Thuốc Pamidronate được bào chế dưới dạng bột, dung dịch đậm đặc, dạng muối Dinatri Pamidronate. Thuốc có thành phần chính là Pamidronate (Pamidronat), là loại thuốc chống tăng calci huyết, ức chế tiêu xương và là chất dẫn bisphosphonat.
1. Công dụng của thuốc Pamidronate
Pamidronate là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính là Pamidronate. Tác dụng dược lý chủ yếu của thành phần Pamidronate là ức chế tiêu xương. Nó hấp thụ vào các tinh thể calcium phosphate trong xương, có thể ngăn chặn trực tiếp sự hòa tan thành phần khoáng này của xương (nhờ tác động trên tế bào hủy xương và tiền tế bào hủy xương).
Chỉ định sử dụng thuốc Pamidronate:
- Điều trị tăng calcium huyết trong bệnh ung thư xương;
- Điều trị bệnh Paget;
- Điều trị tổn thương tiêu xương trong bệnh đa u tủy hoặc bệnh ung thư vú di căn.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Pamidronate:
Bệnh nhân quá mẫn cảm với Pamidronate hay với các bisphosphonate khác.
2. Cách dùng thuốc Pamidronate
Thuốc Pamidronate dạng bột phải pha với ống dung môi đính kèm để thu được dung dịch đậm đặc. Các dung dịch đậm đặc trước khi tiêm truyền cần phải pha loãng với dung môi tiêm truyền natri clorid 0,45% hoặc 0,9%, hoặc glucose 5%. Nồng độ cao nhất là 60mg/250ml (0,24 mg/ml).
Chú ý tốc độ tiêm truyền không vượt quá 60mg/giờ. Tốt nhất là nên tiêm vào mạch máu lớn để giảm nguy cơ bị đau cùng các tác dụng phụ khác. Đồng thời, lưu ý nồng độ dung dịch truyền không vượt quá 90mg/250ml.
3. Liều dùng thuốc Pamidronate
3.1 Ở người lớn
Điều trị tăng calcium huyết trong ung thư:
- Tăng calcium huyết mức độ vừa phải (12 - 13,5 mg/dl): Dùng liều khởi đầu là 60 - 90mg, truyền tĩnh mạch 1 liều duy nhất trong ít nhất 4 giờ;
- Tăng calcium huyết nặng (nồng độ calcium trong máu vượt quá 13,5 mg/dl): Dùng lời khởi đầu là 90mg, truyền tĩnh mạch 1 liều duy nhất trong 24 giờ;
- Tổng liều dinatri pamidronate đậm đặc có thể truyền trong 1 lần hoặc nhiều lần, truyền trong 2 - 4 giờ liên tục;
- Tổng liều tối đa cho mỗi đợt điều trị là: 90mg;
- Điều trị nhắc lại: Thông thường, việc điều trị sẽ giảm đáng kể calcium huyết thanh trong 24 - 48 giờ sau khi sử dụng thuốc, thường đạt được trong 3 - 7 ngày. Nếu không đạt được calcium huyết thanh trong thời gian này thì có thể bổ sung thêm 1 liều. Thời gian đáp ứng giữa các bệnh nhân có thể khác nhau, việc điều trị có thể lặp lại bất kỳ lúc nào tình trạng tăng calcium huyết tái phát. Thuốc Pamidronate có thể kém hiệu quả hơn khi số lần điều trị lặp lại tăng lên.
Điều trị bệnh Paget:
- Liều Pamidronate nên dùng/ngày ở bệnh nhân Paget từ vừa đến nặng là 30mg, pha dung dịch đậm đặc trong 500ml dung dịch pha loãng, truyền tĩnh mạch trong vòng 4 giờ, điều trị trong 3 ngày liên tiếp với tổng liều là 90mg;
- Bệnh nhân thường đáp ứng điều trị trong tuần đầu tiên, tác dụng thường kéo dài từ 5 - 12 tháng sau điều trị;
- Bác sĩ nên theo dõi định kỳ sự tái phát của bệnh, cá nhân hóa nhu cầu điều trị nhắc lại dựa trên các phản ứng của bệnh nhân. Có thể điều trị nhắc lại nếu cần với liệu trình giống như điều trị khởi đầu.
Điều trị thương tổn tiêu xương ở bệnh nhân đa u tủy:
- Dùng liều khuyến cáo là 90mg, pha dung dịch đậm đặc trong 500ml dung dịch pha loãng, truyền tĩnh mạch trong 4 giờ, 1 lần/tháng. Bệnh nhân có protein niệu và mất nước rõ rệt cần được bù nước đầy đủ trước khi được tiêm truyền Pamidronate;
- Thời gian điều trị chưa được xác định. Tuy nhiên, Pamidronate thường phải dùng với liều hàng tháng 1 lần/3 - 4 tuần trong ít nhất 21 tháng.
Điều trị thương tổn tiêu xương ở bệnh nhân ung thư vú di căn:
- Liều dùng Pamidronate thông thường là 90mg pha dung dịch đậm đặc trong 250ml dung dịch pha loãng, truyền tĩnh mạch trong 2 giờ, 1 lần/3 - 4 tuần. Hiệu quả giảm đau xương thường xuất hiện trong 2 tuần;
- Trong trường hợp người bệnh thương tổn tiêu xương, đau xương do di căn liên quan tới ung thư vú hay đa u tủy, nên sử dụng liều 90mg, 1 lần/3 - 4 tuần, kết hợp với hóa trị ung thư vú.
3.2 Ở đối tượng khác
Ở người cao tuổi: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Pamidronate, nên khởi đầu bằng liều thấp nhất có hiệu quả.
Ở người suy thận:
- Liều điều trị không quá 90mg, thời gian tiêm truyền tĩnh mạch không dưới 2 giờ. Với bệnh nhân suy thận, tốc độ truyền dịch tối đa được chỉ định là 20mg/giờ;
- Nếu bệnh nhân bị tổn thương tiêu xương kèm đa u tủy hoặc bị di căn xương kèm u rắn, chức năng thận xấu hơn khi điều trị bằng Pamidronate thì nên ngưng dùng thuốc cho tới khi SCr trở lại mức phạm vi 10% SCr ban đầu (SCr trước khi dùng thuốc). Thời gian tiêm truyền tối thiểu là 4 giờ;
- Chức năng thận xấu hơn sẽ được xác định bằng SCr tăng thêm tối thiểu 0,5mg/dl ở bệnh nhân có SCr cơ bản ở mức giới hạn bình thường (1,4mg/dl) và tăng thêm ít nhất 1mg/dl ở những bệnh nhân có SCr cơ bản tăng (SCr trước khi dùng thuốc từ 1,4mg/dl trở lên);
- Có thể dựa vào độ thanh thải creatinin (Clcr) cho bệnh nhân tăng calcium huyết trong ung thư:
- Clcr ≥ 10 ml/phút: Dùng liều thông thường;
- Clcr < 10 ml/phút: Có 2 trường hợp là: Nếu [Ca]> 4,0mmol/l, dùng liều 60mg; nếu [Ca] < 4,0mmol/l, dùng liều 30mg.
- Nên bổ sung calcium và vitamin D để giảm nguy cơ thiếu calcium huyết ở bệnh nhân bị tiêu xương do di căn hoặc bệnh nhân đa u tủy.
Quên liều: Khi quên liều Pamidronate, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được xử trí.
Quá liều: Khi dùng thuốc Pamidronate quá liều, người bệnh có biểu hiện giảm calcium huyết, co giật, biến đổi điện tâm đồ, dị cảm, xuất huyết, sốt, chuột rút. Cách xử trí là điều trị giảm calcium huyết bằng calcium tiêm tĩnh mạch, ngừng dùng thuốc, điều trị hỗ trợ, kiểm soát các ion canxi, phosphat, magie, kali trong máu; điều trị sốt và hạ huyết áp bằng corticosteroid. Đồng thời, nên thường xuyên kiểm tra công thức máu cho bệnh nhân, đặc biệt là những người sử dụng thuốc Pamidronate quá liều hoặc dài ngày. Các phương pháp theo dõi như kiểm tra tim mạch, huyết áp, đo nhiệt độ cơ thể, điện tâm đồ được sử dụng để kiểm soát tình trạng tim mạch. Ngoài ra, nên nội soi để kiểm tra đường tiêu hóa của bệnh nhân và có biện pháp can thiệp thích hợp nếu cần.
4. Tác dụng phụ của thuốc Pamidronate
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Pamidronate gồm:
- Rất thường gặp: Sốt, suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, buồn nôn, ói mửa, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, ho, khó thở, viêm xoang, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, tràn dịch màng phổi, đau cơ, nhược cơ, đau xương, đau khớp, hoại tử tủy răng ở người bệnh ung thư, thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, tăng creatinin huyết, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hạ magie huyết, hạ canxi huyết, hạ kali huyết, hạ phosphat huyết, phản ứng viêm, xơ hóa vùng tiêm;
- Thường gặp: Cuồng nhĩ, rung nhĩ, tăng huyết áp, tim đập nhanh, ngất xỉu, suy tim, phù, giảm huyết áp, buồn ngủ, loạn thần, viêm, xuất huyết tiêu hóa, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, đau xương, đau lưng, tăng ure huyết, suy giảm, phổi có ran, viêm mũi, nhiễm nấm Candida,...;
- Ít gặp: Đau, khó chịu, ảo giác, vị giác bất thường, phân có máu vi thể, ban da, phù mạch, giảm bạch cầu, giảm lympho bào, nhiễm độc thận, suy thận cấp, tăng nguy cơ hoại tử xương và gãy xương (đặc biệt hoại tử xương hàm), viêm kết mạc hoặc bệnh về mắt khác, phù mạch, viêm tĩnh mạch huyết khối, viêm tĩnh mạch nơi tiêm, suy thất trái, dị ứng, sốc phản vệ, triệu chứng nhiễm khuẩn, herpes,...
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Pamidronate
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Pamidronate:
- Các thông số chuyển hóa liên quan tới tăng calcium huyết như hàm lượng canxi, photphat, magie và kali trong huyết thanh đều cần được giám sát cẩn thận;
- Tránh bổ sung nước quá mức khi sử dụng thuốc Pamidronate cho người bệnh suy tim. Ở đối tượng này, nên truyền Pamidronate với lượng dung dịch pha loãng ít hơn;
- Chưa nghiên cứu về tính an toàn, hiệu quả của Pamidronate ở bệnh nhân suy thận nặng có nồng độ creatinin huyết thanh trên 5mg/dl. Chỉ một số ít bệnh nhân đa u tủy óc nồng độ creatinin huyết thanh 3mg/dl được thử nghiệm lâm sàng;
- Chưa xác định được hiệu quả và độ an toàn của thuốc Pamidronate ở trẻ em;
- Thận trọng khi dùng thuốc Pamidronate ở bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, suy giáp hoặc có tiền sử phẫu thuật tuyến giáp (có nguy cơ bị giảm calcium huyết);
- Khi sử dụng thuốc Pamidronate nên kiểm tra răng miệng do thuốc nhóm Bisphosphonat có nguy cơ hư hại tủy răng;
- Tránh sử dụng đồng thời Pamidronate với các Bisphosphonat khác;
- Thuốc Pamidronate về cơ bản là không có natri;
- Không nên dùng thuốc Pamidronate ở phụ nữ mang thai (trừ trường hợp có tăng calcium huyết đe dọa tới tính mạng). Nếu dùng thuốc cần được bác sĩ cho phép;
- Thận trọng khi dùng thuốc Pamidronate ở phụ nữ đang cho con bú;
- Ngay sau khi dùng thuốc Pamidronate, bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc vì có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ.
6. Tương tác thuốc Pamidronate
Một số tương tác thuốc của Pamidronate gồm:
- Dùng đồng thời Pamidronate với chế phẩm calcium hoặc vitamin D có thể đối kháng lại tác dụng điều trị tăng calcium huyết;
- Dùng đồng thời thuốc Pamidronate với thuốc lợi tiểu quai không gây ảnh hưởng tới tác dụng làm giảm calcium huyết của Pamidronate;
- Dùng đồng thời Pamidronate với các kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid gây giảm calci huyết nghiêm trọng. Vì vậy, cần theo dõi và kiểm soát các ion canxi, magie trong máu;
- Khi sử dụng chung Pamidronate với thuốc kháng viêm không steroid, Pamidronate có thể tăng tác dụng;
- Thuốc Pamidronate tương tác với Thalidomide, gây cơn suy thận cấp và nguy cơ hoại tủy xương (đặc biệt xương răng). Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng không nên sử dụng thuốc thuộc nhóm bisphosphonate đồng thời với hormone cận giáp;
- Các thuốc thuộc nhóm bisphosphonate như Pamidronate có thể gây cản trở các thuốc sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh khi chụp xương;
- Không được trộn lẫn Pamidronate với những dung dịch tiêm truyền có chứa calcium. Cần dùng Pamidronate trong 1 dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch riêng, không được trộn lẫn với thuốc khác.
Trong quá trình sử dụng thuốc Pamidronate, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt hơn và giảm nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ khó lường.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.