Bệnh chàm da mặt: Cách chăm sóc để tránh lan rộng

Bị chàm trên mặt là một tình trạng mạn tính, thường gặp, gây ngứa ngoài da và khó chịu. Để kiểm soát tốt tình trạng này và ngăn ngừa lan rộng, việc chăm sóc da mặt hàng ngày đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những phương pháp và biện pháp chăm sóc da một cách hiệu quả. 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Bệnh chàm da mặt là gì?  

Bị chàm trên mặt là tình trạng da đỏ, bong tróc và ngứa ngáy. Đây là bệnh mạn tính, phát triển theo từng đợt. Các yếu tố gia đình và cá nhân, như tiền sử mắc các bệnh dị ứng, cùng với yếu tố môi trường và di truyền, đều có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của bệnh chàm. 

2. Dấu hiệu của bệnh chàm

Chàm eczema hay chàm trên da mặt thường biểu hiện qua các mảng da đỏ, hơi sưng, ngứa ngáy, và khô ráp, đôi khi còn bong tróc. Những biểu hiện này thường kích thích người bệnh, đặc biệt là trẻ em, gãi ngứa liên tục, dẫn đến trầy xước da, chảy dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như hình thành sẹo. Mức độ, màu sắc và diện tích của các vết chàm trên mặt có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân. 

Bị chàm trên mặt là một tình trạng viêm da phổ biến, gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa, đỏ, khô và bong tróc da
Bị chàm trên mặt là một tình trạng viêm da phổ biến, gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa, đỏ, khô và bong tróc da

Bên cạnh các triệu chứng điển hình kể trên, dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết sớm bị chàm trên mặt:

  • Các đốm màu đỏ trên mặt thường không rõ ranh giới và có xu hướng lan rộng, cùng với cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát và khó chịu ngày càng tăng.
  • Một số người bị chàm trên mặt có thể gặp phải triệu chứng phù nề hoặc viêm quanh mí mắt.
  • Ở vùng da bị chàm có thể xuất hiện mụn nước với màng rất mỏng, dễ vỡ. Khi mụn nước này vỡ, da sẽ đóng vảy, bong tróc và để lộ lớp da non.
  • Một số trường hợp, vùng da bị chàm bị nứt nẻ, chảy máu, hoặc tụ dịch mủ.

3. Nguyên nhân bị chàm trên mặt

Có nhiều yếu tố bị chàm trên mặt, trong đó có cả nguyên nhân di truyền và môi trường. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng; nếu bố mẹ từng bị chàm, khả năng con cái mắc phải tình trạng này cũng tăng lên đáng kể.
  • Bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vết chàm trên mặt.
  • Phản ứng dị ứng với thực phẩm, mỹ phẩm và hóa chất có thể dẫn đến hình thành chàm.
  • Môi trường ô nhiễm, bao gồm bụi mịn, khói, hóa chất, nấm mốc, phấn hoa, và lông động vật, có thể kích hoạt các phản ứng viêm trên da.
  • Thay đổi hormone đột ngột có thể làm tăng độ nhạy cảm của da, tạo điều kiện cho các dị nguyên gây ra chàm.
  • Sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm cũng làm tăng khả năng bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.
  • Chăn, ga, gối, đệm, khăn, mũ và khẩu trang chưa được vệ sinh kỹ có thể là nơi ẩn náu của các tác nhân gây viêm da.
  • Căng thẳng và lo lắng kéo dài cũng có thể góp phần gây ra chàm eczema. 
Bụi là một trong các yếu tố làm tình trạng bệnh chàm trở lên tồi tệ hơn
Bụi là một trong các yếu tố làm tình trạng bệnh chàm trở lên tồi tệ hơn

4. Cách chữa trị khi bị chàm

Với sự hỗ trợ của các phương pháp điều trị và thuốc đúng đắn, người bệnh có thể kiểm soát và làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh chàm. Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình điều trị, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Duy trì độ ẩm cho da.
  • Điều trị chống viêm.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Biết cách phòng bệnh.
  • Tránh tự ý sử dụng thuốc.

Một số thuốc điều trị tại chỗ thường được sử dụng để điều trị khi bị chàm trên mặt bao gồm:

4.1 Bị chàm trên mặt sử dụng thuốc có chứa steroid

Đây là một lựa chọn điều trị phổ biến trong việc giảm các triệu chứng của bệnh chàm, đặc biệt là giảm ngứa và viêm. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại kem steroid cần được tiến hành cẩn thận và không được kéo dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ như làm teo da và các vấn đề nghiêm trọng khác. Vì vậy, mọi người không nên tự ý sử dụng kem steroid lâu dài mà không có sự theo dõi và chỉ định từ bác sĩ để tránh nguy cơ biến chứng.

4.2 Thuốc ức chế calcineurin

Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc thoa không chứa steroid, như các thuốc ức chế calcineurin, để điều trị khi bị chàm trên mặt. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các chất có thể làm bùng phát bệnh chàm. Thuốc đặc biệt hữu ích trong việc điều trị bệnh chàm tại các khu vực nhạy cảm như da mặt, mí mắt, cổ, và các nếp gấp da.

4.3 Thuốc trị nấm  

Trong trường hợp bệnh chàm phát sinh do nhiễm nấm, bác sĩ có thể kê toa thuốc mỡ hoặc kem chống nấm.

4.4 Quang trị liệu (tia cực tím)

Phương pháp điều trị ánh sáng, hay còn gọi là liệu pháp quang học, là một lựa chọn có thể được áp dụng khi bị chàm trên mặt ở mức độ trung bình đến nặng, khi các loại kem bôi thông thường không còn hiệu quả.  

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc sử dụng liệu pháp quang học trong một thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.

5. Cách chăm sóc da mặt khi bị chàm

Bị chàm trên mặt là một tình trạng mãn tính và thường xuyên tái phát, không chỉ đòi hỏi các biện pháp điều trị triệu chứng mà còn cần chăm sóc làn da nhạy cảm một cách khoa học. Để quản lý hiệu quả, người bệnh cần áp dụng các phương pháp sau:  

5.1 Dưỡng ẩm

Để tránh làn da bị khô, việc sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dày, như Cetaphil hoặc Eucerin, cùng với các loại thuốc mỡ như Aquaphor hay Vaseline, là phương pháp hiệu quả. Mọi người nên thoa kem ngay sau khi rửa mặt để tận dụng tối đa khả năng giữ ẩm khi da còn ẩm. Nếu cảm thấy thuốc mỡ quá nhờn, mọi người có thể áp dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh tạo cảm giác bết dính trong suốt ngày.

5.2 Làm sạch nhẹ nhàng

Xà phòng có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm, nhưng chỉ dùng nước để rửa mặt đôi khi không đủ để làm sạch da, đặc biệt là đối với những có làn da dầu. Để giải quyết vấn đề này, hãy chọn một loại sữa rửa mặt không chứa xà phòng và có tính chất dịu nhẹ. Sau khi rửa mặt, dùng một chiếc khăn mềm để thấm khô da một cách nhẹ nhàng, tránh ma sát mạnh có thể làm tổn thương da. 

Tình trạng bệnh lý kéo dài, không thuyên giảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời
Tình trạng bệnh lý kéo dài, không thuyên giảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời

5.3 Kiểm tra nhiệt độ nước

Khi rửa mặt, người bị chàm trên mặt nên sử dụng nước mát thay vì nước nóng để tránh làm tổn thương và kích ứng da, điều này có thể làm triệu chứng trầm trọng hơn. Không khí quá khô cũng làm bệnh chàm nặng nề hơn.  

5.4 Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Ở một số người, bệnh chàm có thể trở nên tồi tệ hơn khi da họ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Do đó, việc bảo vệ làn da khỏi tia UV bằng cách sử dụng kem chống nắng phù hợp hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là cần thiết.

Ngoài ra, người bị nên hạn chế sử dụng trang điểm vì một số sản phẩm có thể chứa thành phần gây kích ứng hoặc dị ứng cho da nhạy cảm. Cuối cùng, điều quan trọng là tránh các tác nhân gây dị ứng đã biết để giảm thiểu nguy cơ bùng phát các triệu chứng chàm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giỏi, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, health.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe