Bệnh lý tuyến tụy gồm hai bệnh khá phổ biến nhưng ít được chú ý là viêm tụy mạn và sỏi tuỵ. Việc chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như loét dạ dày tá tràng hay sỏi mật,... do không có các biểu hiện đặc hiệu. Đa số bệnh nhân bị sỏi tụy đến khám vì những vấn đề khác và vô tình phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Vậy, sỏi tụy là gì và có các biện pháp điều trị sỏi tụy nào?
1. Biến chứng của sỏi tụy nếu không điều trị
Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị sỏi tụy dễ dẫn đến viêm tụy mạn tính nếu không được điều trị thích hợp, bệnh sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Các biến chứng của sỏi tụy có thể kéo dài trong khoảng 10 năm đầu, trong đó, hay gặp nhất là tình trạng đau bụng, kém hấp thu chất dinh dưỡng và bệnh đái tháo đường:
- Đau bụng: Đây là biến chứng hay gặp nhất, việc điều trị dứt điểm tương đối khó khăn. Người bệnh bị sỏi tụy phải đối diện với những cơn đau bụng dữ dội, vị trí thường ở nửa trên ổ bụng (đau thượng vị). Cơn đau bụng do sỏi tụy có thể lan ra sau lưng, tăng lên nhiều sau bữa ăn, đặc biệt là những bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ. Khi đó, người bệnh cần được chỉ định các loại thuốc giảm đau, đồng thời điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.
- Kém hấp thu thức ăn: Tiêu chảy và sụt cân là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng này, nguyên do là vì sỏi tụy ảnh hưởng đến tuyến tụy khiến tụy bài tiết không đủ lượng enzym cần thiết để tiêu hóa các chất dinh dưỡng, dẫn đến người bệnh bị sụt cân, suy dinh dưỡng.
- Đái tháo đường: Bệnh lý này có thể độc lập và cũng có thể là biến chứng của sỏi tụy vì sỏi gây tổn thương đến những tế bào tuyến tụy bài tiết ra hormone insulin. Bệnh đái tháo đường thứ phát là biến chứng nghiêm trọng nhất của sỏi tụy và viêm tụy mạn vì những tình trạng này rất khó kiểm soát, đồng thời diễn biến bệnh thường phức tạp do các cơn tăng/hạ đường huyết quá mức.
Ngoài ra, người bệnh bị sỏi tụy còn có những triệu chứng do sỏi chèn ép tại chỗ như:
- Hẹp đường dẫn mật.
- Dãn ống tụy chính và ống tụy phụ.
- Chèn ép vào bó mạch mạc treo tràng trên.
- Chèn ép tá tràng gây tắc hoặc hẹp tá tràng.
2. Biện pháp điều trị sỏi tụy
Các trường hợp sỏi tụy gây tắc đường dẫn dịch tụy, bệnh nhân cần được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị sỏi tụy đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa thật sự cao. Trong khi đó, nếu chỉ điều trị nội khoa thì khả năng tái phát rất cao. Điều trị sỏi tụy bằng phẫu thuật là một loại phẫu thuật lớn, được xếp là loại phẫu thuật đặc biệt, tạo ra sự e dè và cân nhắc cho cả bác sĩ và người bệnh bị sỏi tụy.
Bên cạnh đó, một bệnh lý liên quan mật thiết với sỏi là viêm tụy mạn cũng cần được điều trị kèm theo. Các phương pháp điều trị viêm tụy mạn bao gồm cả nội khoa lẫn ngoại khoa. Trong đó, việc sử dụng các loại thuốc đóng vai trò quan trọng như ức chế tiết dịch tụy bằng Octreotide hay Somatostatin hoặc nội soi mật tụy ngược dòng ERCP vừa để chẩn đoán, vừa để điều trị. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể dẫn lưu qua nội soi, nong và đặt stent để xử lý tình trạng chít hẹp ống tụy chính, lấy sỏi bằng cách cắt cơ vòng (sỏi kích thước dưới 3mm) hoặc tán sỏi bằng thủy lực.
Phẫu thuật trong viêm tụy mạn được cân nhắc khi người bệnh đau bụng dữ dội, kéo dài và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Các biện pháp phẫu thuật bao gồm dẫn lưu, nối ống tụy với ruột hoặc nặng hơn là cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến tụy bằng cách phương pháp như Puestow-Gillesby, phẫu thuật Whipple, phẫu thuật Frey-Beger,...
3. Phẫu thuật Frey điều trị sỏi tụy là gì?
Phẫu thuật Frey trong điều trị sỏi tụy được tác giả cùng tên mô tả và công bố lần đầu vào năm 1987. Đây là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khu trú đầu tụy, sau đó, mở dọc thân đuôi tụy và nối trực tiếp với quai ruột non đầu tiên (hỗng tràng). Phẫu thuật Frey dựa trên quan điểm dẫn lưu rộng rãi của Partington và Rochelle từ năm 1960.
Phẫu thuật Frey được ứng trong trong điều trị sỏi tụy với khả năng giảm đau tốt, hạn chế được các biến chứng sau mổ, có thể kiểm soát viêm tụy mạn tính kèm theo. Từ đó, giải quyết hoặc phòng ngừa được các biến chứng liên quan đến các cơ quan lân cận do viêm tụy mạn gây ra, đồng thời chức năng tụy nội tiết và ngoại tiết vẫn được bảo tồn nên có thể cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Chỉ định điều trị sỏi tụy bằng phương pháp Frey bao gồm:
- Người bệnh đau nhiều, kém đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Người bệnh nhân có những triệu chứng do sỏi chèn ép tại chỗ như hẹp đường dẫn mật, giãn ống tụy chính hoặc ống tụy phụ, chèn ép bó mạch mạc treo tràng trên, chèn ép tá tràng gây tắc hoặc hẹp tá tràng,...
Phẫu thuật Frey có những ưu điểm sau đây:
- Giải phóng chèn ép vùng đầu tụy: Đây là vị trí xảy ra sỏi tụy rất cao do sự canxi hóa trong bệnh lý viêm tụy mạn.
- Bảo tồn vùng thân và đuôi tụy, do đó, chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy vẫn được duy trì.
- Cắt bỏ tổ chức mô ở đầu tụy, sau đó, bộc lộ và mở ống ống Wirsung và ống Santorini (ngay cả khi ống mỏm móc tụy) nên giúp giảm áp lực vùng ngã ba ống tụy hiệu quả và người bệnh hạn chế tối đa tình trạng đau sau mổ;
- Phẫu thuật Frey tương đối đơn giản và tiết kiệm thời gian.
- Phẫu thuật Frey còn có thể thực hiện hiệu quả ở những trường hợp đã mổ nối ống tụy (hay nang tụy).
Bài viết tham khảo: bvtamtridongthap.com.vn, tamanhhospital.vn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.