Thỉnh thoảng có thể có bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đặt câu hỏi: liệu người bệnh ung thư phổi có được ăn thịt gà không, hay phải “kiêng” ăn thịt. Câu trả lời chung là việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không những giúp hỗ trợ điều trị bệnh mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tay hãy cùng tìm hiểu lợi ích cũng như những lưu ý khi người bệnh áp dụng thịt gà vào dinh dưỡng hàng ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Dinh dưỡng từ thịt gà
Trước khi giải đáp thắc mắc ung thư phổi có ăn được thịt gà không, hãy cùng tìm trong thịt gà có những dưỡng chất gì.
Thịt gà được biết đến là một trong những loại thực phẩm thuộc nhóm thịt trắng, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nhờ vào các lợi ích sức khỏe mà thực phẩm này mang lại. Thịt gà giàu protein, chứa lượng chất béo thấp và bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm. Đặc biệt, nhờ vào các axit không bão hòa, thịt gà còn có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Do đó, thịt gà là lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm một chế độ ăn uống lành mạnh.
Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100g thịt gà có chứa các dưỡng chất quan trọng sau:
- Năng lượng: 239 calo
- Chất béo bão hòa: 3,8g
- Natri: 82 mg
- Kali: 223 mg
- Protein: 27g
- Sắt: 1,3 mg
- Vitamin B6: 0,4 mg
- Magie: 23mg
- Canxi: 15 mg
- Vitamin D: 2 IU
- Vitamin B12: 0,3 µg
Hàm lượng dinh dưỡng trong thịt gà có thể thay đổi tùy theo phương pháp chế biến và từng bộ phận của con gà. Ví dụ, phần ức và đùi thường chứa nhiều protein hơn. Tuy nhiên, nấu ở nhiệt độ cao có thể làm giảm các chất dinh dưỡng và làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể. Do đó, việc lựa chọn cách chế biến thịt gà phù hợp là rất quan trọng để duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
2. Người mắc bệnh ung thư phổi có ăn được thịt gà không?
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào xác nhận rằng ăn thịt gà có thể ảnh hưởng xấu thêm tình trạng ung thư phổi. Trái lại, thịt gà là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Niacin - một loại vitamin thiết yếu có trong thịt gà, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do có hại, từ đó bảo vệ tế bào và mô khỏi bị tổn thương.
Vậy người bị ung thư phổi được phép ăn thịt gà chứ không cần phải kiêng ăn loại thịt này. Người bệnh nên bổ sung thịt gà vào chế độ ăn uống hàng ngày với lượng vừa phải bởi bệnh ung thư có thể tiến triển nhanh và ảnh hưởng đến chuyển hóa của cơ thể, nên cơ thể cần lượng protein bổ sung qua nguồn thịt động vật.
Ăn thịt gà có thể hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân ung thư phổi, giúp họ phục hồi nhanh chóng và duy trì sức khỏe tốt để tiếp tục điều trị lâu dài. Tuy nhiên, nên tránh các bộ phận như gan, da vì có thể chứa nhiều cholesterol và dễ tích tụ vi khuẩn.
3. Người bị ung thư phổi cần lưu ý những gì khi sử dụng thịt gà?
Như vây người bệnh ung thư phổi được phép ăn thịt gà, tuy nhiên cần lưu ý một số điều quan trọng sau để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của chế độ dinh dưỡng.
3.1 Sử dụng sao cho phù hợp
Thịt gà rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên đối với người mắc bệnh ung thư phổi, chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để thiết lập một chế độ ăn phù hợp, tránh làm việc quá tải cho hệ tiêu hóa.
Chất béo và cholesterol trong thịt gà nếu không được tiêu thụ hết có thể tích tụ dưới da hoặc trong nội tạng, gây hại cho sức khỏe. Điều này không những làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh khác mà còn có thể khiến các tế bào ung thư phổi hoạt động mạnh hơn, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như di căn hoặc xuất huyết.
3.2 Không nên sử dụng thịt gà chế biến sẵn
Cần hạn chế tiêu thụ các loại thịt gà đã qua chế biến sẵn như muối ủ, xông khói, ướp gia vị hoặc sấy khô. Những sản phẩm này thường chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia không có lợi cho sức khỏe. Sử dụng gà trong chế độ ăn thường xuyên có thể gây ra các vấn đề cho hệ tiêu hóa cũng như gan và thận. Các chất phụ gia này có thể kích thích cơ thể sản sinh các gốc tự do gây hại, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển các tế bào ung thư.
Thêm vào đó, các thực phẩm chế biến khô còn có thể gây khó tiêu, đầy bụng và làm quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa thực phẩm chế biến sẵn là điều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
3.3 Chế biến thịt gà
Người bệnh cần chế biến thịt gà theo cách giữ được nhiều dinh dưỡng nhất và tốt cho quá trình hấp thu. Nên tránh các phương pháp nấu ăn như chiên, rán, hoặc nướng vì nhiệt độ cao có thể phá hủy hoặc thay đổi các hoạt chất dinh dưỡng trong thịt gà, từ đó gây hại cho sức khỏe.
Các món ăn được chế biến với nhiều dầu mỡ không chỉ làm tăng nhanh lượng chất béo và cholesterol trong cơ thể mà còn là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe như xơ vữa động mạch, tiêu hóa kém và các vấn đề về tim, gây suy giảm sức đề kháng.
Đặc biệt, nấu ở nhiệt độ cao có thể khiến thịt gà bị cháy xém hoặc nướng tạo ra khói chứa khí CO độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, khiến tình trạng ho của người bệnh nặng hơn và thúc đẩy sự phân chia của các tế bào ung thư, làm tăng nguy cơ di căn.
Bài viết trên đã giải đáp thắc ung thư phổi có ăn được thịt gà không cũng như cung cấp những điều cần lưu ý và các chế biến thịt gà an toàn và hiệu quả cho người mắc bệnh ung thư phổi. Đồng thời, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ để xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp và an toàn là vô cùng quan trọng để kiểm soát bệnh tình và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.