Bài viết được viết bởi ThS.BS Phạm Thị Mai Thanh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hiện tượng sôi bụng và trung tiện nhiều làm mọi người có cảm giác không thoải mái và đôi khi xấu hổ. Trung bình một người sản sinh ra 0,5- 1,5 lít hơi/ ngày và trung tiện 14-23 lần/ ngày. Trung tiện trước và sau bữa ăn là bình thường.
1. Tăng sinh hơi
Lượng khí sinh ra trong cơ thể phụ thuộc và chế độ ăn và các yếu tố cá nhân, tuy nhiên đa số bệnh nhân than phiền chướng hơi lại không sản sinh nhiều hơi hơn những người khác mà do họ nhạy cảm với hơi hơn. Bên cạnh đó một số thức ăn hay thuốc có thể gây sản sinh nhiều hơi.
2. Các nguyên nhân chính gây tăng hơi
Hơi nuốt vào khi ăn: Là nguồn gốc chính của hơi trong dạ dày. Bình thường mọi người đều nuốt một ít hơi khi ăn, uống hoặc nuốt nước bọt. Bạn có thể nuốt một lượng lớn hơi khi ăn quá nhanh hoặc uống ừng ực, nhai kẹo cao su hoặc hút thuốc. Đa số lượng hơi nuốt vào đều bị ợ ra, chỉ một lượng rất ít đi xuống ruột non. Tư thế của bạn ảnh hưởng đến việc có bao nhiêu hơi sẽ đi xuống ruột. Ở tư thế ngồi, đa số lượng hơi nuốt vào sẽ đi ngược lên thực quản và được ợ ra. Ở tư thế nằm hơi có khuynh hướng đi xuống ruột và gây hiện tượng sôi bụng. Ợ hơi thường xảy ra tự nhiên, không định trước. Ợ hơi sau ăn giúp làm giảm lượng hơi gây căng chướng và giảm áp lực trong dạ dày. Ợ hơi xảy ra thường xuyên hơn sau khi ăn một số thức ăn làm giãn cơ thắt thực quản dưới ví dụ như: Bạc hà, sô cô la, thức ăn béo...
Thực phẩm sinh hơi: Thực phẩm chứa các carbohydrate chuỗi ngắn, kém hấp thu ở đường tiêu hóa (GI) gọi là “ FODMAPs” ( fermentable oligo- di- and monosaccharides and polyols ) ở một số người và gây ra khí, chướng bụng và đau. Chế độ ăn kiêng FODMAP thấp (gồm bột mì, lúa mạch, sữa, một số loại hoa quả và rau) có thể làm giảm hơi. Tinh bột và chất xơ hòa tan cũng góp phần sinh hơi. Khoai tây, ngô, mì và bột mì sinh hơi trong khi gạo thì không. Chất xơ hòa tan (chứa trong cám yến mạch, đậu Hà lan và các rau đậu khác ) cũng có thể gây sinh hơi nhất là trong vài tuần đầu mới ăn.
Không dung nạp lactose: Lactose là 1 loại đường chứa trong các sản phẩm từ sữa. Không dung nạp lactose là hiện tượng cơ thể không tiêu hóa được lactose gây đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy.
Không dung nạp một số loại đường khác: Một số người không tiêu hóa được một số loại đường khác chứa trong thực phẩm như fructose ( chứa trong hoa quả sấy khô, mật ong, đường mía, hành, atiso và một số đồ uống chứa siro ngô ) và sorbitol ( chứa trong các loại kẹo ăn kiêng không đường )
Một số bệnh gây khó hấp thu carbohydrate và dẫn đến làm tăng sinh hơi. Vấn đề này cũng xuất hiện ở bệnh nhân Celiac (không dung nạp gluten- một loại protein chứa trong bột mì), hội chứng ruột ngắn và một số bệnh khác như đái tháo đường hoặc xơ cứng bì.
Nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.