Các bệnh lý tâm thần nghiêm trọng như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị rối loạn tâm thần, trong đó có một loại thuốc đặc biệt ở dạng miếng dán ngoài da Asenapine. Vậy Asenapine là thuốc gì và cần lưu ý gì khi sử dụng?
1. Asenapine là thuốc gì?
Thuốc Asenapine là một thuốc điều trị rối loạn tâm thần (như tâm thần phân liệt). Asenapine có tác dụng giúp bệnh nhân suy nghĩ tích cực hơn, giảm lo lắng và chủ động hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, thuốc Asenapine còn điều trị các triệu chứng như ảo giác (như nghe hoặc nhìn thấy những thứ không có thật) và ngăn ngừa sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng.
Asenapine là một thuốc điều trị rối loạn tâm thần thuộc nhóm chống loạn thần không điển hình, giúp phục hồi sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.
2. Cách sử dụng thuốc Asenapine dạng miếng dán thẩm thấu qua da
Thuốc Asenapine dạng miếng dán chỉ được sử dụng ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 1 lần/ngày. Mỗi lần thay miếng dán cần loại bỏ miếng cũ, không sử dụng 2 miếng dán cùng một lúc.
Để hạn chế kích ứng da, người bệnh nên thay đổi vị trí miếng dán thuốc Asenapine mỗi ngày. Khi thay miếng dán, hãy tháo miếng dán cũ ra, gấp đôi miếng dán với các mặt dính lại với nhau, vứt xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
Cách sử dụng thuốc Asenapine dạng miếng dán ngoài da:
- Không mở bao bì thuốc trước khi sử dụng quá lâu;
- Khi sử dụng, mở túi, tháo lớp lót bảo vệ khỏi miếng dán theo chỉ dẫn, tuyệt đối không cắt miếng dán;
- Dán miếng dán thuốc Asenapine lên vùng da sạch, khô, không có lông, thường là ở cánh tay, lưng, bụng hoặc hông;
- Không dán miếng dán lên vùng da có vết thương, xước, bỏng, phát ban, mẩn đỏ hoặc các vấn đề da khác;
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi dán miếng dán;
- Không đeo miếng dán lâu hơn 24 giờ;
- Bệnh nhân vẫn có thể tắm khi đang dán miếng dán chứa thuốc Asenapine. Tuy nhiên, tránh tắm lâu hoặc bơi vì có thể làm miếng dán bị rơi ra.
Trong quá trình sử dụng, người bệnh nên kiểm tra miếng dán thuốc Asenapine thường xuyên để đảm bảo miếng dán vẫn còn dính chặt trên da, đặc biệt là sau khi tắm, vệ sinh, thay quần áo, ngủ hoặc đổ mồ hôi.
Nếu các mép miếng dán bong ra, người bệnh có thể vuốt và ấn chặt chúng trở lại vị trí cũ. Khi miếng dán thuốc Asenapine bong ra trước khi đến thời điểm thay miếng mới, bệnh nhân hãy sử dụng miếng mới ngay lập tức và thay đổi miếng dán mới vào đúng thời điểm đó của ngày hôm sau.
Liều lượng thuốc Asenapine dựa vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe, khả năng đáp ứng điều trị và các thuốc điều trị rối loạn tâm thần khác mà bệnh nhân đang dùng.
Yêu cầu cơ bản của thuốc Asenapine là cần sử dụng thường xuyên, đều đặn để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Một yếu tố quan trọng khác là vẫn sử dụng thuốc Asenapine theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe và suy nghĩ tích cực hơn.
Tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc dán thuốc nhiều hơn chỉ định vì tình trạng bệnh nhân sẽ không cải thiện nhanh hơn mà nguy cơ mắc các tác dụng phụ sẽ tăng lên.
XEM THÊM: Cần làm gì để giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị tâm thần phân liệt?
3. Phản ứng phụ của thuốc Asenapine
Thuốc Asenapine có thể gây nổi mẩn đỏ, ngứa, đau, kích ứng tại vị trí dán thuốc hoặc gây buồn ngủ, chóng mặt, choáng váng và tăng cân... Nếu các tác dụng phụ trên kéo dài hoặc nặng hơn, bệnh nhân hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Chóng mặt, choáng váng có thể làm bệnh nhân dễ bị té ngã. Do đó, để hạn chế vấn đề này người bệnh hãy thay đổi tư thế từ từ, đặc biệt là khi ngồi hoặc nằm và đứng dậy.
Thuốc Asenapine có thể gây ra các bất thường của hệ thần kinh cơ (các triệu chứng thần kinh ngoại tháp). Vì vậy, bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc khác kèm theo để hạn chế vấn đề này.
Nhận biết dấu hiệu thần kinh ngoại tháp thông qua các triệu chứng như cảm giác lo lắng, kích động hoặc bồn chồn, chảy nước dãi hoặc khó nuốt, người bệnh liên tục phải di chuyển, cơ thể rung lắc, xảy ra hiện tượng co cứng cơ hoặc co thắt cơ nghiêm trọng khác (như vẹo cổ, cong lưng, trợn mắt lên).
Thông thường, thuốc Asenapine có thể gây co giật cơ vùng mặt và các cử động mất kiểm soát (gọi là rối loạn vận động muộn). Một số ít trường hợp, tình trạng này có thể kéo dài vĩnh viễn. Thông báo cho bác sĩ khi người bệnh có các dấu hiệu không kiểm soát được như bặm môi, chu miệng, thè lưỡi, nhai hoặc cử động tay chân bất thường.
Thuốc Asenapine có thể làm tăng đường huyết và làm nặng thêm tình trạng bệnh đái tháo đường, đặc biệt là khi bệnh nhân tăng cân. Nhận biết dấu hiệu của tăng đường huyết như khát nước, đi tiểu nhiều hơn.
Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Nếu có bất thường, bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều lượng thuốc kiểm soát đường huyết, thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Một số ít bệnh nhân sử dụng thuốc Asenapine có thể gia tăng hoạt động của hormon prolactin. Đối với nữ giới, điều này có thể dẫn tình trạng tăng tiết sữa bất thường hoặc giảm khả năng mang thai. Đối với nam giới, tăng hiệu quả prolactin có thể làm giảm khả năng tình dục, giảm sản xuất tinh trùng và mắc chứng vú to.
Asenapine và các loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần tương tự, có thể gây đau dương vật hoặc rối loạn cương dương (có thể kéo dài quá 4 giờ). Khi đó, bệnh nhân hãy ngừng sử dụng thuốc và gọi ngay cho cơ sở y tế gần nhất.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác của thuốc Asenapine:
- Ngưng thở khi ngủ;
- Dấu hiệu nhiễm trùng (như đau họng dai dẳng, sốt, ớn lạnh, ho);
- Chóng mặt nghiêm trọng;
- Ngất xỉu;
- Tim đập chậm;
- Co giật.
Thuốc Asenapine có thể gây ra hội chứng ác tính do thuốc an thần (NMS) nhưng tỷ lệ rất thấp. Các dấu hiệu của hội chứng này bao gồm: sốt, cơ co cứng/đau/mềm/yếu, mệt mỏi nghiêm trọng, lú lẫn nặng, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh/không đều, nước tiểu sẫm màu, các dấu hiệu của vấn đề về thận.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Asenapine
Trước khi sử dụng thuốc Asenapine, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ nếu dị ứng với thuốc, các thành phần có trong thuốc hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác.
Một số tiền sử bệnh lý cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc Asenapine:
- Bệnh lý gan;
- Bệnh lý tim mạch (như bệnh mạch vành, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim);
- Đột quỵ;
- Đái tháo đường;
- Tụt huyết áp;
- Động kinh;
- Bệnh lý máu hoặc đông cầm máu;
- Tình trạng mất nước;
- Ung thư vú;
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện;
- Bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ;
- Nuốt khó;
- Ngưng thở khi ngủ.
Thuốc điều trị rối loạn tâm thần Asenapine có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim (chứng QT kéo dài). QT kéo dài có thể gây ra nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều nghiêm trọng (thậm chí gây tử vong) với các dấu hiệu khác như chóng mặt nghiêm trọng, ngất xỉu.
Nguy cơ này tăng lên nếu bệnh nhân có một số bệnh lý tim mạch nhất định hoặc sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến QT. Do đó, trước khi sử dụng thuốc Asenapine, người bệnh phải thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng và một số bệnh lý sau: suy tim, nhịp tim chậm, QT kéo dài trên điện tâm đồ, tiền sử gia đình mắc một số vấn đề về tim (QT kéo dài, đột tử do tim).
Bên cạnh đó, hạ kali máu cũng là một yếu tố gây QT kéo dài, đặc biệt khi bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc đang nôn ói, tiêu lỏng, đổ mồ hôi nhiều gây rối loạn các chất điện giải trong cơ thể.
Thuốc Asenapine có thể gây giảm tiết mồ hôi, tăng thân nhiệt khiến nguy cơ đột quỵ vì nhiệt tăng cao. Do đó hạn chế để thân nhiệt cơ thể tăng quá mức như không làm việc nặng nhọc, tập thể dục dưới thời tiết nóng bức hoặc tắm nước nóng. Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, người bệnh nên uống nhiều nước và ăn mặc thoáng mát.
Một số đối tượng đặc biệt cần lưu ý khi sử dụng thuốc Asenapine:
- Người lớn tuổi nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ, đặc biệt là buồn ngủ, chóng mặt, choáng váng và QT kéo dài;
- Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc Asenapine khi thật cần thiết. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ sử dụng Asenapine có thể có các dấu hiệu như cứng cơ, run rẩy, buồn ngủ, khó bú, khó thở hoặc quấy khóc liên tục... Khi phát hiện các dấu hiệu trên, đặc biệt là trong những tháng đầu của trẻ, người mẹ phải liên hệ ngay với bác sĩ;
- Các bệnh lý tâm thần (như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm) có thể rất nghiêm trọng, cần điều trị liên tục và không được ngưng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép. Vì vậy, bệnh nhân có kế hoạch mang thai, đang mang thai hoặc nghĩ rằng có thể mang thai hãy thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc sử dụng thuốc Asenapine trong thai kỳ;
- Chưa có bằng chứng về việc thuốc Asenapine đi vào sữa mẹ, tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.
5. Tương tác thuốc asenapine
Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến cách thuốc hoạt động, giảm tác dụng chính và tăng nguy cơ các tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng để tìm ra các tương tác bất lợi.
Đồng thời, trong quá trình sử dụng thuốc Asenapine, bệnh nhân không tự ý bắt đầu, tăng liều hoặc ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc Asenapine có thể làm chậm quá trình đào thải các loại thuốc khác khỏi cơ thể của bệnh nhân và tăng tác dụng của loại thuốc đó (ví dụ như paroxetine và các thuốc tương tự).
Một số loại thuốc khác gây buồn ngủ như thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho, thuốc an thần hoặc giảm lo lắng, thuốc giãn cơ hoặc thuốc kháng histamin... cần hạn chế sử dụng chung với Asenapine. Kiểm tra thành phần các sản phẩm đang sử dụng vì chúng có thể chứa các hoạt chất gây buồn ngủ.
Một số dấu hiệu và xét nghiệm như cân nặng, đường huyết, huyết áp, công thức máu toàn bộ, nồng độ cholesterol và triglycerid máu... nên được kiểm tra định kỳ trong quá trình bệnh nhân sử dụng thuốc Asenapine. Bệnh nhân cần ghi nhớ và tuân thủ theo lịch tái khám của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com