Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và đánh giá bệnh viêm loét đại tràng chảy máu

Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng siêu âm (sóng âm tần số cao) để xây dựng và tái tạo hình ảnh về cấu trúc bên trong của cơ thể. Siêu âm là một phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị bệnh được áp dụng phổ biến trong y học. Bài viết sau sẽ làm rõ vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và đánh giá bệnh viêm loét đại tràng chảy máu.

1. Biểu hiện lâm sàng của viêm loét đại tràng chảy máu

Viêm loét đại tràng chảy máu đặc trưng bởi tổn thương viêm lan tỏa và trên bề mặt của niêm mạc đại tràng, bắt đầu từ trực tràng lan lên đến các đoạn khác của đại tràng.
Ruột non thường không thấy tổn thương, mặc dù đoạn cuối hồi tràng có thể có tổn thương viêm bề mặt. Dựa vào mức độ lan rộng của tổn thương đại tràng, có thể phân loại viêm loét đại tràng chảy máu thành các thể: Viêm trực tràng (tổn thương khu trú ở trực tràng), viêm đại tràng sigma - trực tràng hoặc đại tràng trái (lan đến góc lách) hoặc viêm đại tràng lan tỏa/toàn bộ. Mức độ lan rộng của tổn thương không chỉ liên quan đến mức độ nặng mà còn ảnh hưởng đến tiền lương và lựa chọn điều trị. Triệu chứng và diễn biến bệnh liên quan đến mức độ lan rộng và nặng của tổn thương viêm.
Các triệu chứng của bệnh thường tiến triển âm thầm mặc dù bệnh có thể xuất hiện cấp tính sau một đợt viêm đại tràng nhiễm khuẩn hoặc tiêu chảy khi đi du lịch. Tình trạng viêm trực tràng khiến đại tiện ra máu là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh nhân. Mức độ đại tiện ra máu có thể nặng, rầm rộ hoặc vừa phải, đại tiện ra máu lẫn nhầy. Bệnh nhân có thể hay buồn đại tiện và mót rặn hoặc tăng số lần đại tiện. Đại tràng tổn thương càng lan rộng thì mức độ tiêu chảy càng nặng trong khi nếu bệnh nhân chỉ đơn thuần là viêm trực tràng, triệu chứng có thể xen kẽ giữa những đợt táo bón với những đợt đại tiện phân nhầy máu.

Đau bụng cơn trước khi đại tiện hoặc cảm giác trướng bụng sẽ gặp khi bệnh tiến triển nặng. Những trường hợp bệnh tiến triển hoặc giai đoạn tối cấp, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như những cơn vã mồ hôi về đêm, sốt, nôn, buồn nôn, gầy sút cân kèm theo tiêu chảy. Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa như ở mắt, da, khớp, gan.


Đau bụng cơn trước khi đại tiện hoặc cảm giác trướng bụng sẽ gặp khi bệnh tiến triển nặng
Đau bụng cơn trước khi đại tiện hoặc cảm giác trướng bụng sẽ gặp khi bệnh tiến triển nặng

Viêm loét trực tràng được định nghĩa là tình trạng viêm khu trú ở đoạn trực tràng và là dạng có mức độ lan rộng nhẹ nhất, chiếm từ 25 - 30% các trường hợp khi mới chẩn đoán. Bệnh nhân thường có biểu hiệu đại tiện ra máu, cảm giác cần đại tiện ngay hoặc đôi khi lại có táo bón do tình trạng luân chuyển phân chậm ở đại tràng phải. Các triệu chứng toàn thân thường hiếm gặp nhưng có thể thấy tổn thương ở da hay khớp kèm theo. Có khoảng 30 - 40% bệnh nhân viêm loét trực tràng sau đó tiến triển thêm ở các đoạn khác của đại tràng.
Viêm loét đại tràng sigma - trực tràng hay còn gọi là viêm đại tràng trái xảy ra ở 40% các trường hợp, bệnh nhân có thể có các triệu chứng xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy kèm theo đầy tức bụng, buồn đại tiện, đại tiện ra máu. Đau quặn bụng hố chậu trái và các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa thường gặp hơn so với nhóm viêm loét trực tràng đơn thuần.

Viêm loét toàn bộ đại tràng được chẩn đoán khi tổn thương viêm lan đến tận đại tràng ngang hoặc đại tràng phải. Bệnh nhân thường có biểu hiện tiêu chảy, đại tiện ra máu, buồn đại tiện, đầy tức bụng, đau quặn khắp bụng hoặc khu trú. Ngoài ra, bệnh nhân nhóm này thường có gầy sút cân, các triệu chứng toàn thân, ngoài đường tiêu hóa và thiếu máu.
Phình đại tràng nhiễm độc là biến chứng nặng nhất trong viêm loét đại tràng chảy máu khi tổn thương viêm lan từ lớp niêm mạc bề mặt xuống lớp dưới niêm mạc và lớp cơ. Biến chứng này thường xảy ra ở những bệnh nhân viêm đại tràng lan tỏa hoặc viêm đại tràng ở mức độ nặng. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm sốt, kiệt sức, đau quặn bụng dữ dội, trướng bụng, cảm giác đau tức khu trú hoặc toàn bụng.

2. Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và đánh giá bệnh viêm loét đại tràng chảy máu

Viêm loét đại tràng chảy máu là bệnh lý trong đó tổn thương viêm chủ yếu ở lớp niêm mạc và hay gặp ở trực tràng do vậy sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đánh giá gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, siêu âm được coi như một công cụ chẩn đoán đáng tin cậy giúp đánh giá mức độ lan rộng và hoạt động của bệnh. Đặc biệt, trong những trường hợp nội soi có chống chỉ định hoặc không thể soi được hết toàn bộ đại tràng.

Đầu tiên, có thể sử dụng đầu dò Convex có tần số 3,5 - 5 MHz để đánh giá chung. Sau đó, chuyển sang đầu dò linear có tần số 4 - 13 MHz để kiểm tra chi tiết các lớp của thành ruột. Có thể đi từ thượng vị xuống hoặc đi từ hố chậu trái (vị trí của đại tràng sigma) sau đó kiểm tra đến đại tràng, đoạn cuối hồi tràng, ruột thừa, ruột non và lên đến dạ dày. Nếu bệnh nhân có đau khu trú ở một vị trí, cần kiểm tra kỹ.
Nhận định tổn thương:


Siêu âm được coi như một công cụ chẩn đoán đáng tin cậy giúp đánh giá mức độ lan rộng và hoạt động của bệnh
Siêu âm được coi như một công cụ chẩn đoán đáng tin cậy giúp đánh giá mức độ lan rộng và hoạt động của bệnh

Hình ảnh siêu âm trong viêm loét đại tràng chảy máu bao gồm thành ruột dày, thay đổi cấu trúc âm của thành ruột, mất nếp gấp của thành ruột. Độ dày của thành ruột phụ thuộc vào mức độ viêm. Trong giai đoạn bệnh tiến triển, có thể thấy thành ruột dày > 4mm, thường từ 5 - 7mm, ít khi dày quá 10mm. Khi lui bệnh, thành ruột lại trở về độ dày bình thường <4mm. Thành ruột dày trong viêm loét đại tràng chảy máu có tính chất đồng nhất, liên tục, có xu hướng đồng tâm và đối xứng, thường gặp ở đại tràng trái và lan hết toàn bộ đại tràng ở thể viêm lan tỏa. Những trường hợp viêm nặng và lan tỏa, có thể thấy cấu trúc âm của các lớp ở thành ruột tách biệt tương đối rõ và mất hình ảnh nếp gấp. Nếu lớp dưới niêm mạc cũng bị ảnh hưởng, có thể thấy lớp này trên siêu âm hơi giảm âm, không đồng nhất và đôi khi tăng sinh mạch trên phổ Doppler.

Lớp cơ niêm thường là một đường giảm âm bên ngoài vẫn được bảo tồn với ranh giới và bờ đều. Không giống như trong Crohn, tổn thương loét ở viêm loét đại tràng chảy máu thường ở bề mặt. Do vậy, không phát hiện được bằng siêu âm và giai đoạn từ nhẹ đến trung bình, các lớp bên trong của thành ruột vẫn rõ. Tuy nhiên, giai đoạn bệnh tiến triển nặng, sẽ thấy thành ruột dày lên rõ, giảm âm và đường ranh giới giữa các lớp phía bên trong của thành ruột không còn mềm mại, có thể thấy những chấm nhỏ tăng âm đại diện cho các ổ loét ăn xuống lớp dưới niêm mạc. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có phình đại tràng nhiễm độc, sẽ thấy hình ảnh thành ruột ở vùng đại tràng trái dày lên nhiều, giảm âm cùng với tình trạng giãn to của đại tràng ngang (>6cm), thành đại tràng ngang mỏng (< 2mm) và có sự tăng lượng dịch bên trong các quai ruột và giãn các quai hồi tràng.


Hình ảnh lát cắt dọc đại tràng ngang trong viêm loét đại tràng chảy máu mức độ nặng với hình ảnh thành ruột dày và giảm âm.
Hình ảnh lát cắt dọc đại tràng ngang trong viêm loét đại tràng chảy máu mức độ nặng với hình ảnh thành ruột dày và giảm âm.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sử dụng các thế hệ máy siêu âm màu hiện đại nhất hiện nay trong thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. Một trong số đó là máy siêu âm Logig E9 của GE Healthcar có đầy đủ options, các đầu dò có độ phân giải HD cho hình ảnh rõ nét, đánh giá chính xác tổn thương. Bên cạnh đó, đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể nhằm đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe