Biện pháp khắc phục nhận thức cho chứng rối loạn trầm cảm nặng

Rối loạn trầm cảm nặng là chứng bệnh có thể làm tổn thương khả năng suy nghĩ của người bệnh ngay cả những công việc đơn giản hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số biện pháp nhằm khôi phục nhận thức để có thể cải thiện kỹ năng tư duy ở những người bị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, ADHD, biếng ăn tâm thần, OCD và trầm cảm.

1. Rối loạn trầm cảm nặng là gì?

Rối loạn trầm cảm nặng hay còn gọi là trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến và có thể điều trị được. Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn và mất hứng thú với những hoạt động mà họ đã từng thích thú. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng trong công việc, cuộc sống gia đình và thậm chí là vấn đề tình cảm hay thể chất khác. Một số biểu hiện của rối loạn trầm cảm nặng thường gặp bao gồm:

  • Nhịp độ, đánh máy tay và các hoạt động không ngừng nghỉ khác
  • Nói chậm và chuyển động mà người khác nhận thấy
  • Khó tập trung vào nhiệm vụ hoặc ra quyết định cho vấn đề của bản thân
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Giảm hoặc tăng cân không liên quan đến ăn kiêng
  • Khó ngủ, quá nhiều hoặc quá ít
  • Cảm thấy cơ thể có ít năng lượng và luôn trong trạng thái mệt mỏi
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
  • Trong đầu hay có nhiều suy nghĩ về cái chết hoặc ý định tự tử

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần thì có thể đã đến lúc bạn nên nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình.

2. Rối loạn trầm cảm nặng ảnh hưởng đến nhận thức như thế nào?

Nhận thức là một từ khác để chỉ tư duy. Cụ thể hơn thì nó là một tập hợp các kỹ năng cho phép bạn nhận diện, xử lý và phản hồi thông tin. Nhận thức giúp thực hiện mọi việc, từ trò chuyện với bạn bè đến mua hàng tạp hóa. Có sáu loại nhận thức chính:

  • Sự chú ý: Khả năng chọn một nhiệm vụ và tập trung vào nó hoặc phân chia sự chú ý của bạn cho các nhiệm vụ khác nhau một cách hiệu quả.
  • Chức năng điều hành: Khả năng lập kế hoạch và ra quyết định, ghi nhớ thông tin cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ và phản ứng linh hoạt.
  • Học tập và trí nhớ: Khả năng ghi nhớ và nhớ lại thông tin trong cả ngắn hạn và dài hạn.
  • Ngôn ngữ: Khả năng thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ phù hợp và nghĩ ra từ phù hợp.
  • Kỹ năng vận động-tri giác: Khả năng nhận biết thông tin hình ảnh và giác quan khác, chẳng hạn như âm thanh và mùi, từ những người khác và thế giới xung quanh bạn.
  • Nhận thức xã hội: Khả năng đưa ra phán đoán hợp lý về ý định và mong muốn của người khác và kiểm soát cảm xúc của chính bạn theo cách phù hợp với xã hội.

Trầm cảm có thể làm suy yếu khả năng tư duy của bạn và làm hạn chế một số năng lực như:

  • Chú ý
  • Học những điều mới
  • Ghi nhớ hoặc nghĩ về thông tin
  • Xử lý hoặc "hiểu" thông tin mới một cách nhanh chóng
  • Phản hồi thông tin mới theo cách thích hợp

Khi cơ thể mất đi một số khả năng này thì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có thể không còn tốt như trước đây. Biểu hiện thường thấy là bạn không thể làm việc linh hoạt hoặc thậm chí không đáp ứng tốt với phương pháp điều trị của mình và có thể đối mặt với nguy cơ cao mắc thêm một đợt trầm cảm khác.

Một số bằng chứng cho thấy rằng khi kỹ năng tư duy bắt đầu suy giảm do trầm cảm ngay cả khi bạn không cảm thấy đặc biệt chán nản.

3. Một số biện pháp khắc phục nhận thức do rối loạn trầm cảm gây ra

Phục hồi nhận thức là một phương pháp điều trị cho một số dạng suy giảm nhận thức bằng cách cung cấp cho người dùng một bộ công cụ để cải thiện sự chú ý, trí nhớ và các chức năng não khác có thể trở nên tồi tệ hơn khi mắc chứng trầm cảm.

Mục đích là để cải thiện chất lượng cuộc sống và năng suất của họ tại nơi làm việc hoặc trường học và trong các tình huống xã hội. Các chiến lược trong việc khắc phục nhận thức khác nhau, nhưng bạn có thể thực hiện một số bài tập sau:

  • Viết vào sổ tay hoặc sổ kế hoạch hàng ngày để nhắc nhở bản thân về những nhiệm vụ và thời hạn quan trọng.
  • Chia nhiệm vụ thành một nhóm các bước hợp lý để giúp bạn dễ dàng hoàn thành chúng hơn.
  • Thực hành các bài tập về sự chú ý và tư duy để giúp cải thiện khả năng nắm bắt và ghi nhớ thông tin.
  • Đặt mục tiêu với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để tùy chỉnh phương pháp điều trị và theo dõi tiến trình của bạn

Bạn có thể tự sử dụng những phương pháp này, nhưng tốt hơn hết là nên tìm sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chuyên gia trị liệu để có kết quả tốt hơn.

4. Biện pháp khắc phục nhận thức có tác dụng như thế nào?

Khắc phục nhận thức có thể cải thiện một số kỹ năng tư duy nhất định ở một số người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng. Mặc dù nghiên cứu cho đến nay còn hạn chế nhưng có một phân tích của các nghiên cứu cho thấy rằng việc khắc phục nhận thức có thể dẫn đến cải thiện khả năng chú ý, trí nhớ làm việc và kỹ năng tư duy tổng thể.

Thật khó để nói từ nghiên cứu hiện tại liệu pháp này có hỗ trợ trực tiếp các triệu chứng trầm cảm hay không. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu những cách tốt nhất để sử dụng biện pháp khắc phục nhận thức để giúp điều trị chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng. Do đó, khi cảm thấy chán nản hoặc nhận ra bản thân mình đang có dấu hiệu của trầm cảm thì nên tìm gặp bác sĩ để có được biện pháp khắc phục nhận thức phù hợp.

5. Có thể thực hiện các biện pháp khắc phục chứng trầm cảm ở đâu?

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý có thể giúp kết nối bạn với một chuyên gia sức khỏe tâm thần điều trị chứng trầm cảm. Cùng là biện pháp khắc phục chứng trầm cảm nhưng các nhà trị liệu khác nhau có thể sẽ sử dụng các cách tiếp cận khác nhau.

Trước khi lên lịch hẹn, bạn có thể hỏi bác sĩ trị liệu xem họ có sử dụng biện pháp khắc phục nhận thức hay không và liệu họ có cân nhắc phương pháp điều trị cho trường hợp cụ thể của bạn hay không.

Nếu bạn đã có một chuyên gia mà bạn thường xuyên gặp, hãy hỏi họ liệu phương pháp khôi phục nhận thức có thể là một công cụ thích hợp cho bản thân hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe