rất lớn làm cản trở sự hồi phục ngôn ngữ.

3. Triệu chứng mất ngôn ngữ được biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng mất ngôn ngữ được nhận định và đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhiều kinh nghiệm. Qua đó, các triệu chứng này sẽ giúp xác định vị trí và nguyên nhân gây ra tổn thương và thường đi kèm với các triệu chứng của đột quỵ, nhồi máu não.

Thông thường, các triệu chứng mất ngôn ngữ sẽ được tiếp cận theo các phân loại của rối loạn ngôn ngữ trên ba khả năng là thông hiểu, diễn đạt lưu loát và lặp lại. Có các hội chứng rối loạn ngôn ngữ như sau:

  • Rối loạn ngôn ngữ Broca: Dấu hiệu thông hiểu còn tốt nhưng lại giảm lưu loát và giảm khả năng lặp lại. Thường đi kèm với yếu liệt và mất cảm giác nửa người bên phải.

Người bị rối loạn ngôn ngữ Broca thường yếu và liệt nửa người bên phải
Người bị rối loạn ngôn ngữ Broca thường yếu và liệt nửa người bên phải

  • Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ: Vẫn có khả năng thông hiểu tốt và lặp lại tốt nhưng không diễn tả ngôn ngữ lưu loát được. Biểu hiện điển hình là bệnh nhân thay đổi cách phát âm và giai điệu lời nói trở nên lộn xộn.
  • Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ: Lời nói vẫn giữ được tính lưu loát tốt, lặp lại tốt trong khi thông hiểu lại giảm. Cụ thể là người bệnh vẫn có thể nói ra những câu dài rõ ràng, đúng ngữ pháp, trôi chảy nhưng lại không tương xứng với câu hỏi.
  • Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ hỗn hợp: Người bệnh vừa mắc phải giảm lưu loát và giảm thông hiểu trong khi khả năng lặp lại vẫn còn tốt. Cụ thể là bệnh nhân chỉ nói được những lời tự phát, các câu ngắn là có khuynh hướng lặp đi lại lại như cũ khi được đặt câu hỏi.
  • Rối loạn ngôn ngữ Wernicke: Người bệnh vẫn tự thể hiện bằng lời nói lưu loát với các câu nói dài, trơn tru, đúng ngữ pháp; cách phát âm và nhịp điệu lời nói vẫn bình thường. Tuy nhiên, khả năng nghe hiểu và làm đúng yêu cầu hay trả lời đúng câu hỏi lại kém.
  • Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền: Chỉ gây khiếm khuyết khả năng lặp lại trong khi khả năng thông hiểu và lưu loát vẫn còn tốt. Theo đó, bệnh nhân vẫn trả lời đúng các câu hỏi bằng những câu nói dài, lưu loát. Tuy nhiên, khi yêu cầu bệnh nhân lặp lại một câu nói hay kể lại câu chuyện, đọc chữ thành tiếng thì lời nói lại trở nên lộn xộn và có hiện tượng thay thế chữ.
  • Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ: Là thể nặng nề nhất trong các phân loại rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh bị mất tất cả các chức năng nói một các trầm trọng, bao gồm cả chức năng ngôn ngữ vận động và ngôn ngữ cảm giác.

Có nhiều biểu hiện của triệu chứng rối loạn ngôn ngữ
Có nhiều biểu hiện của triệu chứng rối loạn ngôn ngữ

4. Cách điều trị hội chứng mất ngôn ngữ như thế nào?

Trong các phương pháp điều trị ngôn ngữ, không có phương pháp nào được xem là thích hợp nhất cho mọi bệnh nhân. Chính vì vậy, việc điều trị chú trọng vào mục tiêu cần đạt chứ không đơn thuần là cải thiện chức năng nói của người bệnh. Ví dụ, có thể dạy cho bệnh nhân sử dụng các hình ảnh, ký hiệu nếu bệnh nhân bị mất khả năng thông hiểu nặng.

Bên cạnh đó, tính lặp lại và chuyên cần cũng rất có ý nghĩa trong quá trình hồi phục ngôn ngữ. Điều này cần duy trì trong thời gian bệnh nhân nằm viện để luyện tập hồi phục chức năng và cho đến khi ra viện áp dụng các chương trình trị liệu ngoại trú. Lúc này, vai trò hỗ trợ, tương tác giao tiếp của người chăm sóc, các thành viên trong gia đình cũng có thể giúp tốc độ hồi phục nhanh chóng hơn.

Thời gian trị liệu trong hội chứng mất ngôn ngữ gần như là suốt đời, song song với quá trình hồi phục các chức năng thần kinh khác. Tuy nhiên, thời điểm đánh giá hiệu quả của một phương pháp trị liệu thường là sau ít nhất 3 tháng đến 6 tháng.

Nếu chưa đạt mục tiêu, thất bại điều trị thường là do đặt mục tiêu sai hoặc lựa chọn sai phương pháp thay vì tính hiệu quả của phương pháp này. Nếu đã đạt được các mục tiêu, cần khuyến khích bệnh nhân tiếp tục tự luyện tập với bản thân mình và trau dồi với người xung quanh để hoàn thiện hơn chức năng ngôn ngữ tinh vi về lâu dài.

Tóm lại, hội chứng mất ngôn ngữ là một biểu hiện của các khiếm khuyết do tổn thương hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rất đa dạng, tùy vào từng bệnh cảnh cụ thể. Điều quan trọng là xác định cách tiếp cận phù hợp và xác định đúng mục tiêu trị liệu, người bệnh sẽ có tiên lượng hồi phục khả năng ngôn ngữ khả quan hơn. Để giúp tìm ra nguyên nhân gây mất ngôn ngữ thì người bệnh cần tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng tại cơ sở y tế uy tín, chất lượng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe