Cà phê làm bùng phát viêm loét đại tràng, đặc biệt là loại chứa caffeine, có thể khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Caffeine là một chất kích thích có khả năng gây tác động xấu đến các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Khi tiêu thụ cà phê, một số người có thể cảm thấy khó chịu do sự tăng tiết axit dạ dày. Tuy nhiên, phản ứng với cà phê có thể khác nhau ở mỗi người, vì vậy không phải ai cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi uống cà phê.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tìm hiểu về viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng (UC) thuộc nhóm bệnh viêm ruột (IBD), gây ra các vết loét và tổn thương ở niêm mạc đại tràng hoặc ruột già.
Các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng bao gồm: tiêu chảy ra máu, đi cầu thường xuyên, phân nhầy, đau bụng, mệt mỏi và sụt cân. Những triệu chứng này có thể xuất hiện giữa các giai đoạn bệnh.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và làm bùng phát viêm loét đại tràng.
2. Những hợp chất có trong cà phê ảnh hưởng đến ruột và viêm loét đại tràng
Cà phê là một trong những loại thức uống phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Nếu bệnh nhân uống lượng cà phê vừa đủ thì vẫn được coi là chế độ ăn uống lành mạnh.
Mỗi ly cà phê chứa:
- Caffeine.
- Các hợp chất chống oxy hóa từ thực vật được gọi là polyphenol và các loại axit như axit chlorogenic.
Tuy nhiên, uống cà phê quá nhiều có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ợ nóng, kích thích quá trình tiêu hóa và ảnh hưởng đến lợi khuẩn đường ruột.
Đặc biệt, mặc dù cà phê có tác động đến hệ tiêu hóa nhưng hiện vẫn cần nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cà phê làm bùng phát viêm loét đại tràng và cách kiểm soát các triệu chứng bệnh.
3. Thực hư cà phê làm bùng phát viêm loét đại tràng
Cà phê có chứa chất chống oxy hóa và một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nó có thể có tác dụng tích cực đối với hệ tiêu hóa. Một số nghiên cứu cũng cho rằng, cà phê có thể có lợi cho lợi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho chúng phát triển và giảm bớt các vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, tác động của cà phê đối với viêm loét đại tràng vẫn cần được nghiên cứu thêm vì một số người mắc bệnh có thể nhạy cảm với caffeine hoặc axit trong cà phê.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào tập trung đặc biệt vào vấn đề cà phê làm bùng phát viêm loét đại tràng. Người bệnh thường xác định loại thực phẩm và thức uống nào gây ra vấn đề đường ruột thông qua tự thử nghiệm hoặc tham khảo các chuyên gia dinh dưỡng.
3.1 Mối liên quan giữa caffeine và viêm loét đại tràng
Caffeine được xem là một chất kích thích có khả năng tăng cường năng lượng và giúp tỉnh táo. Tuy nhiên, uống cà phê có thể kích thích co thắt đường tiêu hóa, khiến khoảng 1/3 số người cảm thấy muốn đi cầu trong vòng bốn phút sau khi uống.
Cả cà phê đã loại bỏ caffeine và cà phê chứa caffeine đều có khả năng kích thích động ruột, có thể do các hợp chất hóa học khác như polyphenol hoặc axit. Do đó, nếu bệnh nhân nhạy cảm với caffeine hoặc gặp triệu chứng tồi tệ hơn sau khi uống cà phê thì nên hạn chế hoặc tránh sử dụng.
3.2 Loại bỏ cà phê có thể cải thiện triệu chứng viêm loét đại tràng ở một số người
Trong một nghiên cứu năm 2015 với 443 người, có 73% trường hợp thường xuyên uống cà phê mắc bệnh đường ruột, bao gồm cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Trong số này, 96% cho rằng cà phê có thể cải thiện các triệu chứng viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, 62% người không uống cà phê tin rằng cà phê làm triệu chứng đường ruột trở nên trầm trọng hơn, nhất là ở những người mắc bệnh Crohn.
Trong cuộc khảo sát năm 2021 với 208 người đã thuyên giảm triệu chứng viêm loét đại tràng, 37% tin rằng chế độ ăn kiêng sẽ cải thiện triệu chứng bệnh, trong đó có 24% người tránh uống cà phê.
Tóm lại, một số người bệnh tránh uống cà phê vì họ tin rằng cà phê làm bùng phát viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người mắc bệnh này đều gặp vấn đề về đường ruột khi tiêu thụ cà phê.
4. Cách giảm tác dụng phụ của cà phê nếu bệnh nhân bị viêm loét đại tràng
Một số chuyên gia khuyên bệnh nhân nên ghi lại nhật ký ăn uống để xác định loại thực phẩm nào có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng viêm loét đại tràng.
4.1 Uống thử một lượng nhỏ cà phê
Bệnh nhân có thể không uống nhiều cà phê nhưng nên thử uống một lượng nhỏ. Hãy ghi lại số lượng thực phẩm và đồ uống bạn tiêu thụ vì điều này giúp nhận ra rằng một ly cà phê mỗi ngày có thể phù hợp hơn so với ba ly.
Cần nhớ rằng một ly cà phê thông thường khoảng 236.6 mL và các ly cà phê tại quán có thể lớn hơn nhiều.
4.2 Hạn chế dư thừa đường
Thực phẩm chứa đường cũng được xem xét là một trong những loại thực phẩm có thể gây kích thích đường ruột.
Latte, frappuccino và macchiato từ các quán cà phê có thể chứa đến 20 gram đường trong mỗi ly cà phê. Trong khi đó, các máy pha cà phê tại nhà thường chứa ít đường hơn - khoảng 5 gram mỗi ly.
Các loại rượu đường như sorbitol và mannitol cũng được xem là các yếu tố tiềm ẩn, tương tự như rủi ro cà phê làm bùng phát viêm loét đại tràng, gây tiêu chảy ở một số người.
Hãy thử uống cà phê không đường để xem liệu nó có gây ra triệu chứng viêm loét đại tràng hay không. Nếu thích sữa và muốn thêm vào cà phê, hãy chọn các sản phẩm thay thế không đường cho sữa hoặc kem.
4.3 Chọn sản phẩm thay thế cho sữa
Nhiều người mắc bệnh viêm ruột tránh tiêu thụ sữa do lo ngại có thể xảy ra các triệu chứng không mong muốn. Nếu bệnh nhân không chắc chắn liệu cà phê hoặc sữa có thể làm trầm trọng hóa các triệu chứng hay không, hãy thử và điều chỉnh từng phần riêng lẻ.
Có nhiều sự lựa chọn thay thế cho sữa và kem từ các nguồn thực vật, bao gồm đậu nành, hạnh nhân, yến mạch và dừa mà bệnh nhân có thể thêm vào cà phê.
5. Đồ uống thay thế cho bệnh nhân bị viêm loét đại tràng
Uống đủ lượng nước rất quan trọng, nhất là khi bệnh nhân đang bùng phát bệnh viêm loét đại tràng và mất nhiều nước do ra phân lỏng thường xuyên.
Ngoài ra, nếu tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân cần bổ sung viên điện giải vào nước hoặc tiêu thụ đồ uống điện giải để bổ sung các chất điện giải bị mất, duy trì lượng nước trong cơ thể, đảm bảo hệ thần kinh và cơ bắp hoạt động ổn định.
Trà - bao gồm cả trà xanh - cũng có thể là một lựa chọn tốt cho những người bị viêm loét đại tràng. Trà chứa nhiều chất chống oxy hóa chống viêm và giúp giảm các triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trà xanh, trà đen và trà ô long đều chứa caffeine. Một số loại trà thảo mộc cũng có thể làm một số người đi cầu ra phân lỏng. Nếu bệnh nhân có phản ứng tiêu cực khi tiêu thụ caffeine, tốt nhất là bệnh nhân nên tránh sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.