Bệnh paget xương khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Nguy hiểm hơn, bệnh paget xương có thể làm tổn thương nhiều đến vùng xương hộp sọ, xương cột sống, xương cổ và xương chậu.
1. Bệnh paget xương là gì?
Bệnh paget xương là chứng rối loạn bất thường ở cấu trúc xương. Thông thường, trong quá trình hình thành và xây dựng cấu trúc xương, các tế bào xương cũ sẽ dần bị thay thế bởi các tế bào xương mới. Khi bị bệnh paget xương, khả năng thay thế này sẽ bị ngăn cản, khiến các tế bào xương mới không thay thế kịp thời các tế bào xương cũ, các phần xương này sẽ trở nên yếu và dễ gãy.
Bệnh paget xương có thể diễn ra ở bất cứ phần xương nào, đặc biệt là vùng xương cổ, xương cột sống, xương hộp sọ, xương chậu và xương chân. Đây đều là những vùng xương quan trọng trong cơ thể, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh.
2. Triệu chứng của bệnh paget xương
Nhiều người bị bệnh paget xương nhưng không có triệu chứng gì cụ thể, có người có triệu chứng nhưng mức độ biểu hiện rất nhẹ, khó nhận biết. Các dấu hiệu của bệnh paget xương cụ thể bao gồm:
- Giảm chiều cao
- Xương đau nhức
- Cứng khớp
- Đau cổ
- Chân méo mó khác thường
- Nếu paget xương ở vùng xương sọ thì đầu và xương sọ to ra, biến dạng
- Đau đầu
- Suy giảm thính lực
- Xương yếu, dễ gãy
- Vùng da bao quanh xương bị ảnh hưởng ấm nóng
3. Chẩn đoán bệnh paget xương
Chẩn đoán bệnh paget xương dựa trên các triệu chứng của bệnh và kết quả xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh.
3.1. Kiểm tra hình ảnh
Thông thường, kết quả chụp X - quang sẽ cho thấy các dấu hiệu bất thường đầu tiên của bệnh paget. Hình ảnh xương có thể biểu hiện các khu vực tái hấp thu xương, mở rộng và biến dạng xương; đó là các đặc trưng của bệnh Paget.
Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện chiếu xương. Bệnh nhân sẽ được tiêm chất phóng xạ vào người để thực hiện bước kiểm tra hình ảnh này. Các chất phóng xạ đi đến các điểm xương bị ảnh hưởng nhất của bệnh paget và hiển thị điểm sáng lên những hình ảnh.
3.2. Xét nghiệm
Người bị bệnh paget xương thường có mức phosphatase kiềm cao trong máu và tăng hydroxyproline trong nước tiểu. Do đó, để chẩn đoán bệnh paget xương bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu.
4. Điều trị bệnh paget xương
Bệnh nhân mắc bệnh paget xương nếu không có triệu chứng thì có thể không cần điều trị. Nhưng nếu có các triệu chứng đau nhức, nguy cơ ảnh hưởng đến cột sống, hộp sọ, xương cổ cao thì bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân điều trị để ngăn ngừa các biến chứng.
4.1. Điều trị thuốc
Thuốc loãng xương là thuốc điều trị phổ biến cho bệnh nhân mắc bệnh paget xương. Có rất nhiều loại thuốc paget xương có thể được chỉ định, bao gồm thuốc dạng uống và thuốc dạng tiêm. Thuốc loãng xương dạng uống dung nạp tốt hơn nhưng lại có thể gây ra các kích ứng đường tiêu hóa.
Trường hợp bệnh nhân không sử dụng được thuốc chống loãng xương, bác sĩ có thể kê calcitonin - một loại hormone tự nhiên có liên quan đến quy định và trao đổi canxi xương. Đây là dạng thuốc tiêm, có thể gây buồn nôn, kích ứng tại chỗ tiêm.
4.2. Phẫu thuật
Trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được gợi ý thực hiện phẫu thuật nhằm mục đích:
- Hỗ trợ chữa lành vết nứt
- Thay khớp hỏng
- Tổ chức lại phần xương bị biến dạng
- Giảm áp lực lên dây thần kinh
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.