Bệnh loãng xương có chữa được không?

Loãng xương là một bệnh lý xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương, làm giảm sức khỏe của xương và tăng nguy cơ gãy xương cho người bệnh. Các thông tin về định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng sẽ hỗ trợ cho việc điều trị bệnh loãng xương trở nên hiệu quả hơn.

1. Bệnh loãng xương là gì?

Loãng xương tên tiếng anh là Osteoporosis, một tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương, biểu hiện bởi sự giảm mật độ chất khoáng của xương, kèm theo các tổn thương giáng hóa cấu trúc và tổ chức xương, hậu quả là làm giảm sức mạnh của xương, từ đó xương của bệnh nhân sẽ trở nên dễ gãy hơn.

Tại Việt Nam, loãng xương là bệnh lý phổ biến chỉ xếp sau các bệnh lý tại hệ tim mạch. Loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và ở khoảng 1/3 số phụ nữ cùng với 1/8 số nam giới trên 50 tuổi.

Loãng xương được chia làm 2 loại chính:

  • Loãng xương nguyên phát: Chiếm phần lớn số lượng bệnh nhân bị loãng xương hiện nay. Đây là một hiện tượng sinh lý xảy ra do quá trình lão hóa của cơ thể, được chia thành 2 type là loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh hay loãng xương type I và loãng xương ở người lớn tuổi (ở cả nam và nữ) hay loãng xương type II.
  • Loãng xương thứ phát: Là tình trạng loãng xương xảy ra do một số bệnh lý về nội tiết như bệnh lý ở tuyến giáp, bệnh lý ở tuyến thượng thận... hoặc do dùng một số thuốc gây độc như Corticosteroid, thuốc chống ung thư...

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây loãng xương

Nguyên nhân của bệnh loãng xương là những yếu tố làm quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn trong khi quá trình tạo xương bình thường hoặc giảm.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương thường gặp là:

  • Bệnh nhân cao tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới.
  • Tiền sử gia đình: Cha mẹ, anh chị em trong gia đình đã từng bị loãng xương hoặc gãy xương do loãng xương.
  • Chế độ ăn thiếu các chất như Canxi, thiếu Vitamin D, Phospho, Magie...
  • Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, thể trạng thấp còi, suy dinh dưỡng, người mắc những bệnh lý gây kém hấp thu dinh dưỡng.
  • Lười vận động, ít hoạt động thể lực, người phải bất động lâu ngày do bệnh tật hoặc do tính chất nghề nghiệp.
  • Lạm dụng rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá...
  • Những bệnh lý bẩm sinh của hệ sinh dục nam và nữ.
  • Phụ nữ xảy ra mãn kinh sớm.
  • Hội chứng Cushing.
  • Sử dụng các thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc kháng đông máu, Corticosteroid, thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc chống ung thư... với liều cao hoặc trong thời gian dài.
  • Mắc các bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh lý tuyến thượng thận, cường giáp, cường cận giáp trạng, suy thận mạn, bệnh lý huyết học, bệnh lý mạn tính đường tiêu hoá.

3. Chẩn đoán loãng xương

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng bệnh loãng xương thường diễn biến một cách âm thầm, đa số các trường hợp không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào ngoài gãy xương. Các triệu chứng thường chỉ có khi đã xảy ra biến chứng hoặc là biểu hiện các triệu chứng của bệnh lý gây ra loãng xương thứ phát như:

  • Đau lưng cấp hay mạn tính trong trường hợp gãy lún đốt sống.
  • Biến dạng cột sống gây giảm chiều cao, gù, vẹo cột sống... nguyên nhân do thân các đốt sống bị gãy.
  • Chậm tiêu, khó thở, đau ngực... do biến chứng tại các xương ở lồng ngực hay thân đốt sống.
  • Gãy xương ở vị trí khác nhau, thường gặp như trong gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay ... có thể xuất hiện sau các tai nạn sinh hoạt hằng ngày, chấn thương nhẹ hoặc thậm chí không rõ chấn thương.

3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Đo mật độ xương (Bone Mineral Density - BMD) bằng phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép (Dual Energy Xray Absorptiometry - DXA) tại vị trí trung tâm như xương vùng khớp háng hoặc cột sống thắt lưng. Đo mật độ xương là phương pháp giúp chẩn đoán xác định loãng xương đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương trong tương lai và theo dõi điều trị.
  • X - quang: Hình ảnh biến dạng thân đốt sống như gãy làm xẹp và lún các đốt sống, đốt sống tăng thấu quang, với các xương dài thường giảm độ dày vỏ xương khiến ống tủy rộng ra.
  • Siêu âm hoặc DXA giúp đo khối lượng xương ở ngoại vi như ở gót chân, ngón tay...
  • Chẩn đoán hình ảnh khác: Xạ hình xương, chụp cắt lớp vi tính CT-scan, chụp cộng hưởng từ MRI... có thể được sử dụng để đánh giá khối lượng xương, đặc biệt ở xương cột sống hoặc cổ xương đùi.
  • Định lượng các Marker hủy xương như Carboxy Terminal telopeptide (CTX), Amino terminal telopeptide (NTX), Procollagen type 1 N terminal propeptide (PINP), Procollagen type 1 C terminal propeptide (PICP) ... tuy nhiên, chưa khuyến cáo sử dụng thường quy trên lâm sàng.
  • Các xét nghiệm huyết học như công thức máu, chức năng đông cầm máu, thời gian máu lắng.
  • Sinh hóa máu như điện giải đồ, chức năng gan - thận, định lượng Canxi máu, CRP.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • Các xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây loãng xương thứ phát hay để chẩn đoán phân biệt, bao gồm: Phosphatase kiềm, Hormone tuyến giáp FT3/ FT4/ TSH/ PTH, Albumin, Cortisol máu, Phospho máu, 25-OH-vitamin D huyết thanh, tủy đồ, điện di đạm, hormone sinh dục.

4. Loãng xương có chữa được không?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được sử dụng phối hợp nhằm mục đích điều trị bệnh loãng xương. Các phương pháp bao gồm:

4.1. Điều trị không thuốc

  • Bổ sung Canxi qua chế độ ăn bằng cách sử dụng các loại thực phẩm như hải sản, phô mai, sữa, sữa chua, các loại đậu, rau lá xanh, cá... Nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày thay vì chỉ ăn một bữa nhiều Canxi.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu Vitamin D, Vitamin K như chế phẩm đậu nành, dưa cải, phô mai, ...
  • Bổ sung thêm thực phẩm giàu khoáng chất, chất xơ và Vitamin như bắp cải, bông cải xanh, các loại rau, thảo mộc khác...
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu Protein, Axit béo Omega 3 như cá hồi, cá thu, các loại hạt... Thực phẩm giàu Magie, kẽm như các loại cây họ đậu, quả hạch, các loại hạt và ngũ cốc...
  • Duy trì cân nặng thích hợp bằng cách tránh suy dinh dưỡng, thiếu cân hoặc phòng tránh thừa cân, béo phì.
  • Tránh chế độ ăn ít calo vì có thể gây thiếu chất và năng lượng cho việc phát triển của xương trong cơ thể.
  • Tăng cường hoạt động thể lực, tập Yoga, tập gym...
  • Thay đổi lối sống: Hạn chế sử dụng nước ngọt, cà phê, rượu bia, thuốc lá...

4.2. Điều trị loãng xương bằng thuốc

  • Bổ sung Canxi và Vitamin D qua các loại dược phẩm: Bổ sung 500 – 1500mg Canxi kèm với 800 – 1000 IU Vitamin D trong một ngày. Calcitriol 0,25 – 0,5mcg được chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy thận.
  • Sử dụng các thuốc chống hủy xương nhóm Bisphosphonates (BPN) là các thuốc lựa chọn đầu tay trong điều trị loãng xương. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, suy thận với mức lọc cầu thận < 35 ml/phút:
  • Sử dụng Alendronate 70mg hoặc Alendronat 70mg + Cholecalciferol 2800UI 1 lần/tuần, uống kèm nhiều nước vào sáng sớm khi bụng đói. Sau khi dùng thuốc nên vận động và tránh nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút. Tác dụng phụ của thuốc là có thể gây nuốt khó, viêm thực quản, loét dạ dày...
  • Zoledronic acid 5mg truyền tĩnh mạch 1 lần/ năm (liều duy nhất). Nên bổ sung đầy đủ nước kèm Canxi và vitamin D trước khi truyền. Khi xảy ra các tác dụng phụ của thuốc như đau khớp, đau đầu, đau cơ, sốt... có thể xử trí bằng Acetaminophen (Paracetamol).
  • Calcitonin (được chiết suất từ cá hồi): Tiêm dưới da 100 UI hoặc xịt qua niêm mạc mũi 200 UI một ngày. Thời gian điều trị từ 2 – 4 tuần, khi bệnh nhân giảm đau thì sử dụng nhóm Bisphosphonat (uống hoặc truyền tĩnh mạch) để tiếp tục điều trị.
  • Liệu pháp Hormon: Chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh. Raloxifene (SERMs - điều hòa chọn lọc thụ thể Estrogen): Uống 60 mg/ngày, thời gian điều trị dưới 2 năm. Thuốc ức chế Osteocalcin như Menatetrenone (Vitamin K2).
  • Denosumab (thuốc kháng đơn dòng RANKL): Liều tiêm dưới da 60 mg/lần trong 6 tháng.
  • Sử dụng các thuốc tác dụng kép tăng tạo xương và chống hủy xương như Teriparatide liều 20 mcg mỗi ngày trong 2 năm, Strontium Ranelate liều dùng: Uống 2 g/lần vào buổi tối sau bữa ăn 2 giờ.
  • Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa như Deca-Durabolin và Durabolin.
  • Điều trị triệu chứng:
  • Chỉ định Calcitonin và các thuốc giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs), thuốc giảm đau bậc 2 (phối hợp nhóm opiat mức độ nhẹ và vừa), thuốc giãn cơ... khi có tình trạng đau cột sống, đau các xương...
  • Nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế hoặc sử dụng thuốc giảm đau thần kinh, Vitamin nhóm B... khi có các triệu chứng của chèn ép rễ thần kinh liên sườn như đau ngực, chậm tiêu, khó thở, đau lan theo rễ thần kinh, dị cảm, tê...

4.3. Điều trị ngoại khoa

  • Thay chỏm xương đùi, bắt vis xốp hoặc thay toàn bộ khớp háng... trong trường hợp gãy cổ xương đùi.
  • Các phương pháp tạo hình đốt sống như bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo... trong trường hợp gãy đốt sống, biến dạng cột sống.
  • Phẫu thuật liền xương cho các tình trạng gãy xương do biến chứng của loãng xương.

Loãng xương thường gặp ở những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh. Hiện nay, trên thực tế lâm sàng có rất nhiều phương pháp dùng để điều trị bệnh lý này và đã cho những hiệu quả rõ rệt. Bệnh nhân và người thân có những yếu tố nguy cơ hoặc phát hiện ra các triệu chứng bất thường về cơ xương khớp cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe