Thuốc Indomethacin thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroid, được chỉ định trong điều trị các bệnh lý như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Reiter... Cùng tìm hiểu về liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Indomethacin qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Indomethacin
1.1. Chỉ định sử dụng thuốc Indomethacin
Thuốc Indomethacin chứa hoạt chất Indomethacin – thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroid. Chỉ định thuốc indomethacin trong điều trị các bệnh lý sau đây:
- Bệnh lý về khớp do viêm như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Reiter;
- Tổn thương xương khớp trong các bệnh lý hoặc khi điều trị giai đoạn tăng viêm và đau các cơ do thấp. Tuy nhiên thời gian điều trị ngắn;
- Đau sau khi phẫu thuật;
- Đau đầu nửa đầu kèm nhiều cơn đau hàng ngày ở vùng trán, mắt và thái dương;
- Đợt cấp của bệnh gout;
- Dùng ở trẻ sơ sinh để đóng chứng còn ống động mạch ở trẻ sinh non.
1.2. Dược lực học
Thuốc giảm đau indomethacin là dẫn xuất từ acid indolacetic, tác động chủ yếu dựa vào ức chế enzym prostaglandin synthetase và ngăn cản quá trình tạo prostaglandin, thromboxan cũng như các sản phẩm của enzym cyclooxygenase.
Tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu của indomethacin mất đi trong vòng 24 giờ sau khi dùng thuốc và thời gian đông máu trở về mức ban đầu. Tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin E2, D2 và I2 của thuốc làm giảm tưới máu thận.
1.3. Dược động học
Dược động học của thuốc indomathacin được mô tả như sau:
- Hấp thu: Thuốc được hấp thu tốt tại đường tiêu hóa (khoảng 90% liều thuốc được hấp thu trong 4 giờ với sinh khả dụng là 100%). Nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc đạt được sau 2 giờ uống và chúng phụ thuộc vào liều dùng. Trường hợp có thức ăn, quá trình hấp thu thuốc bị giảm, tuy nhiên sinh khả dụng không bị thay đổi.
- Phân bố: Mức độ gắn kết protein huyết tương của thuốc cao (khoảng 99%). Trong đó, thuốc ngấm vào dịch ổ khớp với tỷ lệ khoảng 20% so với nồng độ trong huyết tương, thuốc qua được hàng rào máu não, nhau thai và có trong sữa mẹ, nước bọt.
- Chuyển hóa: Quá trình chuyển hóa thuốc xảy ra chủ yếu ở gan theo cơ chế khử methyl và khử béo. Thời gian bán thải (t1/2) của indomethacin trong huyết tương thay đổi từ 2 – 11 giờ.
- Thải trừ: Thời gian bán thải của thuốc từ 2,5 – 11,2 giờ. Trong đó khoảng 60% liều thuốc được thải qua nước tiểu dưới dạng không đổi hoặc đã bị chuyển hóa, khoảng 33% liều thuốc còn lại thải qua phân. Thời gian bán thải của indomethacin ở trẻ sinh non dài hơn từ 10 – 20 lần so với người lớn.
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Indomethacin
2.1. Liều dùng thuốc Indomethacin
Liều dùng thuốc giảm đau Indomethacin phụ thuộc vào tình trạng và độ tuổi của người bệnh. Cụ thể như sau:
- Người lớn:
- Điều trị bệnh lý về khớp, cơ: Dùng 25mg/lần x 2 – 3 lần/ngày, uống trong bữa ăn. Trường hợp thuốc dung nạp tốt có thể tăng liều 25 – 50 mg/ngày đến tối đa là 150 – 200mg/ngày. Liều dùng 100mg uống hoặc đặt trực tràng lúc đi ngủ giúp giảm đau ban đêm và giảm cứng khớp vào buổi sáng khi thức dậy;
- Đau nửa đầu mạn tính kịch phát: Dùng 25mg/lần x 3 lần/ngày;
- Điều trị cơn gout cấp: Dùng 50mg/lần x 3 lần/ngày. Tránh dùng phối hợp Indomethacin và aspirin;
- Điều trị thống kinh: Liều dùng có thể tới 75 mg/ngày;
- Điều trị viêm khớp mạn tính thiếu niên: Dùng 1 – 2,5 mg/kg/ngày, chia làm 3 – 4 lần uống. Liều dùng tối đa là 4 mg/kg/ngày hoặc không được quá 150 mg/ngày;
- Dùng sau phẫu thuật chỉnh hình: Liều 100 – 150mg/ngày, chia làm nhiều lần uống đến khi thuyên giảm các triệu chứng.
- Trẻ em:
- Đóng ống động mạch ở trẻ sinh non: Điều trị ngắn với liều tiêm tĩnh mạch 3 lần cách nhau 12 – 24 giờ, mỗi lần truyền từ 20 – 30 phút. Liều dùng indomethacin phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ sơ sinh và liều tiếp theo dựa vào độ tuổi của trẻ khi tiêm liều đầu. Cụ thể, trẻ sơ sinh dưới 48 giờ tuổi tiêm liều indomethacin đầu tiêu trên 200 microgam/kg thể trọng; liều 2 tiêm 100 microgam/kg thể trọng. Đối với trẻ sơ từ 2 – 7 tuổi tiêm 3 liều, liều đầu tiên 200 microgam/kg thể trọng, liều 2 tiêm 250 microgam/kg thể trọng;
- Viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên: Đối với trẻ em từ 2 tuổi trở lên, dùng liều indomethacin khởi đầu là 1 – 2 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần uống. Liều dùng được tăng dần đến khi đáp ứng điều trị (tối đa 3 mg/kg/ngày). Khi các triệu chứng bệnh giảm dần, liều lượng thuốc nên được giảm đến mức thấp nhất có hiệu quả hoặc ngừng thuốc. Trong đó, mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc uống hoặc đặt trực tràng không được thiết lập ở trẻ em dưới 14 tuổi.
- Đối tượng khác:
- Người cao tuổi: Dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Người bệnh cần được theo dõi thường xuyên các biến chứng về xuất huyết đường tiêu hóa trong thời gian điều trị;
- Người suy thận: Không khuyến cáo sử dụng thuốc indomethacin ở người bệnh suy thận tiến triển, cần theo dõi chức năng thận trong trường hợp bắt buộc dùng thuốc.
2.2. Cách dùng thuốc Indomethacin
Thuốc Indomethacin được bào chế dạng thuốc uống, đặt trực tràng hoặc tiêm tĩnh mạch. Đối với dạng thuốc uống nên uống ngay sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn, phối hợp với các thuốc kháng acid để giảm nguy cơ gây loét dạ dày. Không bẻ, nghiền hoặc nhai viên thuốc. Đối với dạng thuốc đặt trực tràng, khuyến cáo nên để viên thuốc đặt trong trực tràng ít nhất 1 giờ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Indomethacin
Một số tác dụng không mong muốn (ADR) khi dùng thuốc Indomethacin như sau:
- Tác dụng phụ thường gặp:
- Mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hạ kali, hạ đường máu ở trẻ sơ sinh thiếu tháng;
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau thượng vị, chảy máu dạ dày ở trẻ sơ sinh thiếu tháng;
- Trầm cảm, co giật, run rẩy và chóng mặt.
- Tác dụng phụ ít gặp:
- Ngất, kém ăn;
- Rối loạn thính giác, điếc, giảm sức nghe;
- Ban xuất huyết, giảm bạch cầu, đông máu nội mạc rải rác, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết, thiếu máu thứ phát do chảy máu dai dẳng bên trong, thiếu máu không tái tạo;
- Giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh, xuất huyết trong mạch;
- Suy tim, loạn nhịp tim;
- Loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa, thủng dạ dày, chảy máu ở các túi thừa hoặc ở khối u nếu có, hẹp ruột, viêm ruột, viêm loét miệng;
- Suy thận, giảm chức năng thận;
- Chấm xuất huyết, tụ máu dưới da, ngứa, ban đỏ, đổ mồ hôi;
- Ứ nước, phù;
- Loạn cảm, bệnh thần kinh ngoại biên;
- Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Viêm mũi, mày đay, phù, choáng phản vệ, sốc, nhìn mờ, nhiễm độc ở võng mạc, điếc, rối loạn thính giác, thay đổi ở giác mạc;
- Thiếu máu tan máu, thiếu máu thiếu sản, giảm bạch cầu hạt;
- Tắc thủng ruột, loét dạ dày ruột;
- Động kinh, Parkinson, đau quanh hốc mắt, loạn thần và co giật;
- Tăng men gan, vàng da, viêm gan;
- Tăng kali huyết, đường niệu và tăng đường huyết;
- Viêm thận kẽ, protein niệu, hội chứng thận hư;
- Thay đổi tốc độ phá hủy sụn.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc indomethacin
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Indomethacin trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với Indomethacin và các hợp chất tương tự (bao gồm cả Aspirin);
- Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng;
- Người bệnh xơ gan, suy gan nặng;
- Người bệnh suy thận (độ lọc cầu thận nhỏ hơn 30 ml/phút);
- Phụ nữ đang có thai và phụ nữ đang cho con bú;
- Người bệnh suy tim;
- Trẻ em từ 2 – 4 tuổi. Trừ trường hợp đặc biệt và cần theo dõi trong thời gian điều trị;
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng đang bị chảy máu dạ dày, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, nhiễm trùng chưa được điều trị và suy thận có nghi ngờ viêm ruột hoại tử;
- Chống chỉ định dùng thuốc dạng đặt trực tràng ở người bệnh bị chảy máu hậu môn hoặc viêm hậu môn;
- Người bệnh bị polyp mũi.
4.2. Lưu ý khi sử dụng thuốc
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Indomethacin trong điều trị như sau:
- Hạn chế dùng thuốc điều trị ở người cao tuổi vì nguy cơ xuất huyết, chảy máu đường tiêu hóa và các rối loạn thần kinh trung ương như lú lẫn, ảo giác, nhức đầu...;
- Thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh ở người bệnh động kinh, rối loạn tâm thần, bệnh Parkinson;
- Thuốc có thể làm che lấp các triệu chứng nhiễm khuẩn;
- Indomethacin tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, kéo dài thời gian chảy máu. Vì vậy người bệnh có rối loạn đông máu khi dùng thuốc cần được theo dõi chặt chẽ, thực hiện xét nghiệm đánh giá công thức máu thường xuyên nếu điều trị thuốc kéo dài;
- Indomethacin có thể làm tăng huyết áp hoặc làm nặng hơn các triệu chứng bệnh tăng huyết áp, các nguy cơ biến cố tim mạch;
- Thuốc làm giảm lưu lượng máu qua thận.
4.3. Tương tác thuốc
Indomethacin có khả năng liên kết mạnh với protein huyết tương nên gây tương tác với nhiều thuốc. Đặc biệt lưu ý không dùng phối hợp indomethacin với các thuốc dưới đây:
- Thuốc chống đông heparin và chống đông đường uống: Gây xuất huyết nặng;
- Aspirin: Tăng nguy cơ tổn thương dạ dày – ruột;
- Diflunisal: Dùng đồng thời với indomethacin làm tăng đồng độ của thuốc indomethacin trong huyết tương, giảm độ thanh thải của indomethacin và dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa, gây tử vong;
- Lithiumg: Indomethacin làm tăng nồng độ lithium trong huyết thanh đến mức gây độc;
- Digoxin: Dùng kết hợp với Indomethacin làm tăng nồng độ thuốc digoxin trong huyết thanh và kéo dài thời gian bán thải của thuốc;
- Ticlopidin: Tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng Indomethacin;
- Cyclosporin: Tăng nguy cơ ngộ độc cyclosporin khi dùng cùng indomethacin;
- Thuốc lợi tiểu giữ kali khi dùng cùng Indomethacin có thể làm tăng kali huyết;
- Uống rượu làm kéo dài thời gian chảy máu khi sử dụng indomethacin;
- Không uống cùng lúc Indomethacin và thuốc điều trị tăng huyết áp (như thuốc chẹn kênh beta, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc lợi tiểu);
- Nồng độ đỉnh và đáy của các Aminoglycosid ở trẻ sơ sinh thiếu tháng tăng lên khi dùng phối hợp với Indomethacin;
- Phối hợp thuốc Indomethacin và Phenylbutazon làm nặng thêm tình trạng suy thận;
- Dùng đồng thời Indomethacin và Probenecid làm tăng gấp đôi nồng độ trong huyết tương của Indomethacin.
5. Tác động của thuốc indomethacin trên các đối tượng đặc biệt
- Phụ nữ đang mang thai: Thuốc indomethacin làm đóng sớm ống động mạch của thai nhi nên chống chỉ định sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai.
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc bài tiết được qua sữa mẹ và có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nên chống chỉ định sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú.
- Người lái xe và vận hành máy móc: Thuốc có thể gây mất tập trung và sự chú ý, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng ở người lái xe hoặc vận hành máy móc.
Tóm lại, thuốc Indomethacin thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Reiter... Để sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn, người bệnh cần được hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.