Kawasaki là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng sưng viêm của các mạch máu vừa và nhỏ, mà quan trọng trong đó là hệ thống mạch vành. Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki đến nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Trẻ bị Kawasaki dễ mắc bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Từ đó, có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Hãy cùng tìm hiểu tại sao trẻ bị Kawasaki dễ mắc bệnh mạch vành trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh Kawasaki là gì?
Bệnh Kawasaki được đặt theo tên của bác sĩ người Nhật Kawasaki Tomisaku, là người phát hiện căn bệnh này lần đầu vào năm 1961. Kawasaki đặc trưng bởi tình trạng viêm các mạch máu nhỏ và trung bình, với triệu chứng điển hình là sốt dai dẳng, phát ban, đỏ miệng/ môi/ tay/ chân/ mắt,... Nếu trẻ bị Kawasaki không được điều trị trong vòng 12 ngày, tình trạng viêm sẽ lan rộng toàn bộ mạch máu dẫn đến phình mạch, cục máu đông và nghẽn mạch, sau đó là tiến triển thành tổn thương dạng nốt, cuối cùng thành sẹo làm xơ hóa mạch máu, thiếu máu cơ tim.
Bệnh Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh mạch vành ở trẻ em. Tất cả trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ lệ trẻ bị Kawasaki cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ bị Kawasaki khoảng 50 – 100/100.000 trẻ, mùa hay gặp là tháng 3 – 6 và tháng 9 – 10. Trẻ trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ gái, lứa tuổi dễ hay gặp là dưới 5 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki ở trẻ vẫn chưa được tìm ra. Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh có thể liên quan đến nhiễm siêu vi hoặc phản ứng miễn dịch, yếu tố HLA – BW22J2.
2. Triệu chứng của bệnh Kawasaki ở trẻ em
Bệnh Kawasaki thường khởi phát với sốt cao (>39 độ C) kéo dài ít nhất 5 ngày và có liên quan đến kích thích, thỉnh thoảng trẻ có li bì, đau bụng co thắt thành từng đợt. Thông thường, có viêm kết mạc không tiết dịch xuất hiện trong vòng 1 – 2 ngày khi bắt đầu sốt.
Trong vòng 5 ngày, trẻ bị Kawasaki thường có ban đỏ dạng chấm đa hình thái (mày đay, hồng ban đa dạng, sẩn, ...) xuất hiện chủ yếu ở thân mình, đặc biệt là vùng đáy chậu. Phát ban thường đi kèm nhiễm trùng hầu họng, môi khô, nứt nẻ, mô đỏ, lưỡi dâu tây.
Trong tuần đầu tiên sau khi khởi phát, trẻ có hiện tượng nhợt phần gần móng tay hoặc móng chân. Ban đỏ và phù lòng bàn tay, chân thường xuất hiện vào ngày thứ 3 – 5, phù thường căng, cứng, không ngứa. Vào khoảng ngày thứ 10 bắt đầu bong tróc vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, hậu môn.
Phì đại hạch cổ ở trẻ bị Kawasaki thường không đặc hiệu.
Bệnh Kawasaki có thể kéo dài từ 2 – 12 tuần hoặc lâu hơn.
Các triệu chứng tim mạch thường xuất hiện ở giai đoạn cấp tính, từ 1 – 4 tuần sau khi khởi phát sốt, phát ban và các triệu chứng cấp tính bắt đầu thuyên giảm.
3. Chẩn đoán bệnh Kawasaki
Trẻ bị Kawasaki rất khó phát hiện vì các triệu chứng thường xuất hiện không đầy đủ trong giai đoạn đầu. Khi ở giai đoạn toàn phát, bệnh có nhiều rối loạn khác nhau ở các hệ cơ quan như tiêu hóa, hô hấp,... vì vậy dễ bị chẩn đoán nhầm. Có trường hợp trẻ bị Kawasaki rồi tự lành khiến bác sĩ và bệnh nhân nghĩ là đã giải quyết đúng. Ngoài ra, dấu hiệu hạch cổ đôi khi biểu hiện không rõ và khó sờ thấy do cổ trẻ ngắn.
Đặc biệt, Kawasaki khi xảy ra ở trẻ càng nhỏ tuổi hoặc trên 5 tuổi thì triệu chứng không điển hình.
Chẩn đoán xác định bệnh Kawasaki theo Hội Tim mạch Mỹ và Ủy ban quốc gia về Kawasaki của Nhật khi có 5/6 biểu hiện lâm sàng chính hoặc 4 biểu hiện lâm sàng chính kèm theo giãn hoặc phình động mạch vành:
- Sốt cao liên tục tối thiểu 5 ngày (dấu hiệu bắt buộc);
- Viêm đỏ kết mạc mắt 2 bên không tiết dịch;
- Biến đổi đầu chi (phù, đỏ tím, bong da);
- Biến đổi khoang miệng (môi đỏ, lưỡi đỏ có gai);
- Ban đỏ đa dạng toàn thân;
- Hạch góc hàm hoặc hạch dưới cằm với đường kính 1.5cm, chắc, không hóa mủ.
Ngoài ra, những thay đổi trong công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu, siêu âm mạch vành có giá trị quan trọng trong chẩn đoán.
4. Tại sao trẻ bị Kawasaki dễ mắc bệnh mạch vành?
Trẻ bị Kawasaki nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Những biến chứng hay gặp của Kawasaki là viêm tim, giãn động mạch vành, biến chứng tại hệ thần kinh, tiết niệu, sinh dục, hô hấp, tiêu hóa,...
Biến chứng tim mạch có thể xuất hiện trong vòng 2 tuần từ khi phát bệnh, sau 4 – 8 tuần hoặc giai đoạn di chứng và có thể kéo dài đến 13 năm. Các biến chứng tim mạch có thể gặp là tổn thương van tim, thay đổi kích thước mạch vành, phình động mạch vành về lâu dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột tử,... Trẻ bị Kawasaki mắc bệnh mạch vành thường khó điều trị, đòi hỏi những kỹ thuật cao như nong mạch, phẫu thuật bắc cầu,...
Bệnh mạch vành ở trẻ em mắc Kawasaki thường xảy ra hơn ở những trẻ dưới 1 tuổi hoặc trên 8 tuổi, nhất là trẻ trai. Thêm vào đó, những trẻ nhập viện muộn, không được điều trị đặc hiệu, không đáp ứng với điều trị là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.
5. Chăm sóc trẻ bị Kawasaki mắc bệnh mạch vành
Trẻ bị Kawasaki cần hạn chế vận động để tránh các biến chứng tim mạch. Cần cho trẻ nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp, chú ý cung cấp dinh dưỡng đầy đủ vì trẻ bị đau miệng, biếng ăn, quấy khóc. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn món trẻ thích, động viên trẻ cố gắng ăn đủ năng lượng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Nguyên nhân làm trẻ bị Kawasaki chưa được nghiên cứu đầy đủ, vì vậy chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh. Do đó, bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức để có thể phát hiện sớm bệnh Kawasaki và có biện pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.