Các dấu hiệu gãy khớp háng

Khớp háng là khớp lớn nhất cơ thể và giữ quyết định đến khả năng vận động, di chuyển và hỗ trợ trọng lượng cơ thể. Gãy khớp háng thường gặp ở người cao tuổi, gây nên những chấn thương nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu gãy khớp háng giúp bệnh nhân được chẩn đoán kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị.

1. Nguyên nhân bị gãy xương khớp háng

Khớp háng là khớp tiếp nối giữa phần đầu xương đùi và ổ cối xương chậu. Gãy khớp háng bao gồm những tổn thương xương tại khớp háng, mà thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi hay gãy khối mẫu chuyển. Đây là loại gãy xương thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy khớp háng ở người cao tuổi, đôi khi người bệnh có thể bị chấn thương chỉ sau những tai nạn sinh hoạt thường gặp như té ngã, hay vô tình chạm nhẹ. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng khả năng chấn thương khớp háng ở người bệnh như:

  • Giảm chất lượng xương do tuổi tác, do mãn kinh (ở nữ giới)
  • Do di truyền: trong gia đình có người từng bị gãy xương do loãng xương nặng thì các thành viên khác có nguy cơ loãng xương cao hơn.
  • Dinh dưỡng: Người có thể trạng gầy, nhỏ dễ mắc loãng xương hơn. Chế độ ăn kiêng khem, thiếu canxi, vitamin D cũng làm tăng tình trạng loãng xương và dễ dẫn đến gãy xương.
  • Lối sống: Lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia.
  • Bệnh mãn tính: Một số người bệnh sử dụng thuốc nội tiết, corticoid kéo dài như viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ....dễ dẫn đến loãng xương thứ phát.

Dấu hiệu gãy khớp háng
Dấu hiệu gãy khớp háng

2. Dấu hiệu gãy khớp háng như thế nào?

Triệu chứng ở bệnh nhân gãy xương phụ thuộc vào vị trí gãy và cường độ của chấn thương. Nhóm triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau - sưng - bầm tím vùng gãy do tụ máu - biến dạng chi - hạn chế vận động chi thể.

Tuy nhiên, ở người bệnh gãy khớp háng, các dấu hiệu gãy khớp háng đôi khi xuất hiện rất mơ hồ, thậm chí có một số trường hợp người bệnh không nhớ rõ chấn thương do nghĩ rằng đó chỉ là một va chạm nhẹ.

Thông thường, người bệnh gãy khớp háng có thể gặp một số dấu hiệu sau:

  • Không thể đứng dậy hay tiếp tục di chuyển sau té ngã.
  • Đau vùng háng, một số trường hợp bệnh nhân chỉ cảm thấy đau vùng gối cùng bên.
  • Không thể chịu lực được bên chân đau.
  • Hạn chế cử động vùng háng.
  • Bàn chân bên tổn thương đau, xoay ngoài hơn bên đối diện.
  • Chi tổn thương ngắn hơn so với bên chi còn lại.

Để chẩn đoán chính xác gãy khớp háng, ngoài các triệu chứng thực thể cần phối hợp với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: chụp XQ, CT scan hay Bone scan tại khớp tổn thương. Phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ gãy giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe