Bệnh Kawasaki là bệnh thường xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi, hiện nay có khá nhiều trường hợp mắc bệnh này tại Mỹ, Nhật Bản. Ở Việt Nam những năm gần đây cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh. Hậu quả tức thời của bệnh Kawasaki có thể chưa nghiêm trọng ngay.
Tuy nhiên, các biểu hiện tim mạch là hiểm nghèo như viêm tim, phình giãn động mạch vành gây đột tử, nhồi máu cơ tim ở trẻ nhỏ hay hẹp tắc và suy vành mạn tính về sau.
I. Bệnh Kawasaki là gì?
Bệnh Kawasaki (KD) là một trong những bệnh lý mạch máu phổ biến ở trẻ nhỏ chỉ sau viêm mạch immunoglobulin A (IgA), đôi khi liên quan đến động mạch vành, có xu hướng xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Trên thực tế, tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn gấp đôi so với ở nữ giới.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Kawasaki sẽ gây các tổn thương trong thành mạch, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Trường hợp này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.
II. Các giai đoạn của bệnh Kawasaki là gì?
Bệnh có xu hướng tiến triển theo 3 giai đoạn: cấp tính, bán cấp tính và hồi phục.
1. Giai đoạn cấp tính (Giai đoạn 1): bắt đầu với sốt kéo dài ít nhất 5 ngày, thường là > 39°C (khoảng 102,2°F) và không thuyên giảm khi không được điều trị bằng thuốc hạ sốt. Sốt có liên quan đến dễ cáu kỉnh, thỉnh thoảng ngủ lịm hoặc đau bụng quặn từng cơn. Thông thường trong vòng một hoặc hai ngày khi bắt đầu sốt, dấu hiệu viêm kết mạc xuất hiện mà không có hiện tượng tiết dịch.
Trong vòng 5 ngày, ban dạng dát đỏ, đa hình xuất hiện chủ yếu trên thân mình, thường nổi rõ ở vùng đáy chậu. Phát ban có thể là mày đay, ban đỏ dạng sẩn, hồng ban đa dạng, hoặc dạng tinh hồng nhiệt. Nó thường đi kèm nhiễm trùng vùng hầu họng; môi đỏ, khô, nứt nẻ; và lưỡi dâu tây.
2. Giai đoạn bán cấp (Giai đoạn 2) kéo dài từ khi hết sốt đến khoảng ngày 25. Bong vảy quanh móng, ở lòng bàn tay, lòng bàn tay và tầng sinh môn bắt đầu vào khoảng ngày thứ 10. Lớp bề mặt của da thỉnh thoảng bong ra trên diện lớn để lộ làn da bình thường mới. Có thể có viêm khớp, đau khớp và tăng tiểu cầu. Viêm khớp hoặc chứng đau khớp (chủ yếu là các khớp lớn) xảy ra ở khoảng 33% bệnh nhân.
Các biểu hiện tim mạch thường bắt đầu ở giai đoạn cấp tính của hội chứng từ 1 đến 4 tuần sau khi khởi phát triệu chứng phát ban, sốt, và các triệu chứng lâm sàng cấp tính sớm bắt đầu giảm dần.
3. Giai đoạn phục hồi (Giai đoạn 3) bắt đầu khi hết các dấu hiệu lâm sàng và tiếp tục cho đến khoảng 6 tuần đến 8 tuần sau khi bắt đầu giai đoạn cấp tính. Các triệu chứng sẽ dần biến mất, nhưng các biến chứng có thể tiếp diễn.
III. Những xét nghiệm nào sẽ được thực hiện để chẩn đoán bệnh Kawasaki?
Không có xét nghiệm nào có thể phát hiện trực tiếp bệnh Kawasaki nhưng bác sĩ có thể định các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán bệnh Kawasaki hoặc loại trừ các bệnh có thể xảy ra khác gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Phân tích nước tiểu.
- Siêu âm tim, sử dụng một que siêu âm trên bề mặt ngực để xem tim và động mạch của con bạn.
- Điện tâm đồ (ECG), một xét nghiệm không xâm lấn để đo nhịp tim của con bạn.
- Chụp mạch CT (chụp cắt lớp vi tính), sử dụng tia X và máy tính.
- MRA (chụp mạch cộng hưởng từ), sử dụng MRI.
IV. Bệnh Kawasaki được điều trị như thế nào?
Trẻ em cần được điều trị bằng hoặc trong sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ tim mạch nhi khoa có kinh nghiệm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi hoặc bác sĩ chuyên khoa khớp nhi.
Phương pháp điều trị bệnh Kawasaki bao gồm:
- Globulin miễn dịch (IVIG), hoặc protein máu người mà bạn nhận được qua đường tĩnh mạch. Khoảng 10% trẻ em có thể không đáp ứng với liều IVIG đầu tiên và sẽ cần liều thứ hai hoặc các loại thuốc khác.
- Sử dụng thuốc Aspirin.
- Truyền dịch tĩnh mạch để bù nước.
- Thuốc giảm đau và sưng.
- Thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) dành cho những người có nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Steroid hoặc các loại thuốc chống viêm khác để giảm viêm trong những trường hợp nghiêm trọng.
- Chườm lạnh.
Con bạn sẽ phải nằm viện để điều trị. Mục tiêu của việc điều trị bệnh Kawasaki là:
- Giảm viêm.
- Ngăn ngừa hoặc làm giảm tổn thương động mạch.
- Ngăn ngừa cục máu đông ở những người có vấn đề về động mạch vành.
- Ngăn ngừa biến chứng tim
V. Các biến chứng/tác dụng phụ của các phương pháp điều trị Kawasaki
Globulin miễn dịch (IVIG) thường được dung nạp tốt, nhưng có thể gây ra:
- Thiếu máu tan máu (hồng cầu chết nhanh hơn bình thường).
- Phản ứng truyền dịch.
- Đau ngực.
- Khó thở.
- Đau bụng.
- Đau cơ hoặc khớp.
- Thuốc chống đông có thể khiến con bạn dễ chảy máu hơn.
VI. Bệnh Kawasaki có phòng ngừa được không?
Không. Vì các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân gây ra bệnh Kawasaki nên hiện chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh Kawasaki.
VII. Tiên lượng về bệnh Kawasaki
Nếu được điều trị đầy đủ, tỷ lệ tử vong vì bệnh Kawasaki ở Hoa Kỳ là 0,17%. Thời gian sốt kéo dài làm tăng nguy cơ tim mạch.
Tử vong thường gặp nhất do biến chứng tim mạch và có thể đột ngột, không thể tiên đoán được: > 50% xảy ra trong vòng 1 tháng đầu, 75% trong vòng 2 tháng, và 95% trong vòng 6 tháng nhưng có thể xảy ra sau 10 năm sau. Liệu pháp hiệu quả làm giảm các triệu chứng cấp tính và, quan trọng hơn, làm giảm tỷ lệ mắc chứng phình động mạch vành từ 20% xuống < 5%.
Trong trường hợp không có bệnh động mạch vành, tiên lượng phục hồi hoàn toàn rất tốt. Khoảng hai phần ba trường hợp phình động mạch vành thoái triển trong vòng 1 năm, mặc dù chưa biết hẹp động mạch vành còn tiếp tục không. Phình động mạch vành khổng lồ ít khi hồi phục và đòi hỏi phải theo dõi và điều trị tăng cường hơn.
Bệnh Kawasaki nếu như được chữa trị kịp thời sẽ giúp hạn chế được những trường hợp nguy hiểm cũng như nguy cơ gây ra các chứng bệnh tim mạch. Hy vọng với những thông tin trên đây, các bậc phụ huynh sẽ có thêm kiến thức cũng như có những giải pháp điều trị kịp thời cho bé ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Clevelandclinic