Bị sỏi túi mật khi mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Những thay đổi trong suốt thai kỳ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật gây sỏi mật dạng sỏi hoặc bùn. Mặc dù không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị sỏi túi mật, nhưng nếu có thì có thể gây ra những triệu chứng và biến chứng như đau quặn túi mật, viêm túi mật, viêm đường mật túi mật và viêm tụy cấp do sỏi ảnh hưởng đến em bé trong bụng.

1. Sỏi túi mật hình thành như thế nào?

Túi mật là một cơ quan nhỏ có hình dáng gần giống như trái lê, nằm ngay phía dưới gan. Túi mật dự trữ dịch mật thừa mà gan sản xuất ra để tiêu hóa các chất béo. Khi chúng ta ăn một bữa ăn nhiều chất béo, túi mật sẽ giải phóng dịch mật vào ruột non. Tuy nhiên, quá trình này đôi khi lại không diễn ra liền mạch như vậy.

Nếu không đủ muối mật, quá nhiều cholesterol hoặc túi mật không hoạt động hiệu quả, các viên sỏi cứng hay gọi là sỏi mật sẽ hình thành. Sỏi mật ở túi mật không chỉ khiến dịch mật không thoát ra ngoài được mà còn gây ra tình trạng viêm túi mật, gây ra những cơn đau rất dữ dội và là một tình trạng cấp cứu y tế. Khi túi mật hoạt động không hiệu quả và gây ra nhiều vấn đề, bác sĩ có thể cắt bỏ nó đi, cơ thể sẽ học cách thích nghi dần với sự thay đổi của hệ tiêu hóa.

2. Mang thai ảnh hưởng túi mật như thế nào?

Phụ nữ thường ít bị sỏi mật hơn so với nam giới, nhưng phụ nữ mang thai lại là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao hơn, tỷ lệ mắc 0.05-0.33%, đặc biệt là lớn tuổi, béo phì và có tiền sử gia đình vì giai đoạn này nhu động túi mật giảm và tăng độ bảo hòa cholesterol trong túi mật lắng đọng lại tạo sỏi.

Sỏi mật là một bệnh khá phổ biến trong thai kỳ do hormone estrogen và progesterone được tạo ra trong quá trình mang thai làm các mô cơ trong cơ thể thư giãn hơn, khiến quá trình tiết mật chậm lại và dễ hình thành sỏi mật cũng như gây biến chứng. Bà bầu bị sỏi mật cũng có thể sẽ gặp những triệu chứng dưới đây, xuất hiện sau khi ăn một bữa ăn giàu chất béo khoảng 1-3 giờ:

  • Đau ở thượng vị hoặc 1⁄4 trên bên phải của bụng, đau tại vị trí túi mật. Cơn đau có thể là đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau dữ dội. Cơn đau có thể giảm dần sau 1 giờ hoặc kéo dài them vài giờ.
  • Nếu cơn đau nặng lên, kéo dài >4-6h, lan lên vai hoặc ra sau lưng, sốt, mệt, buồn nôn, nôn mửa có thể gợi ý có biến chứng

Bà bầu bị sỏi mật có biểu hiện buồn nôn, đau vùng bụng trên hoặc giữa bụng
Bà bầu bị sỏi mật có biểu hiện buồn nôn, đau vùng bụng trên hoặc giữa bụng

3. Bị sỏi mật khi mang thai khi mang thai cần đến viện trong trường hợp nào?

Một số phụ nữ mang thai có thể bị sỏi túi mật mà không có triệu chứng gì. Căn bệnh này còn biết đến với tên gọi “sỏi túi mật thầm lặng”. Thông thường tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến chức năng túi mật nhưng khi sỏi mật di chuyển hoặc gây biến chứng có thể gây ra cơn đau túi mật.

Đôi khi các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 - 2 giờ, thỉnh thoảng có thể kéo dài khiến bà bầu vô cùng lo lắng. Nếu bà bầu có các triệu chứng sau và không biến mất trong khoảng 1 - 2 giờ thì cần đến bệnh viện ngay:

  • Ớn lạnh và/hoặc sốt nhẹ;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Đau bụng kéo dài trên 5 tiếng.
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Vàng da;
  • Phân sáng màu

Đây đều là những dấu hiệu cho thấy sỏi mật bắt đầu gây viêm và nhiễm trùng.

4. Điều trị cho thai phụ bị sỏi túi mật khi mang thai

Nếu bà bầu bị sỏi mật mà không có bất cứ triệu chứng nào nghiêm trọng và khó chịu, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc để giảm triệu chứng hoặc không cần điều trị gì trong suốt thời gian mang thai. Sỏi mật thường sẽ không gây ảnh hưởng xấu nào đối với thai nhi và sự phát triển của thai cũng không làm các viên sỏi mật to lên. Tuy nhiên nếu sỏi mật khiến túi mật không thể tống dịch mật ra ngoài được hoặc gây ra tình trạng đau kéo dài, ảnh hưởng đến cân nặng, có biến chứng, thì có thể sẽ phải phẫu thuật.

Tiến thành phẫu thuật trong khi đang mang thai không phải là phương pháp điều trị lý tưởng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được một cách an toàn để cắt bỏ túi mật. Sỏi mật có thể được lấy bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi mềm đưa vào từ miệng đến tá tràng và đi vào ống mật chủ, sỏi sẽ được lấy qua ống này, bụng của bà bầu sẽ được che để bào thai không bị ảnh hưởng.

Một phương pháp khác là cắt túi mật qua mổ nội soi hoặc mổ mở, được thực hiện trong ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là loại phẫu thuật phổ biến hàng thứ 2 trong khi mang thai, sau phẫu thuật bổ biến nhất là cắt bỏ ruột thừa.

5. Giảm nguy cơ biến chứng túi mật khi mang thai


Giảm nguy cơ biến chứng túi mật khi mang thai
Giảm nguy cơ biến chứng túi mật khi mang thai

Không có cách nào để giảm nguy cơ mắc biến chứng liên quan đến túi mật. Ứ dịch mật hoặc sỏi mật khi mang thai thường liên quan đến thay đổi hormone thai kỳ ở những phụ nữ có một số gen đặc biệt, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Vì nguyên nhân liên quan đến gen nên có khoảng 90% phụ nữ đã từng bị một lần thì sẽ bị tái phát tình trạng này ở lần mang thai tiếp theo.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo, nhiều chất xơ khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng sỏi mật nặng và giúp cả mẹ và em bé cùng khỏe mạnh.

6. Đang bị sỏi mật có nên mang thai không?

Các chị em bị sỏi túi mật có ý định mang thai thì tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa gan mật về tình trạng nội khoa hiện tại và xin ý kiến về việc mang thai. Theo quan điểm lý thuyết thì tốt nhất là nên điều trị bệnh lý nội khoa ổn định trước khi mang thai. Vì khi đang mang thai có kèm bệnh lý cần thiết phải phẫu thuật cấp cứu để cứu mẹ thì vẫn phải tiến hành phẫu thuật, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, tuỳ theo mức độ nặng của bệnh, khả năng chịu đựng của bà mẹ và bé, tuổi thai lúc phẫu thuật...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe