Cá ngừ là loại cá được ưa thích và sử dụng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Sử dụng cá ngừ tươi sống để làm nên các món ăn ngon được nhiều nhà hàng chế biến và được thực khách ủng hộ. Tuy nhiên, ăn cá ngừ sống không đúng cách có thể gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe.
1. Tìm hiểu về cá ngừ và thành phần dinh dưỡng
1.1. Nguồn gốc
Cá ngừ là một loài hải sản sống trong môi trường từ Đại Tây Dương cho đến Indonesia. Các loài cá ngừ phổ biến nhất được biết đến ở Hoa Kỳ là Skipjack ( cá ngừ ánh sáng) và Albacore (cá ngừ trắng).
1.2. Thành phần dinh dưỡng
Cá ngừ có nguồn dinh dưỡng vitamin D dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ xương, ngăn ngừa tình trạng loãng xương. Bên cạnh đó, cá ngừ có các nguồn vitamin và khoáng chất khác vô cùng quan trọng như: vitamin B6, Kali, Selen, Iốt
Trong một khẩu phần cá ngừ có trọng lượng 113 g chứa:
- Lượng calo: 145
- Chất đạm: 26,77 gam
- Chất béo: 3,37 gam
- Carbohydrate: 0 gram
- Chất xơ: 0 gram
- Đường: 0 gram
2. Những lợi ích sức khỏe của việc ăn cá ngừ
2.1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Hàm lượng axit béo omega-3 cao trong cá ngừ có thể giúp giảm mức độ axit béo omega-6 và cholesterol LDL tích tụ bên trong động mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều omega-3 có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, bao gồm cả các cơn đau tim, đột quỵ.
2.2. Ngăn ngừa các bệnh lý về thị lực
Thành phần omega-3 trong cá ngừ đem lại nhiều lợi ích cho chức năng mắt. Phụ nữ ăn ăn nhiều cá ngừ trong một tuần sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh khô mắt đến 68%.
Chất dinh dưỡng này cũng được cho là có khả năng làm chậm sự phát triển của các tế bào khối u và giảm viêm trong cơ thể.
2.3. Hỗ trợ giảm cân
Trong nhiều chế độ ăn kiêng, cá ngừ là một thực phẩm không thể thiếu. Đây là một loại thịt trắng có hàm lượng protein tương đối cao nhưng ít calo. Nhờ đó, bạn sẽ có cảm giác no lâu hơn và hạn chế ăn nhiều.
XEM THÊM: Ngộ độc cá ngừ: Nguyên nhân, dấu hiệu
3. Ăn cá ngừ sống có tốt không?
Cá ngừ sống thường được chế biến làm món nộm, sushi, sashimi... Đây đều là những món ăn phổ biến và được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ăn cá ngừ sống có tốt không được nhiều người thắc mắc. Vì thế, các chuyên gia sức khỏe đã thống kê một số nguy hại khi ăn cá ngừ sống để bạn có thể cân nhắc như sau:
3.1. Có nhiều ký sinh trùng
Mặc dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng cá ngừ nếu ăn không đúng cách có thể gây ra một số rủi ro. Trong cá ngừ có chứa một số loại ký sinh trùng như Opisthorchiidae, Anisakadie...gây bệnh cho người như nhiễm trùng đường ruột,tiêu chảy, nôn mửa, sốt.
Một nghiên cứu cho thấy 64% mẫu cá ngừ vây xanh ở Thái Bình Dương có nguồn gốc từ vùng biển Nhật Bản bị nhiễm Kudoa hexapunctata. Đây là một loại ký sinh trùng dẫn đến bệnh tiêu chảy ở người. Bên cạnh đó, mẫu cá ngừ vây xanh và cá ngừ vây vàng từ Thái Bình Dương đều chứa các loại ký sinh trùng họ Kudoa có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Hay cá ngừ từ vùng biển ngoài khơi Iran có tới 89% mẫu bị nhiễm ký sinh trùng có thể bám vào dạ dày và ruột của con người, gây ra bệnh anisakiasis. Biểu hiện của bệnh này là phân có máu, nôn mửa và đau dạ dày.
Ăn cá ngừ sống tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ cá ngừ. Hầu hết các ký sinh trùng có thể bị tiêu diệt khi được nấu chín hoặc đông lạnh.
3.2. Hàm lượng thủy ngân cao
Thủy ngân là một loại kim loại nặng, có thể tích tụ vào cơ thể con người thông qua chế độ ăn và tiếp xúc không trực tiếp. Cá ngừ có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao, nhất là là loại cá ngừ lớn như: cá ngừ albacore, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây xanh và cá ngừ mắt to. Phần lớn, cá ngừ được dùng để chế biến sống như bít tết, sushi và sashimi đều có nguồn gốc từ loại cá này.
Tiêu thụ quá nhiều cá ngừ sống có thể tích tụ lượng thủy ngân cao trong cơ thể bạn, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: tổn thương não và tim.
XEM THÊM: Biểu hiện khi cơ thể nhiễm vi khuẩn salmonella
3.3. Ăn cá ngừ sống tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella
Hầu hết những người bị nhiễm vi khuẩn salmonella sau khi ăn cá ngừ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày... sau 12 đến 72 giờ. Bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày và tự khỏi mà không cần điều trị.
Thực tế, đã có rất nhiều người băn khoăn không biết có thể ăn cá ngừ khi mang thai không? Thực tế, với những rủi ro trên, các đối tượng sau đây không nên ăn quá nhiều cá ngừ sống:
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Trẻ em
- Người lớn tuổi.
- Người có hệ miễn dịch yếu
- Bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư.
Ngay cả những người khỏe mạnh cũng cần tiêu thụ cá ngừ trong định mức nhất định để tránh phải các rủi ro không mong muốn. Vì hầu hết các loại cá đều vượt quá giới hạn tiêu thụ thủy ngân hàng ngày do các cơ quan y tế ở Hoa Kỳ và các nước khác đề xuất. Người lớn nên ăn 85–140 gam cá ngừ, từ 2–3 lần mỗi tuần để có đủ axit béo omega-3. Một số loại cá được đề xuất để ngăn ngừa tình trạng thủy ngân cao như: cá hồi, cua, cá tuyết,...
4. Ăn cá ngừ đúng cách và an toàn
Nấu chín cá ngừ là cách tốt nhất để loại bỏ ký sinh trùng và giảm nguy cơ mắc các bệnh về thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn có thể ăn cá ngừ sống một cách an toàn. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến cáo nên làm đông lạnh cá ngừ sống theo một trong những cách sau để loại bỏ ký sinh trùng:
- Đóng băng ở -20 °C hoặc thấp hơn trong 7 ngày
- Đông lạnh ở -35 ° C hoặc thấp hơn. Sau đó tiếp tục bảo quản ở nhiệt độ -35 ° C trở xuống trong vòng 15 giờ.
- Đông lạnh ở -35 ° C hoặc thấp hơn. Sau đó bảo quản cá ngừ ở nhiệt độ -20 ° C hoặc thấp hơn trong 24 giờ.
Cá ngừ sống đông lạnh nên được rã đông trong tủ lạnh trước khi tiêu thụ. Làm theo phương pháp này có thể sẽ tiêu diệt hầu hết ký sinh trùng trong cá ngừ.
Cá ngừ là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên chúng cũng chứa nguồn thủy ngân và ký sinh trùng lớn. Do đó, một số đối tượng cần thận trọng khi ăn cá ngừ sống và thực hiện ăn cá ngừ đúng cách để đảm bản an toàn, tránh ngộ độc thực phẩm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com