Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường khởi phát với triệu chứng sưng đau và nóng ở khớp. Nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp, bệnh nhân có nguy phải đối mặt với các biến chứng viêm khớp dạng thấp nặng nề.
1. Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?
Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của cơ thể bệnh nhân.
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng ở cả 2 bên khớp của cơ thể. Cụ thể hơn, nếu 1 trong hai khớp ở chân hoặc tay bị viêm khớp dạng thấp, thì khả năng khớp tương tự ở chân hoặc tay còn lại cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Đây cũng là cách dùng để phân biệt giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh viêm đau khớp khác.
Khi khởi phát, bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau nhức và tổn thương các khớp xương trên cơ thể mà còn gây ra những biến chứng của viêm khớp dạng thấp đến nhiều cơ quan khác trên cơ thể như phổi, mắt, mạch máu và tim... Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây hỏng khớp, làm gia tăng nguy cơ bị tàn phế.
Do đó, để ngăn ngừa biến chứng của viêm khớp dạng thấp xuất hiện, bệnh nhân cần tích cực thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay từ khi bắt đầu có những dấu hiệu gợi ý bệnh đầu tiên.
2. Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra
Bệnh viêm khớp dạng thấp nếu không được kiểm soát sớm có thể chuyển biến nặng hơn và gây các biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Loãng xương: Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và các thuốc dùng để điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nếu không được chữa trị đúng phương pháp và đúng thời điểm.
- Hình thành nốt sần trên khớp (còn gọi là nốt thấp khớp): Những nốt sần cứng thường hình thành ở các điểm chịu áp lực xung quanh khớp như ở khuỷu tay, ngón tay... hoặc có thể hình thành ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, kể cả ở phổi.
- Nhiễm trùng: Viêm khớp dạng thấp cùng với các thuốc điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm gia tăng tình trạng nhiễm trùng.
- Hội chứng ống cổ tay: Viêm khớp dạng thấp ở cổ tay dẫn đến chèn ép dây thần kinh cổ tay gây viêm gân, tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
- Hội chứng Sjogren: Khi bệnh chuyển nặng có thể gây ra biến chứng hội chứng Sjogren. - đây là 1 dạng rối loạn làm giảm lượng ẩm ở khoang miệng và mắt, gây khô mắt và khô miệng.
- Biến dạng khớp: Viêm khớp dạng thấp diễn biến bệnh theo từng đợt, giai đoạn đầu khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn II, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương thì người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động khá cao. Lúc này các khớp chịu tổn thương lâu ngày, phần sụn khớp bị bào mòn, làm hẹp dần các khe khớp và gây ra tình trạng dính khớp, teo cơ, biến dạng khớp, mất đi khả năng vận động. Phần xương gần khu vực khớp bị ảnh hưởng thường là vùng xương yếu nhất, do vậy gãy xương cũng có thể xảy ra như một hậu quả trực tiếp do bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra.
- Tàn phế: Theo nghiên cứu cho thấy có 90% người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp gặp phải tình trạng cứng khớp, trong đó có 44% bệnh nhân giảm chức năng vận động đáng kể và 16% bệnh nhân mất hẳn khả năng vận động chỉ sau 5 năm mắc bệnh. Nghiêm trọng nhất là tỉ lệ 10-15% người bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ bị tàn phế, không thể tự sinh hoạt sau 10 năm mắc bệnh.
- Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây ảnh hưởng đến tim, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch và viêm túi bao quanh tim. Trong một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Journal of Internal Medicine, nguy xảy ra đau tim tăng 60% ở những người bị mắc chứng viêm khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 4 lần so với người bình thường, điều này được giải thích là do lượng tiểu huyết cầu gia tăng, đây là thành phần tham gia vào các phản ứng đông máu và dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ, đau tim hoặc tắc nghẽn mạch máu.
- Ngoài ra, bệnh có thể gây các bệnh liên quan đến phổi (viêm và sẹo ở các mô phổi dẫn đến khó thở) hoặc thậm chí là biến chứng ung thư hạch. Nếu viêm khớp dạng thấp không được điều trị theo chỉ định của bác sĩ có thể gây tác động lên thận, làm suy giảm chức năng thận.
3. Điều trị kịp thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp phụ thuộc khớp bị tổn thương, mức độ bị bệnh và thời gian bệnh. Do các triệu chứng viêm khớp dạng thấp khác nhau ở mỗi người, vì vậy cách chữa trị cũng khác nhau, thường phải kết hợp nhiều biện pháp nội, ngoại, vật lý trị liệu và chỉnh hình...
3.1. Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc Tây Y
- Viêm khớp dạng thấp thể nhẹ (giai đoạn I): Số khớp bị viêm ít, khả năng vận động gần như bình thường, lúc này bệnh nhân chỉ cần dùng các thuốc giảm đau chống viêm thông thường như: Aspirin, chloroquin... kết hợp tập luyện, điều trị vật lý trị liệu, điện châm và ngâm nước suối khoáng...;
- Viêm khớp dạng thấp thể trung bình (giai đoạn II): Nhiều khớp bị viêm, vận động bị hạn chế, bệnh nhân dùng 1 trong các thuốc chống viêm non steroid: Indomethacin, Diclofenac, Piroxicam.. kết hợp vật lý trị liệu.
- Viêm khớp dạng thấp thể nặng (giai đoạn III): Bệnh nhân không đi lại được, khả năng vận động chỉ còn ít thì cần dùng các thuốc Corticoid liều cao, muối vàng, D-penicillamin và Methotrexate theo chỉ định của thầy thuốc.
3.2 Điều trị ngoại khoa
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp phẫu thuật được áp dụng khi bệnh nặng: Một số loại phẫu thuật có thể được áp dụng để chữa trị viêm khớp dạng thấp bao gồm: Phẫu thuật chỉnh sửa các khớp và gân bị phá hủy hoặc phẫu thuật để thay thế chúng.
4. Phòng và điều trị viêm khớp dạng thấp bằng y học cổ truyền
Theo Đông y, viêm khớp dạng thấp là căn bệnh thuộc chứng tý, bệnh hình thành do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể khiến cho khí huyết của người bệnh không được lưu thông. Hệ thống kinh mạch bị ứ trệ lâu ngày sẽ dẫn đến uất trệ hóa hỏa, sinh ra thấp nhiệt ứ trệ tại kinh mạch, ứ ở các khớp dẫn đến sự xuất hiện các triệu chứng sưng, đau, nóng, đỏ. Ngoài ra, khi nguyên khí suy yếu sẽ làm cho can thận hư, thận thủy hư tổn khiến gân cốt bệnh nhân không được nuôi dưỡng, dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng, khớp bị sưng to, biến dạng.
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng các bài thuốc Đông y hoặc sản phẩm chiết xuất từ thảo dược tự nhiên là phương pháp được nhiều người tin tưởng. Phương pháp này có ưu điểm là an toàn, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao và chi phí thấp. Hiện nay, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe được chiết xuất từ thành phần hoàn toàn tự nhiên như Nhũ hương, Sói rừng, Hy thiêm chữa viêm khớp dạng thấp cho thấy hiệu quả rất tốt. Giúp điều hòa miễn dịch, đồng thời giảm đau, kháng viêm hiệu quả cho người bệnh.
Ngoài ra, để giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh viêm khớp dạng thấp, bản thân người bệnh nên chủ động phòng tránh, giữ gìn sức khỏe bằng cách lưu ý những vấn đề sau:
- Đảm bảo môi trường sống xung quanh luôn khô thoáng, sạch sẽ;
- Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu;
- Chú ý giữ cơ thể cân đối, hoạt động thường xuyên để cơ thể linh hoạt hơn;
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Để phòng bệnh chúng ta không ăn thực phẩm giàu protein, gluten, đồ ăn chiên dầu, chất béo, hạn chế đường, muối, chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá... mà nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D cho xương chắc khỏe;
- Chăm sóc sức khỏe tốt sau phẫu thuật: Bệnh nhân nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để bệnh nhanh chóng hồi phục, vệ sinh đúng cách để tránh tình trạng viêm nhiễm phát sinh;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, cơ thể tự sản sinh ra bệnh nên con người đôi khi đã chủ động phòng tránh nhưng vẫn không thể tránh khỏi. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe là việc làm vô cùng quan trọng để phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu và điều trị hiệu quả hơn.
Hy vọng thông qua bài viết sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp. Từ đó có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.