Mặc dù bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T hiếm khi xảy ra nhưng mỗi năm vẫn có hàng ngàn người tử vong liên quan đến bệnh bạch cầu mãn tính. Cho đến nay vẫn không thể chắc chắn người mắc bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T có thể kéo dài cuộc sống trong bao nhiêu lâu.
1. Bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho T
Tế bào T là một loại bạch cầu trực tiếp hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho T là một phân nhóm của bệnh bạch cầu mạn tính dòng tế bào Lympho (Chronic lymphocytic leukemia - CLL). Căn bệnh này cũng được thành nhiều nhóm khác nhau như sau:
1.1 Bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho có hạt lớn (LGLL)
Là bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T tăng trưởng chậm, phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới. Đến nay, nguyên nhân của LGLL vẫn chưa được tìm ra. Đây là một tình trạng mãn tính do sưng phồng các khớp ở bàn tay chân, cổ tay, đầu gối, hông hoặc vai.
1.2 Bệnh bạch cầu dòng tế bào tiền lympho T (T-PLL)
Trong khi bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T trưởng thành xảy ra ở đa số người lớn và trung niên thì T-PLL thường phổ biến ở nam giới lúc về già. T-PLL là một dạng phụ của bệnh bạch cầu mãn tính xâm lấn và có thể tác động vào da. Bệnh nhân mắc T-PLL thường có biến đổi gen trong tế bào lympho T. Bệnh T-PLL không có tính di truyền từ bố mẹ sang con.
1.3 Bệnh ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho T trưởng thành (ATLL)
Dựa trên những điểm đặc trưng khác nhau, ATLL được chia thành 4 loại phụ bao gồm âm ỉ, mãn tính, cấp tính hoặc ung thư hạch dòng tế bào lympho T trưởng thành. Trong đó, ung thư hạch là ung thư xảy ra trong hệ bạch huyết. Loại này cùng với loại cấp tính sẽ tiến triển nhanh chóng. Nguyên nhân gây ATLL là do virus phiên mã ngược, hay còn gọi là virus bạch cầu dòng tế bào lympho T ở người (HTLV1).
1.4 Hội chứng Sezary
Hội chứng Sezary là tình trạng u sùi dạng nấm - một u lympho T ở dưới da. Bệnh Sezary thường diễn tiến chậm trong nhiều năm và chỉ được chẩn đoán khi một lượng lớn các tế bào u lympho được tìm thấy ở trong máu, xuất hiện kèm chứng đỏ da toàn thân.
2. Dấu hiệu của bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào Lympho T
Người mắc bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T có thể không gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc sẽ trải qua những triệu chứng sau:
- Nhiễm trùng tái phát do số lượng các tế bào bạch cầu trung tính thấp;
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím;
- Sốt không rõ nguyên nhân, ớn lạnh và/ hoặc đổ mồ hôi ban đêm;
- Mệt mỏi và/ hoặc sút cân bất thường;
- Đau bụng dai dẳng, sưng lá lách phía bên trái không rõ nguyên nhân (LGLL, T-PLL);
- Sưng hạch bạch huyết (T-PLL, ATLL);
- Phát ban, ngứa hoặc tổn thương da (T-PLL, ATLL, hội chứng Sezary);
- Đi tiểu thường xuyên và/ hoặc táo bón do tăng nồng độ calci huyết (ATLL);
- Nhanh no, đầy bụng hoặc đau bụng khi ăn (T-PLL).
Nếu bạn đang gặp một hoặc nhiều dấu hiệu kể trên, nên trình bày với bác sĩ về thời gian và tần suất của các triệu chứng nhằm tìm ra nguyên nhân. Trong trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, tập trung kiểm soát các triệu chứng là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc và điều trị.
3. Chẩn đoán bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T
Để lựa chọn hình thức xét nghiệm chẩn đoán bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T phù hợp với từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau:
- Loại bệnh bạch cầu nghi ngờ;
- Các dấu hiệu và triệu chứng;
- Độ tuổi và tình trạng sức khỏe;
- Kết quả của những lần kiểm tra sức khỏe trước đây.
Ngoài đánh giá thể trạng sức khỏe chung của bệnh nhân, xét nghiệm máu hoặc tủy xương là cách duy nhất để chẩn đoán chính xác căn bệnh này. Các xét nghiệm thường được tiến hành cụ thể là:
3.1 Xét nghiệm huyết đồ (CBC)
Đây thường là xét nghiệm đầu tiên nhằm chẩn đoán bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T. Trong đó, bác sĩ sẽ đo lường mọi tế bào khác nhau trong máu khi nghi ngờ mắc bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T.
3.2 Kiểm tra tủy xương
Kiểm tra tủy xương bao gồm 2 quá trình là hút tủy (dùng kim lấy đi một ít dịch tủy) và sinh thiết tủy xương (dùng kim sinh thiết lấy đi một ít mô tủy rắn). Vị trí thường hút và sinh thiết tủy xương là phần xương chậu, người bệnh cũng thường được gây tê trước.
3.3 Xét nghiệm phân tử
Kiểm tra trên mẫu tủy xương trong phòng thí nghiệm để xác định các gen, protein đặc hiệu và những yếu tố khác liên quan đến căn bệnh này. Trong đó, Immunophenotyping là xét nghiệm kiểm tra các kháng nguyên, giúp khẳng định chính xác loại bệnh bạch cầu. Xét nghiệm di truyền tế bào nhằm kiểm tra thay đổi nhiễm sắc thể bất thường ở bạch cầu, hỗ trợ các bác sĩ tái khẳng định chẩn đoán và giúp bệnh nhân có cơ hội bình phục.
- Sinh thiết: Tùy thuộc vào kiểu bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho T bị nghi ngờ, bác sĩ cũng có thể chỉ định sinh thiết da để tìm những tế bào lympho T trên mẫu da, hoặc sinh thiết hạch bạch huyết để tìm những tế bào bạch cầu.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT scan): Sử dụng tia X để đo kích thước của một nốt bạch huyết bị phồng trong cơ thể.
Sau khi hoàn thành xong những xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ tổng hợp lại toàn bộ kết quả của bệnh nhân. Nếu được xác định mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T, những kết quả này sẽ giúp người làm chuyên môn đánh giá rõ căn bệnh. Các thông số cụ thể như vậy còn hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế trong quá trình tìm ra phác đồ điều trị thích hợp nhất và dự đoán tiên lượng cũng như đem đến cơ hội bình phục cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net
XEM THÊM: