Bệnh Celiac ở trẻ em, dị ứng lúa mì và trẻ nhạy cảm với gluten thường bị nhầm lẫn với nhau, do đều liên quan đến việc không dung nạp protein lúa mì và nhiều triệu chứng tương tự. Thực tế, đây là những tình trạng rất khác nhau và được kiểm soát theo những cách riêng biệt.
1. Bệnh Celiac ở trẻ em là gì?
Bệnh Celiac ở trẻ em là một chứng rối loạn tự miễn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Khi trẻ mắc bệnh, hệ miễn dịch sẽ phản ứng với gluten, làm phá hủy niêm mạc ruột non. Kết quả là, cơ thể của bé không thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn do ruột non bị tổn thương, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Gluten là một loại protein được tìm thấy trong thực phẩm có chứa:
- Lúa mì
- Lúa mạch đen
- Đại mạch.
Bệnh celiac là một trong những chứng rối loạn di truyền phổ biến, gặp phải ở khoảng 1/100 trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người không được chẩn đoán. Các nhà khoa học tin rằng căn bệnh này đang trở nên phổ biến hơn, nhưng không rõ lý do tại sao.
Các triệu chứng bệnh Celiac ở trẻ em có thể xuất hiện sớm nhất vào khoảng 6 tháng tuổi, khi bé bắt đầu làm quen với thức ăn đặc có chứa gluten. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể không được chú ý cho đến khi trưởng thành, và một số trẻ bị bệnh celiac hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng. Sự thật là phần lớn những người bị bệnh celiac không được chẩn đoán. Nếu không được điều trị, bệnh Celiac ở trẻ em có thể phát triển các biến chứng.
Con bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh celiac nếu:
- Cha mẹ hoặc anh chị em cũng mắc bệnh này
- Hội chứng Down
- Bệnh tiểu đường loại 1
- Thiếu hụt IgA có chọn lọc (vấn đề hệ miễn dịch)
- Hội chứng Turner
- Hội chứng Williams
- Viêm tuyến giáp tự miễn.
2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh celiac ở trẻ em
Các triệu chứng của bệnh celiac thay đổi theo độ tuổi và cũng khác nhau ở mỗi trẻ.
2.1. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
- Nôn mửa
- Bụng đầy hơi
- Quấy khóc
- Tăng trưởng kém
- Đầy hơi, xì hơi thường xuyên
- Tiêu chảy có mùi hôi.
2.2. Trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học
- Đau bụng
- Bụng đầy hơi
- Bệnh tiêu chảy
- Táo bón
- Khó tăng / giảm cân
- Chậm dậy thì
- Viêm da.
2.3. Biến chứng
Khoảng 20% người bệnh celiac không có bất kỳ dấu hiệu nào. Ngay cả khi không có triệu chứng, con bạn vẫn có thể phải chịu những hậu quả lâu dài về sức khỏe nếu không được điều trị. Những biến chứng có thể bao gồm:
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Suy dinh dưỡng
- Xương yếu
- Tầm vóc thấp bé
- Vô sinh
- Bệnh tuyến giáp
- Đa xơ cứng
- Ung thư đường ruột.
Vì vậy, điều quan trọng là phải đi xét nghiệm nếu trẻ có nguy cơ mắc bệnh celiac.
3. Phân biệt bệnh celiac, dị ứng lúa mì và nhạy cảm với gluten
3.1. Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là một rối loạn tự miễn nghiêm trọng, nhưng có thể điều trị được. Miễn là hoàn toàn tránh ăn gluten, trẻ sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào hoặc tổn thương ruột non.
3.2. Dị ứng lúa mì
Dị ứng lúa mì liên quan đến một phần khác của hệ miễn dịch. Nếu bị dị ứng, hệ miễn dịch của trẻ đã xác định các protein lúa mì là chất kích ứng. Bất cứ khi nào ăn hoặc hít phải các chất có chứa lúa mì, trẻ sẽ có phản ứng dị ứng, khiến cơ thể tiết ra histamine.
Trẻ bị dị ứng lúa mì có các triệu chứng dị ứng thực phẩm điển hình, chẳng hạn như:
- Nổi mề đay
- Sưng hoặc ngứa môi
- Phát ban
- Ngứa
- Thở khò khè
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Ói mửa.
Các triệu chứng xuất hiện trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng. Trong một số trường hợp, trẻ bị dị ứng lúa mì có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng.
3.3. Nhạy cảm với gluten
Nhạy cảm với gluten còn gọi là hội chứng không dung nạp lúa mì. Đây không phải là dị ứng thực phẩm và người bệnh cũng không có kết quả dương tính với bệnh celiac. Trên thực tế, không có thử nghiệm cụ thể để xác định độ nhạy với gluten. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh celiac, và sẽ cải thiện khi áp dụng chế độ ăn không gluten. Giống như bệnh celiac, một số nghiên cứu chỉ ra nhạy cảm với gluten cũng có thể gây tổn thương nhẹ cho ruột non. Nhưng khác với bệnh celiac, nhạy cảm với gluten dường như không di truyền. Một số trẻ nhạy cảm với gluten cũng có thể được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích (IBS).
Có nghiên cứu cho thấy hội chứng này liên quan đến thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, tên viết tắt là FODMAP. Sữa, lúa mì, đậu, một số chất ngọt, trái cây và rau là những loại carbs có xu hướng khó tiêu hóa, có thể lên men trong ruột và gây đau bụng ở những người bị nhạy cảm.
4. Chẩn đoán và điều trị
4.1. Chẩn đoán
Hỏi bác sĩ nếu bạn nghi ngờ trẻ bị bệnh celiac hoặc một vấn đề khác liên quan đến gluten. Bác sĩ nhi khoa có thể:
- Kiểm tra sức khỏe.
- Đặt câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh gia đình.
- Xét nghiệm máu để tìm bệnh Celiac ở trẻ em. Để đảm bảo tính chính xác, bạn vẫn tiếp tục cho trẻ ăn uống như bình thường. Đừng loại bỏ thực phẩm có chứa gluten hoặc lúa mì trừ khi bác sĩ yêu cầu đặc biệt.
- Xét nghiệm lẩy da, xét nghiệm máu hoặc thử thực phẩm nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng lúa mì. Trẻ có thể được yêu cầu ăn một lượng nhỏ lúa mì dưới sự giám sát y tế và được theo dõi phản ứng.
- Nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề với gluten, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm xét nghiệm máu và nội soi (đưa một ống mỏng dài qua miệng và dạ dày rồi vào ruột non để lấy một mẫu mô nhỏ). Nếu mẫu xét nghiệm cho thấy ruột non bị tổn thương, trẻ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh celiac.
Độ nhạy với gluten khó chẩn đoán hơn. Hiện tại, không có bất kỳ hình thức xét nghiệm nào. Nếu con bạn có vấn đề với gluten, nhưng âm tính với dị ứng lúa mì và bệnh celiac, bác sĩ có thể chẩn đoán nhạy cảm với gluten. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ khuyên bạn nên thử chế độ ăn kiêng không chứa gluten hoặc ít FODMAP. Nếu các triệu chứng của trẻ được cải thiện, câu trả lời nhiều khả năng là trẻ nhạy cảm với gluten.
Nhiều phụ huynh không muốn trẻ phải nội soi và chỉ cho bé ăn uống không gluten khi nghi ngờ mắc bệnh, nhưng việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng. Nếu trẻ bị bệnh celiac, bạn sẽ cần quản lý chế độ ăn uống một cách an toàn, đồng thời bác sĩ cũng cần theo dõi tổn thương đường ruột và mất xương.
Bệnh Celiac có xu hướng di truyền trong gia đình, vì vậy cha mẹ và anh chị em của trẻ cũng phải được tầm soát.
Bệnh celiac | Dị ứng lúa mì | Nhạy cảm với gluten |
Nếu con bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh celiac, cần đảm bảo trẻ phải tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa gluten trong thời gian dài. Sau khi loại bỏ gluten, các triệu chứng của bé sẽ dần biến mất và ruột non lành lại trong vòng vài tháng. Thật không may, mọi người không thể khỏi bệnh celiac hoàn toàn. Con bạn sẽ cần phải ăn kiêng nghiêm ngặt, không có gluten trong suốt cuộc đời. |
hông giống như bệnh celiac, nhiều trẻ bị dị ứng lúa mì có thể chịu được các loại ngũ cốc khác, như lúa mạch đen và đại mạch. Việc theo chế độ ăn không có lúa mì sẽ dễ dàng hơn một chút so với chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không có gluten. Hỏi bác sĩ chuyên khoa dị ứng về các loại thực phẩm mà con bạn có thể ăn an toàn. Hầu hết trẻ em sẽ hết dị ứng lúa mì khi đến tuổi trưởng thành. |
Không rõ liệu những trẻ nhạy cảm với gluten có cần tránh gluten nghiêm ngặt như những người bị bệnh celiac hay không. Trong khi tiếp tục nghiên cứu, các chuyên gia khuyến nghị rằng những bệnh nhân nhạy cảm với gluten nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để phát triển kế hoạch ăn uống cá nhân, giúp kiểm soát triệu chứng. Nhạy cảm với gluten có thể là một tình trạng tạm thời. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên thử lại gluten sau 1 - 2 năm tuân thủ chế độ ăn không gluten. |
5. Các loại thực phẩm chứa gluten
Để tuân theo chế độ ăn không có gluten, trẻ cần tránh xa lúa mì, lúa mạch đen và đại mạch, cũng như các chất phụ gia có thể chứa gluten. Hầu hết mì ống, bánh pizza, bánh quy giòn, ngũ cốc, bánh mì và bánh nướng đều được làm bằng các loại ngũ cốc này. Các thành phần chứa gluten phổ biến bao gồm:
- Các loại lúa mì
- Cám lúa mì, tinh bột mì, mầm lúa mì, tấm, protein lúa mì thủy phân
- Đại mạch
- Lúa mạch đen
- Tiểu hắc mạch
- Mạch nha.
Yến mạch tự nhiên không chứa gluten, nhưng nhiều sản phẩm yến mạch bị nhiễm gluten trong quá trình chế biến. Vì vậy, trẻ có thể thử dùng yến mạch được dán nhãn không chứa gluten. Tuy nhiên một số bệnh nhân celiac cũng không thể dung nạp yến mạch.
Mặc dù chế độ ăn không có gluten đã trở thành xu hướng trong những năm gần đây, nhưng không nhất thiết phải áp dụng nếu trẻ không mắc bệnh celiac hoặc rối loạn gluten. Bởi vì trẻ có thể bỏ lỡ các chất dinh dưỡng chính, cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
6. Cách xây dựng bữa ăn không có gluten
Đối với nhiều gia đình, không ăn gluten là một thay đổi lớn trong lối sống. Sau đây là một số hướng dẫn cho cha mẹ.
6.1. Học cách đọc nhãn thực phẩm
Khi mua sắm, hãy kiểm tra thành phần và tránh tất cả ngũ cốc chứa gluten. Cảnh giác với thực phẩm chế biến sẵn. Gluten có thể được tìm thấy ở những món bạn không ngờ, chẳng hạn như món hầm và súp mua ở cửa hàng, nước tương, thịt chế biến sẵn (xúc xích và thịt nguội), nước sốt salad, thuốc, vitamin và thậm chí cả son dưỡng môi.
6.2. Chọn các thành phần tự nhiên không chứa gluten
Bánh mì và bánh quy dán nhãn không chứa gluten thường đắt hơn và có thêm đường, natri hoặc chất béo để ngon miệng. Thực phẩm toàn phần - như thịt và gia cầm, cá, trái cây, rau, hầu hết các loại sữa và các hạt đều tự nhiên không chứa gluten và tốt cho sức khỏe gia đình bạn.
6.3. Kiểm tra món không chứa gluten khi đi ăn bên ngoài
Trước khi đến một nhà hàng, hãy kiểm tra trực tuyến hoặc gọi điện trước để xem họ có cung cấp các món không chứa gluten hay không. Đối với các bữa tiệc sinh nhật và ngày vui chơi, con bạn có thể cảm thấy bị bỏ rơi nếu không thể ăn những gì người khác đang thưởng thức. Nói chuyện trước với con và cung cấp riêng một phần ăn đặc biệt. Hầu hết các bậc cha mẹ khác sẽ hiểu.
6.4. Trao đổi với hiệu trưởng về bữa trưa ở trường
Các trường phải bố trí bữa ăn hợp lý cho trẻ mắc bệnh celiac theo chế độ ăn không có gluten hoặc trẻ em có nguy cơ bị phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng với lúa mì. Bác sĩ sẽ cung cấp giấy xác nhận về tình trạng của con bạn. Tuy nhiên, nếu không tin tưởng, bạn có thể tự chuẩn bị riêng bữa trưa cho con mình.
6.5. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch ăn uống
Thực phẩm không chứa gluten không phải luôn lành mạnh. Điều quan trọng là đảm bảo trẻ không thiếu bất kỳ chất dinh dưỡng thiết yếu nào. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp phát triển một kế hoạch ăn uống bổ dưỡng, phù hợp với ngân sách và lối sống của bạn, đồng thời cung cấp cho bạn công thức nấu ăn và đề xuất các sản phẩm thay thế.
Bệnh Celiac ở trẻ em, dị ứng lúa mì và trẻ nhạy cảm với gluten thường bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, mỗi bệnh vẫn cần có sự kiểm soát riêng biệt. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu dị ứng thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám, làm xét nghiệm và được tư vấn hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.