Parkinson là một rối loạn thần kinh có ảnh hưởng tới vận động và sinh hoạt thường ngày và đặc trưng bởi chứng giảm động. Bệnh xảy ra khi các tế bào thần kinh tiết dopamine bị suy giảm hoặc mất khả năng tiết dopamine. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất các tế bào ở một phần não bộ vẫn chưa được xác định chính xác, đây có thể là kết hợp của yếu tố môi trường và thay đổi gen di truyền. Vậy bệnh parkinson có di truyền và có lây không?
1. Bệnh Parkinson là gì?
Bệnh parkinson hay còn gọi là bệnh liệt rung, đây là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, xảy ra khi các tế bào thần kinh tiết dopamine bị suy giảm hoặc mất khả năng tiết dopamine. Đây là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng tới vận động và sinh hoạt thường ngày, đặc trưng bởi chứng giảm động. Dopamine là chất truyền tin giữa các bộ phận của não bộ và hệ thần kinh nhằm kiểm soát, điều phối các vấn động của cơ thể. Do vậy, khi lượng dopamin suy giảm sẽ dẫn tới việc liên lạc giữa những cấu trúc trong não có vai trò điều hoà vận động và gây ra những triệu chứng như tình trạng run không tự chủ.
Bệnh parkinson thường có những biểu hiện như run chân, run tay, cứng cơ, thay đổi tính cách, táo bón, thay đổi giọng nói, giảm khứu giác,... Lâu dài sẽ dẫn tới hạn chế vận động, hạn chế cử động ngôn ngữ và khó khăn trong việc đi lại, vận động, sinh hoạt và làm việc. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể tàn phế và lâu dần mắc nhiều bệnh lý khác thậm chí là tử vong.
2. Bệnh parkinson có di truyền không?
Một số chuyên gia thần kinh học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng mất các tế bào ở một phần não bộ và họ cho rằng đây là sự kết hợp của việc thay đổi gen di truyền và yếu tố môi trường. Do vậy, tính di truyền của bệnh parkinson là một vấn đề phức tạp mà chưa có kết luận chính xác và cần tiếp tục được nghiên cứu.
Theo nhiều thống kê, những người có ông bà hoặc bố mẹ mắc parkinson mà có tỷ lệ song sinh đồng hợp tử thì khoảng 45% mắc parkinson và 29% nếu dị hợp tử. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bố mẹ mắc parkinson mà con cái không bị. Trên thực tế, tỷ lệ di truyền đối với bệnh parkinson không cao chỉ chiếm khoảng 4-5%. Các nhà nghiên cứu cho thấy những trường hợp mắc bệnh parkinson có liên quan tới di truyền có thể do đột biến gen trong nhóm gen như PARK2, LRRK2, PARK7, PINK1, SNCA,... Bên cạnh đó, những đột biến trong nhóm gen nhất định như UCHL1 và GBA không trực tiếp gây bệnh parkinson nhưng lại làm tăng nguy cơ khởi phát parkinson ở một số gia đình.
Vậy bệnh parkinson có di truyền không? Bệnh parkinson có di truyền nhưng không phải tất cả các trường hợp. Trong số những gen được liệt kê trên, gen SNCA hoặc LRRK2 thường ở dạng trội trên NST thường và chỉ cần nhận gen bệnh từ cha mẹ thì con cái sẽ phát triển bệnh. Còn nếu gen PINK1, PARK2, PARK7 ở dạng lặn trên nhiễm sắc thể thường thì cần phải nhận gen từ cả bố và mẹ mới tiến triển thành bệnh.
3. Các yếu tố tác động làm khởi phát bệnh parkinson
3.1 Yếu tố môi trường
Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị bệnh parkinson như thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, chất hoá học độc hại, thuốc trừ sâu,... Bên cạnh đó, những thói quen không tốt như nghiện rượu, nghiện thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng tình trạng run trong bệnh parkinson.
Do đó, người bệnh cần phải tránh xa những tác nhân gây hại, đặc biệt là những người có yếu tố di truyền thì cần phải hạn chế tối đa tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trên. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì cần có phương tiện phòng hộ phù hợp.
3.2 Tuổi tác và bệnh lý
Sự lão hoá tại não sẽ làm suy giảm lượng dopamin trong cơ thể, đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ra bệnh parkinson. Ngoài ra, nhiễm virus và một số bệnh lý khác có thể làm giảm tiết dopamine gây bệnh parkinson.
3.3 Chấn thương
Chấn thương sọ não do tai nạn giao thông hay đột quỵ cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương nơron thần kinh, dẫn tới giảm lượng dopamin trong não.
4. Cách phòng ngừa bệnh parkinson
Bệnh parkinson khởi phát không chỉ do yếu tố di truyền mà còn do môi trường gây nên. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh parkinson chủ yếu là tránh xa các tác nhân gây hại và tăng cường sức khoẻ bằng cách:
- Tập thể dục thường xuyên như chạy bộ, yoga, đạp xe, aerobic,... sẽ giúp giảm căng cứng cơ, cải thiện căng thẳng và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Phòng ngừa đột quỵ bằng chế độ ăn ít chất béo động vật, thay vào đó là dầu thực vật, bổ sung rau xanh, hoa quả,...
- Tránh tiếp xúc với môi trường độc hại như thuốc trừ sâu, chất hoá học độc hại,...
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở những người có yếu tố di truyền
Tóm lại, bệnh parkinson có di truyền nhưng không phải tất cả. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, do vậy những người có yếu tố di truyền cần thực hiện một chế độ sinh hoạt và làm việc phù hợp, thường xuyên thăm khám định kỳ. Nếu trường hợp được chẩn đoán bệnh thì cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.