Ung thư dạ dày tiến triển trong bao lâu? Bệnh ung thư dạ dày bắt đầu hình thành ở lớp niêm mạc, dần dần phát triển thành khối u với tính chất chậm rãi trong nhiều năm. Do đó, nếu có các triệu chứng bệnh cùng với các yếu tố nguy cơ khác thì bạn cần đi khám để được sàng lọc và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
1. Nguyên nhân nào gây bệnh ung thư dạ dày?
Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày chưa được biết chính xác nhưng yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được xác định. Trong đó, phổ biến nhất là vi khuẩn H.pylori gây loét dạ dày, tình trạng viêm dạ dày gây thiếu máu kéo dài và polyp dạ dày. Ngoài ra, sự phát triển của ung thư dạ dày còn có thể xảy ra dưới tác động của một số yếu tố khác gồm:
- Hút thuốc
- Thừa cân hoặc béo phì
- Chế độ ăn nhiều thực phẩm hun khói, muối chua hoặc mặn
- Phẫu thuật loét dạ dày
- Nhóm máu A
- Nhiễm vi rút Epstein-Barr
- Một số loại gen nhất định
- Làm việc trong các ngành công nghiệp than, kim loại, gỗ hoặc cao su
- Tiếp xúc với amiăng
Trắc nghiệm: Bạn có biết những sự thật này về dạ dày không?
Hoạt động của dạ dày là một hoạt động quan trọng giúp cơ thể dung nạp và chuyển hóa dinh dưỡng từ thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về dạ dày cũng như các vấn đề xoay quanh hoạt động tiêu hóa thức ăn của nó. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài trắc nghiệm dưới đây.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Bệnh ung thư dạ dày tiến triển nhanh như thế nào?
Ngay từ sớm, sự tiến triển của ung thư dạ dày đã có thể gây ra các triệu chứng như:
- Khó tiêu
- Cảm thấy đầy hơi sau bữa ăn
- Ợ nóng
- Buồn nôn nhẹ
- Ăn mất ngon
Chỉ bị khó tiêu hoặc ợ chua sau bữa ăn không có nghĩa là bị ung thư. Tuy nhiên, đây là những triệu chứng ban đầu của ung thư, do đó, để thận trọng bạn nên đi khám để điều trị các triệu chứng này, tránh làm tình trạng xấu đi, có thể tạo điều kiện cho ung thư dạ dày tiến triển.
Khi khối ung thư dạ dày tiến triển, bạn có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Đau bụng
- Máu trong phân
- Nôn mửa
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Khó nuốt
- Da hoặc mắt hơi vàng
- Chướng bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Suy nhược hoặc cảm thấy mệt mỏi
- Ợ nóng
Sự phát triển ung thư dạ dày diễn ra chậm rãi trong nhiều năm, ứng với mỗi giai đoạn lại có những mức độ xâm lấn khác nhau của tế bào ung thư, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 0: Giai đoạn 0 dùng để chỉ một nhóm tế bào bất thường có thể chuyển thành ung thư trong lớp niêm mạc của dạ dày. Ở giai đoạn này, phẫu thuật thường có thể chữa dứt điểm bệnh. Khi đó, một phần hoặc toàn bộ dạ dày cùng với các hạch bạch huyết gần đó có thể bị cắt bỏ.
- Giai đoạn I: Giai đoạn I dùng để chỉ một khối u trong niêm mạc dạ dày và có khả năng ung thư dạ dày tiến triển di căn vào các hạch bạch huyết. Cũng như giai đoạn 0, giải pháp được sử dụng cho giai đoạn I là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận. Ngoài ra, hóa trị hoặc xạ trị có thể được sử dụng phối hợp trước và sau khi phẫu thuật với mục đích lần lượt là thu nhỏ khối u và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
- Giai đoạn II: Ở giai đoạn II, các tế bào ung thư đã lan vào các lớp sâu hơn của dạ dày và có thể ung thư dạ dày tiến triển di căn vào các hạch bạch huyết gần đó. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày cũng như các hạch bạch huyết gần đó vẫn là phương pháp điều trị chính. Hóa trị và xạ trị trước và sau phẫu thuật cũng được sử dụng để điều trị phối hợp.
- Giai đoạn III: Ở giai đoạn III, tế bào ung thư có thể đã lan đến tất cả các lớp của dạ dày và di căn đến các cơ quan gần đó như lá lách hoặc đại tràng. Cấu tạo của tế bào ung thư có thể nhỏ hơn, len lỏi sâu hơn và hệ thống bạch huyết của bạn. Phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị thường được sử dụng cho giai đoạn này. Khả năng chữa khỏi có thể có, nếu không, ít nhất nó có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh. Nếu cơ thể quá yếu để có thể phẫu thuật, bạn có thể được đề nghị hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả hai, tùy vào mức độ đáp ứng của cơ thể.
- Giai đoạn IV: Trong giai đoạn cuối này, ung thư dạ dày tiến triển di căn đã xa và rộng đến các cơ quan như gan, phổi hoặc não. Việc điều trị trở nên rất khó khăn, nhưng bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh và giảm bớt các triệu chứng bệnh.
Nếu khối u chặn một phần của hệ tiêu hóa, bạn có thể được đề nghị sử dụng các biện pháp sau:
- Thực hiện thủ thuật phá hủy một phần khối u bằng tia laser trên ống nội soi dạ dày
- Đặt stent giữa dạ dày và thực quản hoặc dạ dày và ruột non
- Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày để tạo đường xung quanh khối u.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày
- Hóa trị, xạ trị hoặc cả hai cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn này.
- Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc tấn công các tế bào ung thư, nhưng không gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, điều này có thể gây ít tác dụng phụ hơn.
3. Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày thường không được bác sĩ đề nghị kiểm tra định kỳ vì đây là bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu bạn là người có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách để bạn theo dõi bệnh.
Để chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ bắt đầu với việc khám sức khỏe, hỏi tiền sử bệnh để tìm hiểu liệu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào không, tiền sử gia đình có mắc bệnh ung thư không. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu ung thư trong cơ thể.
- Nội soi dạ dày thông qua ống nội soi để quan sát hoạt động của dạ dày
- Chụp X quang cản quang ống tiêu hóa trên với Barium để hình ảnh dạ dày được hiện lên rõ ràng hơn
- Chụp CT: Sử dụng một loại tia X cực mạnh để chụp ảnh chi tiết bên trong cơ thể
- Sinh thiết: Một mẩu mô nhỏ ở dạ dày sẽ được lấy ra để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm tế bào ung thư. Sinh thiết thường được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày.
4. Ngăn ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?
- Điều trị nhiễm trùng dạ dày: Nếu bạn bị loét do nhiễm H. pylori, hãy tiến hành điều trị. Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn và các loại thuốc khác sẽ chữa lành vết loét trong niêm mạc dạ dày để giảm nguy cơ ung thư.
- Ăn uống lành mạnh: Thêm trái cây tươi và rau quả vào chế độ ăn uống mỗi ngày. Chúng giàu chất xơ và một số vitamin có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Tránh các thực phẩm quá mặn, ngâm chua, muối hoặc hun khói như xúc xích, thịt chế biến sẵn cho bữa trưa hoặc pho mát hun khói. Giữ cân nặng ở mức hợp lý vì thừa cân hoặc béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Đừng hút thuốc: Nguy cơ ung thư dạ dày tăng gấp đôi nếu bạn sử dụng thuốc lá
- Theo dõi việc sử dụng aspirin hoặc NSAID: Nếu bạn dùng aspirin hàng ngày để ngăn ngừa các vấn đề về tim hoặc thuốc NSAID cho bệnh viêm khớp, hãy nói chuyện với bác sĩ để ngăn ngừa gây ảnh hưởng của những loại thuốc này đến dạ dày.
Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Việc thăm khám và phát hiện bệnh từ sớm sẽ đem lại cơ hội điều trị bệnh tốt hơn, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang tiếp tục trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI..., xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử, cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị đích, thuốc điều trị miễn dịch tiên tiến nhất trong điều trị ung thư. Điều trị ung thư đa mô thức từ phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, ghép tế bào gốc tạo máu, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, các điều trị mới như liệu pháp miễn dịch tự thân, nhiệt trị...
Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Quá trình điều trị luôn được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa để đem lại hiệu quả cũng như sự thoải mái cao nhất cho người bệnh. Sau khi trải qua giai đoạn điều trị, bệnh nhân cũng sẽ được theo dõi, tái khám để nhận định việc điều trị ung thư có đem lại hiệu quả hay không?
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com