Các phương pháp điều trị mề đay chủ yếu hướng tới kiểm soát mức độ nghiêm trọng của tổn thương mề đay cấp tính. Phần lớn các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn, đợt cấp tính thường hiếm khi kéo dài hơn vài ngày nhưng lại có thể tái phát trong vài tuần. Do đó, người bệnh cần gặp bác sĩ để xác định và loại bỏ căn nguyên gây bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Triệu chứng lâm sàng của mề đay
1.1 Mề đay là gì? Phân loại mề đay
Tổn thương ngoài da với đặc điểm nổi bật là các sẩn phù và tình trạng sưng nề ở da xuất hiện nhanh được gọi là mề đay. Loại tổn thương này có hình dạng và kích thước khác nhau với quầng đỏ bao quanh, đôi khi kèm theo cảm giác ngứa hoặc nóng rát.
Trong khoảng thời gian 24 giờ, mề đay thường sẽ tự biến mất. Tùy theo thời gian diễn tiến của bệnh, mề đay được phân loại thành cấp tính và mãn tính.
- Mề đay cấp tính (thời gian diễn biến dưới 6 tuần): Thường bùng phát trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh và triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Trong đó, những nguyên nhân phổ biến gây mề đay cấp tính bao gồm các loại thực phẩm (như tôm, cua, cá…), thuốc (như kháng sinh nhóm Beta lactam, NSAID, Sulfamide hoặc thuốc cản quang…) cũng như nọc độc từ côn trùng (như kiến, ong và phấn hoa).
- Mề đay mạn tính (thời gian diễn biến ≥ 6 tuần): Các triệu chứng của mề đay mãn tính kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm và không rõ nguyên nhân gây ra. Bệnh chủ yếu xảy ra ở người lớn với tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Ngoài những tổn thương trên da, mề đay mạn tính còn tác động đến sức khỏe tổng thể, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, các phương pháp điều trị mề đay mãn tính thường ít đạt hiệu quả cao. Dù không gây nguy hiểm tức thì nhưng nếu không chăm sóc và điều trị phù hợp, mề đay mãn tính sẽ gây ra các biến chứng như tăng sắc tố da, chàm hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác.
Thêm vào đó, hai nhóm bệnh này không có sự khác biệt về các dấu hiệu thực thể. Khoảng 80% các trường hợp bệnh khởi phát cấp tính rồi giảm dần sau vài giờ đến vài ngày mà không để lại dấu vết. Chỉ có khoảng từ 5 – 10% trường hợp bệnh cấp tính tiến triển thành giai đoạn mãn tính.
1.2 Đặc điểm lâm sàng của mề đay
Các đám sẩn phù có mật độ mềm, hơi nhô lên trên bề mặt da và thường gây ngứa nhiều là biểu hiện của mề đay. Ngoài ra, xung quanh vùng tổn thương còn có quầng đỏ với phần trung tâm màu hồng nhạt. Trong trường hợp mề đay mãn tính kéo dài, tổn thương có thể không nổi gồ lên da và có màu đỏ sẫm.
Mề đay có nhiều loại hình dạng và kích cỡ khác nhau với đường kính biến đổi từ một vài mm đến vài chục cm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Hình dạng có thể là hình tròn, vòng cung hoặc dạng mảng như bản đồ và vùng tổn thương mề đay thường có ranh giới rõ ràng so với vùng da bình thường.
Trên cơ thể, mề đay có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như mặt, tứ chi và thân mình. Các tổn thương mề đay có xu hướng thay đổi về hình thái và kích thước một cách nhanh chóng. Những tổn thương đơn lẻ thường xuất hiện rồi biến mất trong vòng vài giờ (ít khi kéo dài quá 8 giờ) và có khả năng di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Đặc biệt, mề đay thường xuất hiện vào buổi sáng sớm và chiều tối, giảm dần vào buổi trưa và buổi sáng.
2. Cách điều trị mề đay cấp tính
2.1 Điều trị đặc hiệu
Việc điều trị mề đay cấp tính thường không quá phức tạp. Tất cả trường hợp nổi mề đay đều cần loại bỏ căn nguyên gây bệnh (nếu xác định được) Các yếu tố gây bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn cần phải được tránh hoặc loại bỏ bao gồm việc ngừng thuốc, thức ăn, thay đổi công việc, di chuyển chỗ ở và tránh tiếp xúc với nhiệt độ nóng, lạnh cũng như ánh nắng mặt trời.
Trong trường hợp không thể ngăn chặn dị nguyên gây bệnh thì người bệnh nên cân nhắc đến việc điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu.
2.2 Điều trị triệu chứng
Nhiều người khi bị bệnh thường tự đặt câu hỏi nổi mề đay uống thuốc gì? Để kiểm soát triệu chứng, các nhóm thuốc được sử dụng chủ yếu bao gồm: Glucocorticoid, thuốc kháng histamin H1, H2.
2.2.1 Thuốc kháng Histamin
Trong điều trị mề đay, thuốc kháng histamin đóng vai trò chủ yếu giúp ức chế tình trạng phóng thích histamin vào da, từ đó giảm ngứa và kiểm soát các tổn thương lâm sàng.
Thuốc kháng histamin H1 là phương pháp điều trị được chỉ định trong hầu hết các thể mề đay. Mặc dù hiệu quả của các loại thuốc kháng histamin H1 gần như tương đương nhau nhưng tác dụng phụ thì có sự khác biệt. Do đó, người bệnh nên lựa chọn một trong số các loại thuốc như Diphenhydramine, Chlorpheniramine, Hydroxyzine, Fexofenadine, Cetirizine và Loratadine.
Việc sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ mới đang ngày một tăng nhờ vào liều dùng chỉ một lần mỗi ngày và ít tác dụng phụ hơn. Một số lựa chọn bao gồm Cetirizine 10mg 1 lần/ngày và Fexofenadine 180mg 1 lần/ngày.
Ngoài ra, thuốc kháng histamin thế hệ cũ như Hydroxyzine (10-25mg mỗi 4 đến 6 giờ) và Diphenhydramine (25-50mg mỗi 6 giờ) có tác dụng an thần và đôi khi khá hiệu quả.
Trong điều trị mề đay cấp tính, thuốc kháng histamin H2 được chỉ định khi thuốc kháng H1 đơn thuần không mang lại hiệu quả và thường được dùng cùng với thuốc kháng H1.
Các thuốc kháng histamin H2 trong điều trị mề đay cấp tính:
Thuốc | Liều lượng cách dùng |
Famotidine |
Người lớn: 40mg/ ngày uống hoặc tiêm tĩnh mạch Trẻ em: 0,5 - 1mg/ kg/ ngày. Tổng liều ≤ 40mg/ ngày. |
Ranitidine |
Người lớn: Viên 150mg uống 2 - 3v/ ngày. Trẻ em: > 12 tuổi: 1,25 - 2.5mg/ kg uống 2 lần/ ngày, tổng liều ≤ 300mg/ ngày |
Cimetidine |
Người lớn: 300 - 800mg uống 6 - 8 giờ/ 1 lần Trẻ em: 20 - 40mg/ kg/ ngày uống chia 6 giờ/ 1 lần. |
2.2.2 Glucocorticoid
Trong các trường hợp mề đay nặng không đáp ứng với thuốc kháng H1 và H2, việc phối hợp các loại thuốc dị ứng mề đay này sẽ giúp giảm triệu chứng hoặc phòng ngừa triệu chứng tái phát.
Các loại Glucocorticoid thường được sử dụng để điều trị mề đay bao gồm: Prednisolon (viên 5mg), Prednison (viên 5mg) và Methylprednisolon (viên 4mg, 16mg cũng như các lọ tiêm 40mg, 125mg, 500mg). Nhằm hạn chế tác dụng phụ, glucocorticoid chỉ nên được dùng với liều lượng trung bình và trong thời gian ngắn.
2.3 Các biện pháp khác
Nếu người bệnh mắc mề đay mạn tính không đáp ứng với thuốc kháng histamin, thuốc kháng IgE (Omalizumab) hoặc Cyclosporine sẽ được sử dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng các phương pháp điều trị mề đay khác như lọc huyết tương hoặc immunoglobulin tĩnh mạch.
3. Theo dõi điều trị mề đay
Người bệnh cần theo dõi các yếu tố như tình trạng lâm sàng, tác dụng phụ của thuốc, số lượng bạch cầu ái toan và nồng độ IgE đặc hiệu (nếu có thể) trong thời gian điều trị mề đay.
Nhìn chung, mề đay cấp tính thường bùng phát trong vòng vài giờ và thuyên giảm mà không để lại dấu vết. Trong bất kỳ tình huống nào, việc loại bỏ nguyên nhân gây mề đay ở người bệnh (nếu có thể) là điều cần thiết. Thuốc kháng histamin là thuốc điều trị chủ yếu cho mề đay. Nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc kháng histamin H1 thì có thể phối hợp thêm thuốc kháng histamin H2 và glucocorticoid.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.