Đau khớp cổ chân là tình trạng sưng tấy ở cổ chân kèm theo triệu chứng đau đớn và khả năng di chuyển bị hạn chế. Tuy đây không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng người bệnh vẫn cần được tư vấn và điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Đau khớp cổ chân là bệnh gì?
Khớp cổ chân là bộ phận kết nối giữa cẳng chân và bàn chân, gồm đầu xương, mô sụn, chất hoạt dịch, mạch máu, dây thần kinh, gân và dây chằng. Đau khớp cổ chân là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp cổ chân, lupus ban đỏ...
Đau khớp cổ chân cần phải được phát hiện sớm, dù là đau nhẹ hay nặng. Tuy nhiên, bệnh có thể được chữa trị hoàn toàn, tránh tái phát nếu kết hợp với việc chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp và duy trì lối sống lành mạnh.
2. Nguyên nhân gây đau khớp cổ chân không sưng
Khớp cổ chân được tạo thành từ nhiều xương tiếp khớp với nhau, bao gồm xương chày, xương mác, xương sên, xương gót, xương ghe, xương hộp và xương bàn chân, được bao quanh, cố định bởi một hệ thống các dây chằng và gân cơ.
Khớp cổ chân là một loại khớp khá linh hoạt, giúp con người di chuyển qua lại. Do đó, khớp cổ chân thường phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể dồn xuống chân khi đứng.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau khớp cổ chân, bao gồm chấn thương, bong gân, viêm gân, viêm khớp cổ chân, thoái hóa khớp cổ chân, và hội chứng ống cổ chân. Những nguyên nhân như chấn thương, căng gân, viêm khớp cổ chân thường đi kèm với các triệu chứng như sưng và đau ở khớp cổ chân.
2.1 Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân phát sinh khi dây chằng hoặc các dây thần kinh xung quanh khớp cổ chân bị chèn ép, dẫn tới đau mãn tính. Các nhóm người dễ mắc hội chứng ống cổ chân nhất bao gồm vũ công, vận động viên nhảy cao và vận động viên bóng chuyền.
Khớp cổ chân uốn cong liên tục, căng giãn khi đi bộ có thể chèn ép dây thần kinh và gân. Triệu chứng khác có thể gặp gồm sự cứng khớp, tê hoặc ngứa chân. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng sưng khớp cổ chân kèm theo cảm giác đau.
2.2 Thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp cổ chân thường xảy ra với người trên 40 tuổi và những người đã từng chịu chấn thương ở vùng cổ chân trước đó. Bệnh thường phát triển chậm và khó có thể nhận biết sớm do triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, khi tình trạng thoái hóa khớp cổ chân trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ thấy đau nhức ở khớp cổ chân nhiều hơn và có cảm giác không thoải mái khi di chuyển.
Bệnh nhân sẽ thấy cứng khớp vào buổi sáng khi thức dậy, nhưng nếu vận động một thời gian thì tình trạng này sẽ giảm.
Cơn đau nhói có thể xuất hiện đột ngột, khi bệnh nhân vận động quá sức hoặc khi bệnh nhân ấn vào vùng khớp bị tổn thương hay va đập. Cường độ cơn đau từ nhẹ đến nặng và mức độ có thể tăng lên khi bệnh nhân vận động và giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
Khi bị đau, những gì bệnh nhân cần làm là hạn chế biên độ di chuyển của khớp cổ chân. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này trong thời gian dài, bệnh nhân có thể bị teo cơ, cứng khớp, và trong một số trường hợp, gặp tình trạng biến dạng khớp cổ chân.
Thoái hóa khớp cổ chân cũng có thể gây ra tình trạng đau khớp cổ chân, với các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, và mức độ đau tăng dần ở khớp cổ chân và ở bàn chân. Bệnh nhân sẽ bị tràn dịch khớp và bị đau suốt ngày.
Mặc dù bệnh thoái hóa khớp cổ chân không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng di chuyển của người bệnh.
Thoái hóa khớp cổ chân có thể gây ra một loạt các vấn đề sau:
- Đau nhức khó chịu: Khi sụn khớp bị thoái hóa, các đầu xương dưới sụn lộ ra, gây đau nhức dữ dội khi vận động. Đôi khi, đau khớp cổ chân còn hình thành nên các gai xương chèn ép vào dây thần kinh và gân cơ xung quanh, tạo cảm giác đau với các bộ phận khác trên cơ thể.
- Teo cơ, tàn phế chi dưới: Nếu tình trạng đau khớp cổ chân không được khắc phục kịp thời, bệnh nhân có thể bị teo cơ, khớp bị biến dạng không thể hồi phục, dẫn đến tình trạng liệt chân, tàn phế, mất khả năng vận động và di chuyển.
- Các biến chứng khác bao gồm: Biến dạng khớp, trật khớp, dáng đi lại bất thường, và các mảnh vỡ của sụn khớp có thể làm kẹt khớp hoặc tổn thương các phần mềm xung quanh khớp.
3. Bị đau khớp cổ chân không sưng có cần đi khám không?
Nếu bệnh nhân cảm thấy đau khớp cổ chân mà không có triệu chứng sưng thì người bệnh cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức để tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng cách, kịp thời.
Khác với các khớp khác như khớp gối hoặc khớp háng, phẫu thuật thay thế khớp cổ chân thường bị hạn chế hoặc không thể thực hiện được. Do đó, nếu bị thoái hóa nặng ở khớp cổ chân, bệnh nhân sẽ khó phục hồi được như thường.
Bác sĩ cũng có lời khuyên rằng bệnh nhân nên chọn giày phù hợp, không quá rộng hoặc quá chật; và tránh sử dụng giày cao gót hàng ngày để giúp ngón chân và khớp cổ chân được nghỉ ngơi.
Nếu bệnh nhân có tật bàn chân bẹt hoặc vòm bàn chân cao, hãy liên hệ với bác sĩ để nghe tư vấn về chỉnh hình y khoa nhằm ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp tiềm ẩn.
4. Cách chẩn đoán
Chẩn đoán đau khớp cổ chân chủ yếu dựa trên các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Bản chất của bệnh là một loạt các triệu chứng gây ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó, để xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh thì cần tiến hành chẩn đoán.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng, trong quá trình này, bác sĩ kiểm tra tình trạng viêm sưng và khả năng di chuyển của khớp cổ chân khi đi lại, xoay và duỗi chân.
Bệnh nhân cũng cần cung cấp thông tin chi tiết về tiền sử bệnh của mình và tình trạng sức khỏe hiện tại để bác sĩ có thể đánh giá tổng quan. Dựa trên kết quả chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh chi tiết hơn, nhằm kiểm tra mức độ tổn thương của khớp và sụn cổ chân.
Các phương pháp chẩn đoán đau khớp cổ chân bao gồm:
- Chụp X-quang: Dùng để quan sát tình trạng của sụn khớp và kiểm tra xem sụn khớp có gai xương hay không.
- Chụp MRI: Hình ảnh hiển thị chi tiết về tình trạng của khớp, sụn và các mô mềm xung quanh khớp xương như dây chằng và gân.
- Xét nghiệm máu: Thường được thực hiện trong những trường hợp nguyên nhân gây ra đau khớp cổ chân do các bệnh tự miễn hoặc rối loạn chuyển hóa như bệnh Gout.
5. Cách điều trị
Đau khớp cổ chân cần được điều trị tùy thuộc vào mức độ viêm và nguyên nhân cụ thể của từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc nội khoa: Sử dụng các loại thuốc giảm đau và chống viêm để giảm các triệu chứng như đau và cứng khớp cho bệnh nhân.
- Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Sử dụng thuốc tác động đến cơ chế gây ra đau khớp cổ chân, nhằm hạn chế việc tái phát bệnh.
- Tiêm tại chỗ: Đặc biệt áp dụng cho các trường hợp viêm khớp cấp tính, bằng cách tiêm thuốc chống viêm vào vị trí bị viêm.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu: Thường được sử dụng cho các trường hợp viêm khớp cổ chân mãn tính.
- Tiêm collagen vào khớp: Giúp giảm viêm, ngăn ngừa sự phá hủy mô sụn và bổ sung chất dịch nhờn cho khớp.
Ngoài các phương pháp trên, để thúc đẩy quá trình phục hồi và cải thiện chức năng của khớp tốt hơn, bệnh nhân nên kết hợp vật lý trị liệu và lập chế độ dinh dưỡng phù hợp.
6. Cách phòng tránh
Để phòng tránh đau khớp cổ chân, bệnh nhân nên giữ lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhằm củng cố hệ thống miễn dịch và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Cả những người đã từng mắc bệnh đau khớp cổ chân và những người chưa từng mắc bệnh cũng nên tuân thủ những nguyên tắc này để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Các biện pháp phòng tránh bao gồm:
- Khởi động kỹ và tránh sai tư thế trong các hoạt động thể thao, đặc biệt là những môn thể thao tác động nhiều đến cổ chân như bóng rổ, bóng đá, chạy bộ.
- Hạn chế việc mang vác vật nặng và ưu tiên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ cần thiết.
- Một số chuyên gia y tế khuyến khích bơi lội - một môn thể thao tốt cho sức khỏe tổng thể. Bơi lội giúp cải thiện hệ tuần hoàn máu, giảm tốc độ thoái hóa khớp và tăng cường chức năng cơ xương khớp hiệu quả.
- Vận động hàng ngày, tập thể dục đều đặn để củng cố hệ thống miễn dịch.
- Kiểm soát cân nặng, tránh để bản thân thừa cân và béo phì.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng các chất đa lượng như đạm, chất béo, tinh bột, cũng như các chất vi lượng như vitamin và khoáng chất.
- Bổ sung canxi từ các nguồn thực phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, hạt và đậu, quả sung, v.v.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.