Tỷ lệ mắc phải và tần suất lưu hành của bệnh tiểu đường hay còn được gọi là đái tháo đường (ĐTĐ) ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia công nghiệp hóa trong những năm gần đây. Khoảng 30 -70% bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có những biểu hiện ngoài da trong quá trình diễn tiến mạn tính của bệnh.
1. Các biểu hiện ngoài da có liên quan đến bệnh tiểu đường
Nội tiết tố insulin rối loạn và nồng độ đường huyết trong máu tăng ở bệnh nhân tiểu đường dẫn tới những bất thường về chuyển hóa, mạch máu, thần kinh và miễn dịch. Các cơ quan có thể bị tổn thương do tiểu đường là tim mạch, thận, hệ thống thần kinh, mắt và da. Nhiều bệnh nhân chỉ có được chẩn đoán xác định mắc bệnh tiểu đường khi các cơ quan nội tạng nói trên bị tổn thương. Việc nhận biết các nguy cơ có thể xảy ra sự bất thường trong biến dưỡng carbohydrate sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường sớm và phòng ngừa các biến chứng. Những biểu hiện ở da có thể giúp phát hiện bệnh tiểu đường trong khi bệnh tiểu đường cũng có thể làm nặng hơn các bệnh lý ngoài da. Trong quá trình diễn tiến mạn tính của bệnh, có khoảng 30 -70% bệnh nhân tiểu đường có những biểu hiện ngoài da.
Dưới đây là một số biểu hiện ngoài da có liên quan đến bệnh tiểu đường:
Bàn chân tiểu đường (DIABETIC FOOD)
Là tình trạng bàn chân có những vết loét do hậu quả của đái tháo đường kết hợp với bệnh lý thần kinh ngoại biên (60-70%), sự thiếu máu do viêm mạch máu ngoại vi dẫn đến tình trạng thiếu máu (15-20%) hoặc do cả 2 nguyên nhân trên. Viêm loét có thể xảy ra ở những vị trí chịu sức ép ở bàn chân, thậm chí gây biến chứng nhiễm trùng và hoại thư.
Bệnh da do tiểu đường: (DIABETIC DERMOPATHY)
Sang thương da do tiểu đường khiến da màu hơi đỏ nâu. Đây là bệnh lý mạch máu nhỏ, là dấu hiệu ngoài da phổ biến nhất của bệnh tiểu đường và thường có trên 50% bệnh nhân mắc tiểu đường, xảy ra ở nam giới nhiều gấp 2 lần nữ. Vị trí sang thương thường xuất hiện: cẳng chân, đôi khi có ở đùi, cánh tay. Biến chứng bệnh lý mạch máu do tiểu đường có thể xuất hiện ở những bệnh nhân tiểu đường có sang thương da do bệnh lý mạch máu nhỏ đặc hiệu, chẳng hạn như: retinopathy, neuropathy, nephropathy.
Hoại tử mỡ do bệnh tiểu đường: (NECROBIOSIS LIPOIDICA)
Hoại tử mỡ do tiểu đường xuất hiện ở khoảng 1% bệnh nhân ĐTĐ, >70% bệnh nhân là phái nữ. Nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ nhưng có thể do tình trạng viêm các mạch máu nhỏ trong bệnh ĐTĐ. Bệnh nhân mắc tiểu đường phụ thuộc insulin có thể có các sang thương hoại tử mỡ rất sớm, trung bình ở độ tuổi 22. Trong khi đó, chúng xuất hiện trễ hơn ở những bệnh nhân mắc tiểu đường không phụ thuộc insulin hay ở những người không bị ĐTĐ, trung bình ở độ tuổi 49.
Ngứa da bàn chân do tiểu đường: (ACQUIRED ICHTHYOSIFORM CHANGES OF THE SHIN)
Đây là một trong những biểu hiện da thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt tình trạng này xuất hiện ở 50% bệnh nhân trẻ bị tiểu đường phụ thuộc insulin, có nguyên nhân không rõ. Có thể do bệnh lý mạch máu nhỏ, tổn thương dính lớp sừng, tăng glycosylation và da lão hoá nhanh.
Chứng gai đen: (ACANTHOSIS NIGRICANS)
Ở bề mặt các nếp gấp như: Cổ, nách, bẹn, rốn, quầng núm vú, dưới vú, cùi chỏ...xuất hiện hiện tượng da mịn như nhung, dày và tăng sắc tố. Triệu chứng này rất phổ biến, đặc biệt là những trường hợp bị tiểu đường kháng insulin type A, có kèm thêm chứng béo phì, một yếu tố trong hội chứng chuyển hóa. Nguyên nhân sinh bệnh là do tình trạng tăng insulin trong máu có thể kích hoạt insulin growth factor (IGF-1) thụ thể trên các tế bào sừng dẫn đến việc phát triển lớp thượng bì. Rất hiếm khi có dạng ác tính.
Tình trạng mụn lồi có cuống ngoài da: (SKIN TAGS – ACROCHORDONS)
Đây là những u lành tính, có cuống ngoài da. Tình trạng này thường xảy ra ở xung quanh cổ hay ở những nếp gấp lớn của người lớn tuổi, một số bệnh nhân tiểu đường xuất hiện các u lành tính có cuống ngoài da kết hợp với chứng gai đen. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo ở những người xuất hiện nhiều mụn lồi có cuống ngoài da, có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ do rối loạn biến dưỡng carbohydrate.
U hạt vàng sùng phát (ERUPTIVE XANTHOMAS)
U hạt vàng sùng phát là những sẩn màu vàng hơi đỏ, có kích thước từ 1- 4 mm. Thường những tổn thương xảy ra theo đợt và có thể hợp lại thành một mảng lớn. Các chuyên gia cho rằng u hạt vàng sùng phát có thể chính là dấu hiệu chỉ điểm đầu tiên của bệnh tiểu đường chưa điều trị, có tăng triglyceride máu nặng.
Da biến đổi giống xơ cứng bì: (SCLERODERMA – LIKE SKIN CHANGES)
Đây là tình trạng da dày và cứng ở mặt lưng các ngón tay (sclerodactylia) và các khớp liên đốt gần hoặc liên đốt giữa. Các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến cẳng tay, cánh tay và lưng, đối xứng 2 bên, không đau. Da biến đổi giống xơ cứng bì tuy nhiên không gây ra, sờ vào da có cảm giác giống như sáp, không xảy ra hiện tượng teo da, giãn mạch, sưng phù hay hiện tượng Raynaud.
Hiện tượng này xảy ra ở 10 – 50% bệnh nhân ĐTĐ, nam ~ nữ, thường nhất là ĐTĐ type I. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các sản phẩm sau cùng của sự tăng glycosylation làm đặc quánh collagen.
Phù cứng bì do tiểu đường: (SCLEREDEMA DIABETICORUM OF BUSCHKE)
Da bệnh nhân tiểu đường bị phù cứng lan tỏa và đối xứng, đôi khi có hồng ban, xuất hiện chủ yếu ở cổ, vai, lưng, có thể lan đến mặt. Da phù cứng như gỗ, không véo lên được, giảm cảm giác đau. Những biểu hiện này khá hiếm gặp, thường xảy ra ở bệnh nhân nam ở độ tuổi trên 40, mắc tiểu đường type II, rất ít gặp ở bệnh nhân nữ. Đa số người bệnh xuất hiện nhiều biến chứng, bắt đầu lệ thuộc insulin và điều trị thường không thành công.
Da nổi bóng nước do tiểu đường: (BULLOSIS DIABETICORUM)
Là những bóng nước căng, có kích thước d~0,5-3cm, không có quầng viêm chung quanh, thường xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, cẳng tay, ngón chân, bàn chân, cẳng chân, hiếm khi có ở thân mình. Hiếm gặp sang thương dạng này, phát triển cấp tính và thường không gây ngứa, không đau, xảy ra ở những bệnh nhân bị tiểu đường nghiêm trọng. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường chính là sự xuất hiện của những bóng nước ở các đầu chi dưới.
Bệnh KYRLE (da thủng lỗ mắc phải): (ACQUIRED PERFORATING DERMATOSES - APD)
Sang thương APD là những u hạt viêm mạn tính quanh nang lông, hình dạng giống vỏ hàu, dày sừng lõm ở giữa, rất ngứa, tập hợp thành vệt dài (hiện tượng Koebner), có màu đỏ hoặc hồng ở những bệnh nhân da trắng, tăng sắc tố ở những bệnh nhân da đen, với các vị trí như thân mình, các đầu chi, da đầu và mặt. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc của tổn thương APD, có thể đó là do phản ứng viêm da thứ cấp với tăng urê huyết, lắng đọng acid uric hoặc chấn thương trầy xước do gãi. APD có liên quan chặt chẽ với 5 -10% bệnh nhân tiểu đường và suy thận mạn, thường xuất hiện muộn 10-30 năm sau chẩn đoán ĐTĐ và nhiều tháng sau lọc thận.
Bệnh đỏ da: (RUBEOSIS)
Tình trạng này xảy ra ở khoảng 3%- 59% bệnh nhân ĐTĐ có da mặt, cổ và các đầu chi luôn bị đỏ bừng, có thể do giảm sự co mạch gây nên.
Da vàng cam: (CAROTENODERMA)
Ở những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh (mặt) và vùng da có lớp sừng dày (bàn tay, bàn chân) thường xảy ra tình trạng da vàng cam. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả móng tay và móng chân.
Dày sừng nang lông: (KERATOSIS PILARIS)
Đây là bệnh da lành tính rất phổ biến, biểu hiện bởi những sẩn dày sừng quanh các nang lông, chủ yếu ở thân mình. Trong quá trình diễn tiến của bệnh tiểu đường, dấu hiệu dày sừng nang lông, giống bệnh da vảy cá mắc phải xuất hiện sớm.
U màu vàng bùng phát: (ERUPTIVE XANTHOMAS)
Dấu hiệu của u màu vàng bùng phát là nhiều mẩn màu vàng hoặc đỏ nâu bùng phát đột ngột khắp cơ thể, chủ yếu ở lưng bàn tay, bàn chân, cẳng chân và thân mình. Thường gặp ở bệnh nhân nam, trẻ, bị tiểu đường type I. Sang thương là những sẩn có lớp bì tẩm nhuận các macrophages chứa đầy triglyceride, khác với dạng u vàng chứa cholesterol ester. Đây là trường hợp các bệnh nhân tiểu đường có tăng triglyceride trong máu.
Nhiễm trùng da: (Nhiễm vi nấm, vi khuẩn)
Nhiễm trùng da có thể xảy ra cho 20 – 50% bệnh nhân tiểu đường, đa số ở bệnh tiểu đường type II không được kiểm soát đường huyết tốt dẫn đến sự bất thường vi tuần hoàn, giảm hiện tượng thực bào, suy yếu sự kết dính của bạch cầu và làm chậm hiện tượng hóa ứng động.
Nhiễm vi nấm:
Trong các bệnh nhiễm ngoài da do tiểu đường, vi nấm chiếm tỉ lệ cao nhất vì bệnh nhân bị suy yếu hàng rào bảo vệ da, phổ biến nhất là nhiễm nấm Candida và đây cũng thường là biểu hiện cảnh báo đầu tiên của bệnh tiểu đường. Tình trạng viêm kẽ, viêm miệng, viêm móng, viêm quy đầu, viêm âm hộ - âm đạo cũng có thể do nhiễm nấm Candida gây nên.
Các bệnh do nhiễm vi nấm ngoài da khác của tiểu đường thường là: nấm kẽ ngón chân, viêm quầng, viêm mô tế bào, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết do nấm. Bệnh nhân tiểu đường nhiễm ceton acid rất dễ có nguy cơ nhiễm vi nấm nhóm Phycomycetes (mucormycosis) gây sang thương dạng hoại tử mạch máu trung tâm, đặc biệt ở vùng hầu họng, có thể gây viêm não và hầu hết bệnh nhân đều tử vong.
Nhiễm vi khuẩn:
So với các bệnh khác, nhiễm khuẩn da của bệnh nhân tiểu đường nhiều gấp 3 lần, đa số do vi khuẩn Gram âm như Pseudomonas aeruginosa, đặc biệt trong loét bàn chân ĐTĐ là triệu chứng không được xem nhẹ vì bệnh nhân có thể bị đoạn chi, nhiễm trùng huyết nghiêm trọng và vi khuẩn P. aeruginosa kháng thuốc. Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị viêm da mủ, viêm quầng, viêm mô tế bào do nhiễm Streptococcus nhóm A & B, Staphyloccus aureus kháng methicillin (MRSA) nếu không được kiểm soát tốt.
2. Các biến chứng ngoài da do điều trị bệnh tiểu đường
Việc dùng thuốc kháng tiểu đường có thể gây ra một số phản ứng ngoài da, chẳng hạn như: Mày đay, hồng ban đa dạng, phát ban dạng trứng cá đỏ, dạng lichen. Có thể xảy ra tình trạng da nhạy cảm với ánh sáng do sử dụng Tolbutamide và chlorpropamide. Sulfonylureas là nhóm thuốc hạ đường huyết thường gây phản ứng dị ứng ngoài da nhất. So với thế hệ 1, các thuốc nhóm Sulfonylureas thế hệ thứ 2 ít gây ra các tác dụng phụ hơn.
- Teo mô mỡ (lipoatrophy) ở vị trí chích insulin, thường ở bụng và đùi, xảy ra 6-24 tháng sau khi bắt đầu chích thuốc. Tình trạng này xuất hiện nhiều ở trẻ em và phái nữ
- Tăng sinh mô mỡ (lipohypertrophy): Tình trạng này thường xuất hiện ở 20-30% bệnh nhân ĐTĐ type I và 4% ĐTĐ type II tại vị trí thường xuyên chích insulin hàng ngày với liều cao, sử dụng kim chích nhiều lần và vị trí chích không thay đổi. Đây là những nốt mềm ở da giống bướu mỡ. Việc chích insulin vào những vị trí tăng sinh mô mỡ có thể làm chậm hấp thu insulin khiến sự kiểm soát đường huyết sai lệch và bệnh nhân có những cơn hạ đường huyết không dự đoán được.
- Hiểm khi xảy ra tình trạng dị ứng với insulin.
Insulin người ít gây phản ứng dị ứng và rối loạn mô mỡ, được sản xuất từ công nghệ tái tổ hợp DNA.
Các phản ứng dị ứng ngoài da với insulin có thể là mày đay hoặc phản ứng quá mẫn chậm (bệnh huyết thanh).
3. Một số nguyên nhân gây ngứa bàn tay và bàn chân
Khi bàn tay và bàn chân của bạn bị ngứa, điều trị thích hợp có thể giúp giảm tác dụng của một số triệu chứng. Tuy nhiên, cách bạn điều trị tình trạng ngứa phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ra vấn đề, bao gồm:
- Khô da: Có thể do thời tiết mùa đông hoặc do kỳ cọ quá nhiều.
- Ngứa bàn tay, bàn chân còn có thể là dấu hiệu báo hiệu một tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh vảy nến
- Ngứa bàn tay, bàn chân do bệnh chàm: Đây là thuật ngữ chỉ một nhóm các tình trạng làm da bị viêm nhiễm.
- Ngứa bàn tay, bàn chân do ghẻ: Một loài bọ tám chân, được gọi là bọ xít ngứa ở người, là nguồn gốc của tình trạng da phổ biến này. Loài côn trùng nhỏ này di chuyển sâu vào lớp trên cùng của da và đẻ trứng ở đó, gây ra bệnh ghẻ.
- Bệnh tiểu đường cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa bàn tay và bàn chân: Một số vấn đề về da đôi khi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn bị tiểu đường. Chẳng hạn như bệnh Xanthomatosis - tình trạng khác gây ra bởi bệnh tiểu đường ngoài tầm kiểm soát khiến người bệnh cảm thấy ngứa bàn tay và bàn chân. Biểu hiện này sẽ biến mất khi bệnh được kiểm soát tốt. Xanthomatosis cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ngứa ở cánh tay, chân và mông. Bệnh Xanthomatosis còn gây ra một số vấn đề khác, chẳng hạn như: xuất hiện mụn nhỏ trên da, nồng độ cholesterol cao...
- Ngứa bàn tay, bàn chân do dị ứng: Da có thể phản ứng dị ứng với những vật mà bạn đã chạm vào. Phản ứng mà bạn nhìn thấy và cảm nhận còn được gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng.
4. Hạn chế ảnh hưởng của ngứa do bệnh tiểu đường
Việc điều trị ngứa chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi xác định được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này.
Ngoài ra, để hạn chế ảnh hưởng của ngứa, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
- Tiêu thụ những thực phẩm giàu chất xơ, ít cholesterol và có hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Hạn chế sử dụng ngũ cốc đã qua tinh chế thay vào đó nên sử dụng ngũ cốc nguyên cám và bổ sung vào mỗi bữa ăn một số dạng protein.
- Luôn giữ tinh thần được thoải mái: Không nên để những lo lắng, căng thẳng về bệnh tật khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng. Lo lắng không những không làm giảm được tình trạng bệnh mà thậm chí còn khiến mức độ càng trầm trọng thêm.
- Thường xuyên luyện tập thể thao: Bạn có thể kiểm soát mức độ đường huyết thông qua các hoạt động thể dục. Bên cạnh đó, thường xuyên luyện tập giúp cơ thể bạn sử dụng insulin tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com