Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp

Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp là một trong những biến chứng thường gặp ở những người mắc phải bệnh lý này. Biến dạng khớp không chỉ ảnh khả năng sinh hoạt bình thường mà còn gây mất thẩm mỹ của người bệnh.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng rối loạn tự miễn, bệnh lý này xuất hiện khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô đang khỏe mạnh của cơ thể. Bệnh lý viêm khớp dạng thấp không chỉ gây ảnh hưởng một bên của cơ thể mà bên còn lại cũng bị tương tự. Ví dụ, khi một trong hai khớp ở tay hay chân bị biến dạng khớp thì khớp còn lại ở tay hay chân kia cũng có nguy cơ khá cao gặp phải trình trạng tương tự. Đây là một trong những điểm mà người bệnh cần lưu ý để tránh bị nhầm lẫn với bệnh viêm đau khớp.

Khi bị viêm khớp dạng thấp, các khớp thường xuất hiện phản ứng viêm, khiến màng hoạt dịch sẽ sưng phồng lên trong khớp. Đồng thời, dịch khớp trong viêm khớp dạng thấp cũng sẽ phá hủy hoặc chèn lớp sụn khớp tại nơi này. Bên cạnh đó, viêm màng hoạt dịch còn gây ảnh hưởng đến các dây chằng xung quanh, dần dần khiến dải mô mềm ở đây suy giảm chức năng vốn có. Chính nguyên nhân này khiến khớp bị biến dạng.

2. Các biến dạng khớp thường gặp trong viêm khớp dạng thấp

Khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh không chỉ phải chịu những cơn đau khớp liên tục mà các cơ quan khác của cơ thể cũng bị ảnh hưởng xấu và tổn thương như: tim, mạch máu, phổi mắt,... Ngoài những ảnh hưởng trên thì biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp cũng là một trong những biến chứng mà người bệnh thường phải đối mặt. Những loại biến chứng khớp phổ biến nhất của bệnh lý này bao gồm:

2.1. Biến dạng ngón tay người thợ thùa khuyết

Đây là một trong những tình trạng biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường thấy nhất. Kiểu biến dạng ngón tay thùa khuyết xảy ra khi dây gân bị rách hoặc trượt khỏi vị trí ban đầu. Chính nguyên nhân này khiến cho khớp ngón tay gần với đầu ngón tay nhất luôn ở trạng thái duỗi thẳng, còn khớp ngón tay ở giữa ngón tay thì bị cố định ở tư thế gấp lại như người thợ thùa khuyết. Ngoài viêm khớp dạng thấp thì kiểu biến dạng còn có thể xuất hiện do gãy xương, thoái hóa khớp, đứt gân hoặc trật khớp,...

2.2. Biến dạng cổ thiên nga

Biến dạng cổ thiên nga là kiểu biến dạng mà khớp ngón xa luôn trong tình trạng gấp lại, khớp ngón gần thì duỗi ra tạo thành hình ảnh giống như cổ thiên nga. Viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân phổ biến nhất khiến ngón tay gặp phải tình trạng này.


Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp dạng cổ thiên nga
Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp dạng cổ thiên nga

2.3. Sưng khớp

Sưng khớp do viêm khớp dạng thấp là một trong những biểu hiện thường gặp giai đoạn mới khởi phát bệnh, thường do tràn dịch khớp hoặc sưng phần mềm. Khớp bị sưng có tính chất đối xứng hai bên cơ thể, chủ yếu lan rộng ra ở các khớp nhỏ. Sưng khớp thường kèm theo các cơn đau và nóng, xảy ra liên tục cả ngày, nhất là vào các buổi sáng và khi về đêm. Các cơn đau do vết sưng không thuyên giảm dù người bệnh có nghỉ ngơi.

2.4. Loãng xương

Khi mắc viêm khớp dạng thấp, tỷ lệ bị loãng xương của người bệnh cũng cao hơn ở người bình thường. Theo các nghiên cứu gần đây, nguyên nhân chính gây loãng xương ở người bị viêm khớp dạng thấp là do tác dụng của nhóm thuốc kháng viêm. Loãng xương thường gặp nhiều nhất ở những vùng khớp bị viêm.

2.5. Hội chứng ống cổ tay

Đây là kiểu biến dạng khớp xuất hiện ở phần cổ tay. Tình trạng này khiến dây thần kinh cổ tay bị chèn ép, dẫn đến viêm gân khiến tay tê bì, đau nhức và hạn chế khả năng lao động. Nếu bệnh nhân không điều trị hội chứng ống cổ tay kịp thời tình trạng bệnh sẽ nặng hơn, gây mất cảm giác ở vùng da tay, teo cơ, giảm chức năng vận động tay.

2.6. Biến dạng khớp do các nốt sần (nốt thấp khớp)

Các nốt sần trên khớp thường gặp vào giai đoạn gần cuối của bệnh lý. Lúc này, khớp bắt đầu xuất hiện các nốt sần dị dạng, dính liền với xương nên không di động được, ấn vào không gây đau. Tình trạng biến dạng do nốt sần thường tồn tại ở các điểm áp lực xung quanh khớp như ngón tay, khuỷu tay. Ngoài mọc ở khớp gây biến dạng xương thì các nốt sần dị dạng này còn có thể xuất hiện ở các bộ phận khác trên cơ thể, trong đó có cả phổi.

Hiện nay, việc chữa trị dứt điểm bệnh viêm khớp dạng thấp không phải là điều dễ dàng. Thông thường, người bệnh cần từ 1 - 2 tháng kiên nhẫn theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, cũng một vài trường hợp khác phải điều trị căn bệnh này cả đời. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm để ngăn chặn bệnh tiến triển gây biến dạng khớp là vô cùng cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe