Cầu lông là bộ môn thể thao khá phổ biến được nhiều người tham gia vì tính chất đối kháng hấp dẫn cũng như rèn luyện thể chất hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn thời gian mỗi trận đấu cầu lông đều ép tuyển thủ di chuyển liên tục trong phạm vi rộng lớn với động tác lặp đi lặp lại sẽ khiến cơ rất nhanh mỏi. Những chấn thương khi chơi cầu lông hầu hết đều bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Dưới đây là những chấn thương thường gặp trong cầu lông mà người chơi cần lưu ý:
1. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (tennis elbow)
Chấn thương này còn được gọi là hội chứng khuỷu tay quần vợt, dùng để chỉ chung những cơn đau ở bên ngoài khuỷu tay có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, những cú đánh cầu trái tay sai kỹ thuật do khuỷu tay bị cong hoặc yếu có thể gây nên hội chứng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Ngoài ra, việc khuỷu tay phải hoạt động với tần suất cao khi chơi cầu lông, kết hợp với việc khởi động không kỹ sẽ dễ dàng dẫn đến hội chứng này.
2. Viêm lồi cầu trong xương cánh tay (golfer’s elbow)
Đây cũng là một loại chấn thương tương tự như viêm lồi cầu trong xương cánh tay, chỉ khác vị trí đau nằm ở bên trong khuỷu tay. Triệu chứng đau có thể xuất hiện cấp tính khi người chơi đánh cầu quá mạnh hoặc thực hiện sai tư thế đập cầu nhưng cũng có thể tiến triển từ từ thông qua những lần vận động quá mức.
3. Chấn thương khớp vai
Một trong những chấn thương khi chơi cầu lông đó là ở khớp vai. Chấn thương khớp vai trong khi chơi cầu lông có thể xảy ra khi vung vợt sai cách hoặc cơ thể không khởi động kỹ mà phải hoạt động với cường độ cao. Ngoài ra, khi lâu ngày không vận động còn có thể dẫn đến bệnh lý túi hoạt dịch ở khớp vai bị viêm cũng là nguyên nhân dễ dẫn tới chấn thương vai.
Trong chấn thương vai thường gặp hai dạng sau:
- Viêm gân chóp xoay: Là tình trạng thoái hoá ảnh hưởng đến một hay nhiều gân của chóp xoay ở vai;
- Chấn thương chóp xoay: Là tình trạng căng hoặc rách do vận động quá mức của bất kỳ nhóm cơ nào trong số 4 nhóm cơ chóp xoay, rất dễ gặp trong các môn thể thao dùng vợt.
4. Chấn thương cổ tay
Việc chơi cầu lông khiến vận động viên buộc phải sử dụng cổ tay liên tục trong thời gian dài. Việc cầm nắm vợt quá chặt hoặc không chơi thể thao trong thời gian dài có thể khiến cổ tay chịu áp lực lớn dẫn tới chấn thương. 2 chấn thương cổ tay thường gặp gồm:
- Viêm gân cổ tay: Là do tình trạng quá tải lặp đi lặp lại được biểu hiện bởi các cơn đau ở cánh tay, cổ tay và bàn tay. Các triệu chứng của viêm gân cổ tay thường phát triển dần theo thời gian và ngày càng nghiêm trọng hơn, có thể là cơn đau nhói, đau âm ỉ hoặc chỉ là cảm giác nhói đơn thuần
- Bong gân cổ tay: Là tình trạng đau ở cổ tay, xảy ra do ảnh hưởng của lực đột ngột hoặc vận động quá mức. Các triệu chứng chính là đau ở cổ tay, có thể phát triển dần hoặc xuất hiện đột ngột, đôi khi có thể sưng tấy.
5. Bong gân cổ chân là chấn thương khi chơi cầu lông
Cầu lông là môn thể thao đòi hỏi việc di chuyển liên tục, điều này vô tình khiến chân rất dễ bị bong gân và dễ lặp lại nhiều lần. Phần lớn các chấn thương trong cầu lông là cổ chân bị lật vào trong, khiến dây chằng bên mác (dây chằng bên ngoài mắt cá chân) bị dãn quá mức, từ đó dẫn tới tổn thương.
Dù chỉ bị thương ở một phần của mắt cá nhưng vận động viên vẫn có thể đau toàn bộ khớp ở mắt cá chân nơi dây chằng bị tổn thương. Tình trạng sưng hoặc bầm tím có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau 48 tiếng tuỳ thuộc vào phần bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
6. Chấn thương khớp gối
Khớp gối chính là bộ phận nhạy cảm nhất của đôi chân, là điểm chịu nhiều áp lực nâng đỡ cơ thể. Do đó khi chơi thể thao không thể tránh khỏi khớp gối bị chấn thương như viêm gân bánh chè. Viêm gân bánh chè hầu hết do tình trạng quá tải lặp đi lặp lại do chạy nhảy quá nhiều. Đây là một chấn thương khó điều trị và cần thời gian nghỉ ngơi để bình phục, không quên các phương pháp phục hồi chức năng khi cần thiết.
7. Chấn thương lưng khi chơi cầu lông
Sau 30 tuổi các khớp xương sẽ giảm dần độ dẻo dai và cơ thể thoái hoá nhanh hơn. Lúc này những kỹ thuật khó trong cầu lông như reverse hoặc rướn thân để đỡ cầu sẽ khiến thân bị đau nhức. Người tham gia cầu lông cần lượng sức mình để tránh các chấn thương lưng không đáng có vì nơi đây có bao gồm cả cột sống là bộ phận quan trọng hàng đầu trong cơ thể.
Trên đây là các chấn thương thường gặp khi chơi cầu lông, các bạn cần chú ý khi chơi để tránh và luyện tập chăm chỉ, nâng cao kĩ thuật chơi nhé!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.