Điều trị hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một vấn đề quan trọng trong điều trị các rối loạn tiêu hóa. Khi các biện pháp điều trị không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc giảm căng thẳng không đem lại hiệu quả, việc sử dụng thuốc sẽ được cân nhắc để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi t bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Nguyên tắc dùng thuốc trong điều trị hội chứng ruột kích thích
Nguyên tắc điều trị bằng thuốc trong hội chứng ruột kích thích (HCRKT) hiện nay thường được thực hiện theo từng bước. Ban đầu, người bệnh sẽ sử dụng các thuốc điều trị đầu tay theo hướng dẫn của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (AGA). Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc này, có thể chuyển sang các loại thuốc khác dành cho hội chứng ruột kích thích không đáp ứng ban đầu.
Trong quá trình điều trị, nếu triệu chứng không cải thiện sau khi sử dụng thuốc đầu tay, cần thực hiện các xét nghiệm để tầm soát các nguyên nhân thực thể có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Sau khi loại trừ các nguyên nhân này, việc điều chỉnh thuốc sẽ được thực hiện để tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

2. Các chất điều hòa thần kinh trung ương trong điều trị hội chứng ruột kích thích
Các chất điều hòa thần kinh trung ương, như thuốc chống trầm cảm, đã được chứng minh có tác dụng giảm các triệu chứng ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Gần đây, những thuốc này được gọi là chất điều hòa trục não-ruột, vì không chỉ tác động lên não mà còn cả vùng ruột, phù hợp với khái niệm mới về các rối loạn tiêu hóa chức năng liên quan đến trục não-ruột. Thuật ngữ này giúp cải thiện sự hiểu biết về cơ chế hoạt động và giá trị dược lý của thuốc, đồng thời giảm bớt định kiến về việc sử dụng thuốc và có thể cải thiện tuân thủ điều trị.
Lý do sử dụng các chất điều hòa thần kinh trung ương trong điều trị hội chứng ruột kích thích là do các tác nhân này có khả năng thay đổi nhận thức về đau thông qua việc điều hòa từ trung ương, ảnh hưởng đến cảm giác nội tạng, thay đổi vận chuyển ruột, giảm hoạt động tín hiệu của các sợi thần kinh cảm giác sơ cấp và điều trị các triệu chứng tâm lý đi kèm. Các chất điều hòa thần kinh trung ương đã được nghiên cứu trong việc điều trị cho hội chứng ruột kích thích bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) và ít phổ biến hơn là chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs).

Kết quả từ phân tích hệ thống năm 2019, bao gồm 12 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) về TCAs (n = 787) và 7 RCT về SSRIs (n = 356), cho thấy TCAs có nguy cơ tương đối so với giả dược trong việc giảm triệu chứng là 0,65 (KTC 95% 0,55–0,77), với số bệnh nhân cần điều trị (NNT) là 4,5 (KTC 95% 3,5–7,9). Trong một phân tích mạng về các biện pháp điều trị như chất xơ, chất chống co thắt và các chất điều hòa thần kinh não-ruột, TCAs được xếp hạng cao nhất về hiệu quả trong việc cải thiện cơn đau bụng. Đối với SSRIs, nguy cơ tương đối so với giả dược là 0,68 (KTC 95% 0,51–0,91), mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiên cứu. Số bệnh nhân cần điều trị (NNT) cho SSRIs là 5 (KTC 95% 3–16,5).
Các thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp (TCA) và chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) được khuyến cáo bởi các tổ chức chuyên ngành như Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG), Hiệp hội Tiêu hóa Châu Âu (AGA) và Hiệp hội Tiêu hóa Châu Âu (UEG). Các tác dụng phụ phổ biến nhất của các thuốc TCA bao gồm khô miệng, táo bón và buồn ngủ. Trong đó, desipramine và nortriptyline ít gây buồn ngủ hơn so với các thuốc khác trong nhóm này, như amitriptyline, do tác dụng kháng histamin của thuốc này thấp hơn. Amitriptyline có tác dụng chống muscarinic mạnh hơn so với các thuốc TCA khác.
Các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) thường được dung nạp tốt hơn so với TCA và được sử dụng phổ biến trong điều trị cho hội chứng ruột kích thích (HCRKT), mặc dù phần lớn các nghiên cứu đều có quy mô nhỏ. Dù rằng, các SSRI có lợi ích chủ yếu trong việc điều trị các triệu chứng toàn thân. Tuy nhiên, tình trạng tiêu chảy là một tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng chất này, do đó SSRI có thể là lựa chọn phù hợp hơn với những bệnh nhân bị táo bón. Các chất điều hòa thần kinh trung ương khác như SNRIs (duloxetine và venlafaxine) và thuốc chống loạn thần không điển hình quetiapine cũng đã được nghiên cứu trong một số thử nghiệm nhỏ đối với các rối loạn tiêu hóa chức năng. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến cáo chung về việc sử dụng các chất này trong điều trị hội chứng ruột kích thích.
3. Các nhóm thuốc điều hòa thần kinh trong hội chứng ruột kích thích
Nhóm thuốc | Chỉ định | Tác dụng phụ | Liều |
TCA trước ngủ | Hội chứng ruột kích thích với đau bụng kháng trị (HCRKT thể tiêu chảy) | Chóng mặt, khô miệng, tăng cân, táo bón, bí tiểu | Amitriptylline (10-50mg 1 lần/ngày) Nortriptylline (25-50mg 1-2 lần/ngày) Imipramine (10-75mg 1-2 lần/ngày) |
SSRI sáng | Hội chứng ruột kích thích với trướng bụng (HCRKT thể táo bón) | Tiêu chảy, khó tiêu, bứt rứt, khó ngủ | Citalopram (20mg 1 lần/ngày) Escitalopram (10-20mg 1 lần/ngày) Sertraline (50-200mg 1 lần/ngày) Paroxetine (20-60mg 1 lần/ngày) |
CTC tetracyclic trước ngủ | Hội chứng ruột kích thích với đau bụng kháng trị | Buồn nôn, bứt rứt, khó ngủ | Mirtazapine (7.5-30mg 1 lần/ngày) |
Điều trị hội chứng ruột kích thích (HCRKT) hiện nay là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống và sử dụng các loại thuốc phù hợp. Các chất điều hòa thần kinh trung ương, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc giảm các triệu chứng của HCRKT, nhờ vào tác động điều hòa trên trục não-ruột.
Việc nghiên cứu và áp dụng các liệu pháp điều trị mới trong hội chứng ruột kích thích vẫn đang tiếp tục được thử nghiệm và cần thêm thời gian theo dõi để đưa ra những chỉ định chính xác hơn, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Drossman DA. Functional Gastrointestinal Disorders: History, Pathophysiology, Clinical Features and Rome IV. Gastroenterology. Feb 19 2016;doi:10.1053/j.gastro.2016.02.032
- Oka P, Parr H, Barberio B, Black CJ, Savarino EV, Ford AC. Global prevalence of irritable bowel syndrome according to Rome III or IV criteria: a systematic review and meta-analysis. The lancet Gastroenterology & hepatology. Oct 2020;5(10):908-917. doi:10.1016/s2468-1253(20)30217-x
- Quach DT, Vu KT, Vu KV. Prevalence, clinical characteristics, and management of irritable bowel syndrome in Vietnam: A scoping review. JGH open : an open access journal of gastroenterology and hepatology. Nov 2021;5(11):1227-1235. doi:10.1002/jgh3.12616