Viêm mạch là bệnh lý viêm các mạch máu, thường dẫn đến thiếu máu, hoại tử và tổn thương viêm ở các cơ quan. Triệu chứng của viêm mạch thể hiện ở nhiều cách và các bộ phận khác nhau. Bệnh viêm mạch được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
1. Bệnh viêm mạch là gì?
Viêm mạch là bệnh lý viêm các mạch máu, thường dẫn tới thiếu máu, hoại tử và tổn thương viêm ở các cơ quan. Biểu hiện lâm sàng của viêm mạch rất đa dạng, phụ thuộc vào kích thước và vị trí của các mạch bị tổn thương, các cơ quan bị ảnh hưởng, mức độ và loại tổn thương viêm ngoại mạch.
Căn nguyên của bệnh viêm mạch có thể là do nguyên phát hoặc thứ phát. Viêm mạch nguyên phát không rõ nguyên nhân. Viêm mạch thứ phát có thể bị kích hoạt do nhiễm trùng, thuốc, chất độc hoặc có thể là biểu hiện của một rối loạn viêm khác hoặc ung thư.
2. Chẩn đoán bệnh viêm mạch
Để chẩn đoán bệnh viêm mạch, bác sĩ cần đánh giá lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm để đánh giá tình trạng viêm và tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm mạch bao gồm:
- Xét nghiệm cơ bản để phát hiện tình trạng viêm hoặc rối loạn chức năng của các cơ quan (ví dụ, công thức máu [CBC], tốc độ máu lắng [ESR], protein phản ứng C, albumin và tổng protein huyết thanh, aspartate aminotransferase [AST] và alanine aminotransferase [ALT], nitơ ure huyết [BUN] và creatinine, xét nghiệm nước tiểu) và để đánh giá giai đoạn bệnh
- Các xét nghiệm giúp xác định loại viêm mạch máu (ví dụ, các kháng thể kháng tương bào của bạch cầu đoạn trung tính [ANCA]) được chỉ định sau khi đánh trên lâm sàng
- Xét nghiệm và nghiên cứu hình ảnh có thể giúp xác định nguyên nhân gây viêm mạch (ví dụ: cryoglobulin, xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B, xét nghiệm kháng thể lõi viêm gan B và kháng thể bề mặt viêm gan B và xét nghiệm kháng thể vi rút viêm gan C, cấy máu) và mức độ tổn thương của cơ quan
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp MRI, chụp CT, chụp PET và siêu âm cho thấy tình trạng viêm ở các mạch máu và cơ quan. Bác sĩ có thể chỉ định chụp mạch, dụng tiêm thuốc nhuộm vào máu; thuốc nhuộm sẽ hiển thị trên phim X-quang để cung cấp hình ảnh rõ hơn về các mạch máu.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim kiểm tra mức độ hoạt động của tim.
- Sinh thiết
3. Điều trị bệnh viêm mạch thế nào?
Tuỳ theo nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mạch, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị viêm mạch phù hợp. Các phương pháp điều trị thường nhằm mục đích kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa tổn thương cơ quan và mạch máu.
a. Điều trị viêm mạch bằng thuốc
Các loại steroid như prednisone là loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất để chống lại tình trạng viêm do viêm mạch gây ra. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ như huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và các vấn đề về xương, đặc biệt là nếu bạn dùng chúng trong thời gian dài.
Các loại thuốc khác, như azathioprine (Azasan, Imuran), cyclophosphamide (Cytoxan), methotrexate (Rheumatrex, Trexall), mycophenolate (CellCept, Myfortic), rituximab (Riabni, Rituxan, Ruxience, Truxima) hoặc tocilizumab (Actemra) có thể được kê đơn cùng với steroid. Loại thuốc bạn có thể cần phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm mạch, tình trạng này có ở các cơ quan hay không và tiền sử bệnh.
b. Điều trị viêm mạch bằng phẫu thuật
Đôi khi tình trạng viêm mạch có thể gây ra các vấn đề cần phẫu thuật. Nếu thành mạch máu phình ra và hình thành phình động mạch, phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ phình động mạch bị vỡ. Nếu viêm mạch gây ra tắc động mạch, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để phục hồi lưu lượng máu đến khu vực đó.
4. Biến chứng của bệnh viêm mạch
Bệnh viêm mạch có thể gây ra một số biến chứng tùy thuộc vào loại viêm mạch bạn mắc phải và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số biến chứng nghiêm trọng của viêm mạch bao gồm:
- Tổn thương cơ quan
- Cục máu đông
- Phình động mạch
- Mất thị lực
- Nhiễm trùng
Cho đến nay, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi viêm mạch hoàn toàn nhưng với phương pháp điều trị phù hợp, bệnh có thể được kiểm soát tốt và ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Hầu hết các loại viêm mạch đều có thời gian thuyên giảm và tái phát. Tuân thủ phác đồ điều trị, thường xuyên thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ triệu chứng mới hoặc thay đổi sức khỏe sẽ giúp bệnh được kiểm soát tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: WebMD