Ung thư vú hiện là ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, vì vậy, nắm bắt nguyên nhân ung thư vú là chìa khóa giúp nữ giới phát hiện căn bệnh quái ác này sớm nếu có dấu hiệu lạ thường và phòng tránh hiệu quả. Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh ung thư vú, mọi người hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn thêm.
Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Bệnh ung thư vú là gì?
Ung thư vú hình thành từ sự phát triển bất thường của các tế bào trong vú. Đây là loại ung thư phổ biến thứ hai được chẩn đoán ở phụ nữ Hoa Kỳ, chỉ sau ung thư da. Mặc dù hiếm gặp hơn, ung thư vú cũng có thể xảy ra ở nam giới.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư vú, việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh này đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vú ngày càng cao, trong khi số ca tử vong do ung thư vú lại giảm. Những thành tựu này có được chủ yếu nhờ vào việc phát hiện bệnh sớm, phương pháp điều trị cá nhân hóa tiên tiến và sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về căn bệnh này.
2. Nguyên nhân ung thư vú và các yếu tố nguy cơ
Ung thư vú xuất hiện khi một số tế bào vú phát triển bất thường, phân chia nhanh hơn tế bào khỏe mạnh và tích tụ thành khối u. Các tế bào ung thư này có thể di căn qua vú đến các hạch bạch huyết hoặc di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú
Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.
Bài dịch từ: webmd.com
Ung thư vú có thể hình thành từ nhiều vị trí khác nhau trong vú. Vị trí khởi phát phổ biến nhất là các ống dẫn tiết sữa (ung thư biểu mô ống xâm lấn). Trong một số trường hợp ít gặp hơn, nguyên nhân ung thư vú có thể bắt đầu từ các mô tuyến được gọi là tiểu thuỳ (ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn) hoặc từ các tế bào, mô khác trong vú.
Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú bao gồm nội tiết tố, lối sống và môi trường xung quanh. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được nguyên nhân ung thư vú ở những người không có các yếu tố nguy cơ trên, trong khi một số người có các yếu tố nguy cơ gây bệnh lại không mắc bệnh. Điều này cho thấy nguyên nhân ung thư vú có thể là do sự tác động phức tạp giữa gen di truyền và môi trường sống.
2.1 Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú cố định, không thay đổi được
2.1.1 Yếu tố giới tính, tuổi tác
Phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao hơn nam giới, chiếm hơn 99% các trường hợp. Nguy cơ này tăng dần theo độ tuổi, nhất là sau 50 tuổi. Mặt khác, nam giới cũng có thể mắc bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ chỉ khoảng 1%.
2.1.2 Đột biến gen
Khoảng 5 đến 10% trường hợp ung thư vú là do đột biến gen, được di truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Đột biến ở hai gen: BRCA1 và BRCA2 làm tăng nguy cơ hình thành ung thư vú.
Theo kết quả nghiên cứu, phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú khi còn trẻ, cũng như các loại ung thư khác như ung thư buồng trứng. Ngoài ra, nam giới mang đột biến gen này cũng có nguy cơ cao mắc ung thư vú và một số ung thư khác. Nguy cơ mắc ung thư vú trong các trường hợp đột biến gen này sẽ càng tăng nếu trong gia đình càng có nhiều người mắc bệnh.
Xét nghiệm gen di truyền là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện sớm nguy cơ ung thư vú. Nhờ khả năng xác định các đột biến gen liên quan như BRCA1, BRCA2, PTEN, TP53,... xét nghiệm này được chỉ định cho phụ nữ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hoặc có nguy cơ cao do yếu tố di truyền (tiền sử gia đình).
2.1.3 Yếu tố di truyền
Nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ tăng gấp 2 lần nếu người đó có một người thân thế hệ thứ nhất (mẹ, chị gái, con gái) mắc bệnh và gấp 3 lần nếu có hai người thân mắc bệnh.
Ngoài ra, phụ nữ đã từng mắc ung thư vú ở một bên vú cũng có nguy cơ cao phát triển ung thư vú mới ở bên vú còn lại hoặc ở vị trí khác của cùng một vú (không phải do tái phát của bệnh ung thư trước đó).
2.1.4 Dậy thì sớm và mãn kinh muộn
Nữ giới bắt đầu hành kinh sớm (trước 12 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Lý do là vì những người này tiếp xúc với hormone estrogen và progesterone trong thời gian dài hơn.
2.1.5 Chiều cao
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phụ nữ cao có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ thấp. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ này vẫn chưa được giải thích chính xác, nhưng có thể liên quan đến yếu tố như dinh dưỡng, nội tiết tố hoặc di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển ban đầu của cơ thể.
2.1.6 Có mô vú dày
Vú cấu tạo từ mô mỡ, mô xơ và mô tuyến. Mô vú được xem là dày khi chụp X-quang tuyến vú thấy mô tuyến và mô xơ nhiều hơn mô mỡ. So với phụ nữ có mật độ mô vú trung bình, phụ nữ có mật độ mô vú dày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, mô vú dày cũng là nguyên nhân ung thư vú khó phát hiện hơn trên phim chụp X-quang.
2.1.7 Mắc bệnh vú lành tính
Bệnh vú lành tính không phải là nguyên nhân ung thư vú. Tuy nhiên, người mắc các bệnh vú lành tính cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường. Các bác sĩ thường phân loại các bệnh lý vú lành tính thành nhiều nhóm dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đến nguy cơ ung thư vú, bao gồm:
- Tổn thương không tăng sinh ít khi dẫn đến ung thư vú hoặc nếu có thì nguy cơ là rất thấp.
- Viêm vú không phải khối u và cũng không phải là nguyên nhân ung thư vú.
- Tổn thương tăng sinh điển hình là tình trạng các tế bào trong ống dẫn hoặc tiểu thùy của vú phát triển quá mức nhưng không có dấu hiệu bất thường. Nhóm tổn thương này có thể là nguyên nhân ung thư vú.
- Tổn thương tăng sinh không điển hình là tình trạng các tế bào trong vú phát triển quá mức và một số tế bào có hình dạng bất thường. Phụ nữ có tổn thương này có nguy cơ ung thư vú cao hơn 4-5 lần so với bình thường. Nguy cơ càng cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.
2.1.8 Xạ trị vùng ngực
Phụ nữ khi đã từng xạ trị ở ngực để điều trị một loại ung thư khác khi còn trẻ cũng có thể gia tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú. Nguy cơ hình thành thành ung thư vú càng tăng nếu đã từng xạ trị vùng ngực ở độ tuổi thiếu niên hoặc thanh niên, khi tuyến vú còn đang phát triển. Thông thường, trường hợp xạ trị vùng ngực sau 40 tuổi sẽ không tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
2.2 Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú có thể thay đổi
Ngoài những yếu tố nguy cơ ung thư vú không thể thay đổi như di truyền, tuổi tác, v.v., còn có những nguyên nhân ung thư vú liên quan đến lối sống mà chị em phụ nữ có thể kiểm soát để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
2.2.1 Lạm dụng rượu bia
Rượu bia từ lâu đã được khoa học chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiều loại ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Người phụ nữ khi uống 1 ly rượu mỗi ngày thì có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú khoảng từ 7 đến 10% so với một người không sử dụng và nguy cơ này cao khoảng 20% nếu sử dụng từ 2 cho đến 3 ly rượu mỗi ngày
2.2.2 Béo phì
Phụ nữ béo phì sau mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn do hai yếu tố chính:
- Mô mỡ dư thừa: Sau khi mãn kinh, buồng trứng không còn sản xuất estrogen. Tuy nhiên, ở phụ nữ béo phì, lượng mô mỡ dư thừa tiếp tục sản xuất estrogen, dẫn đến tăng nồng độ hormone này trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Mức insulin cao: Phụ nữ thừa cân thường có mức insulin trong máu cao hơn so với mức bình thường và điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
2.2.3 Không sinh con và cho con bú
Phụ nữ sinh con đầu lòng sau 30 tuổi hoặc không sinh con cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao. Theo nghiên cứu, nguy cơ ung thư vú có thể tăng cao trong 10 năm đầu tiên sau khi sinh và sau đó giảm dần theo thời gian.
Bên cạnh đó, cho con bú có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là khi kéo dài trong một năm hoặc hơn. Lý do được giải thích là do việc cho con bú giúp giảm tổng số chu kỳ kinh nguyệt trong cuộc đời phụ nữ.
2.2.4 Sử dụng biện pháp tránh thai
Một số biện pháp tránh thai sử dụng hormone như thuốc tránh thai, tiêm progesterone liều cao, cấy que tránh thai, đặt dụng cụ tử cung (IUD), sử dụng miếng dán tránh thai và đặt vòng âm đạo được cho là nguyên nhân ung thư vú.
3. Triệu chứng có thể xảy ra
Ngoài nguyên nhân ung thư vú, mọi người cần tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh để có thể nhận biết bệnh sớm. Ung thư vú có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau, bao gồm:
- Cảm nhận được khối u hoặc mô vú dày lên khác biệt so với các khu vực xung quanh.
- Vú có thể to hơn hoặc nhỏ hơn bình thường, hoặc có hình dạng bất thường.
- Thay đổi bất thường trên da vú.
- Núm vú có thể bị thụt vào trong vú.
- Bong tróc, đóng vảy hoặc sần sùi, bong tróc vùng sắc tố da xung quanh núm vú (quầng vú) hoặc trên da vú.
- Da vùng vú có màu đỏ và bị rỗ, tương tự như vỏ cam.
- Chảy dịch núm vú.
Tuy ung thư vú nguy hiểm nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Do vậy, bất kỳ ai khi cảm nhận có khối u hoặc thay đổi bất thường ở vú, kể cả khi kết quả chụp nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú) gần đây cho thấy kết quả bình thường, hãy lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp gói tầm soát ung thư vú tiên tiến, giúp phát hiện sớm ung thư vú ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Gói tầm soát ung thư vú tại Vinmec dành cho:
- Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
- Người có nhu cầu tầm soát ung thư vú.
- Người có nguy cơ cao mắc ung thư vú, đặc biệt là người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh.
- Phụ nữ có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như đau vú, có u vú,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ