Hệ miễn dịch là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sự sống của con người, đảm bảo sức khỏe và ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh từ môi trường. Nếu thiếu hệ miễn dịch, cơ thể sẽ dễ dàng bị vi khuẩn, virus và ký sinh trùng tấn công. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về hệ miễn dịch, hệ miễn dịch hoạt động như thế nào và những thông tin cần biết khác.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Miễn dịch và phân loại hệ miễn dịch
Tùy thuộc vào từng cá nhân, khả năng miễn dịch sẽ có sự khác biệt nhưng nhìn chung, hệ miễn dịch thường hoạt động hiệu quả hơn khi trưởng thành. Chính vì lý do đó, người lớn và thanh thiếu niên thường ít mắc bệnh hơn so với trẻ nhỏ.
Khi cơ thể đã sản xuất ra kháng thể, bản sao của kháng thể đó vẫn còn tồn tại trong cơ thể và giúp tăng tốc độ tiêu diệt nếu kháng nguyên tương tự xuất hiện trở lại. Đây là lý do tại sao mọi người chỉ bị nhiễm bệnh thủy đậu một lần. Hiện tượng này được gọi là miễn dịch.
Ở người có ba loại miễn dịch: Bẩm sinh, thích nghi và thụ động.
1.1 Miễn dịch bẩm sinh
Mỗi cá nhân khi sinh ra đều mang theo một lượng miễn dịch nhất định. Tương tự như nhiều loài động vật khác, hệ thống miễn dịch của con người hoạt động để tấn công các yếu tố gây hại ngay khi yếu tố này xâm nhập vào cơ thể.
Miễn dịch bẩm sinh đóng vai trò như một hàng rào phòng thủ đầu tiên chống lại các mầm bệnh, chẳng hạn như da, màng nhầy của cổ họng và ruột. Phản ứng này không đặc hiệu và thuộc loại cơ bản. Nếu mầm bệnh tìm cách tránh hệ thống miễn dịch bẩm sinh thì quá trình miễn dịch thích nghi hoặc mắc phải sẽ xảy ra.
1.2 Miễn dịch thích ứng
Khi mầm bệnh xâm nhập, hệ thống miễn dịch thích ứng sẽ bảo vệ cơ thể. Việc tiếp xúc với bệnh tật hoặc tiêm vắc-xin giúp cơ thể sản xuất kháng thể vừa đủ để đối phó với các mầm bệnh khác nhau. Quá trình này được gọi là tạo bộ nhớ miễn dịch vì hệ thống miễn dịch có khả năng ghi nhớ các kẻ thù trước đây.
1.3 Miễn dịch thụ động
Loại miễn dịch này được "mượn" từ một nguồn bên ngoài nhưng không có khả năng tồn tại lâu dài. Ví dụ, kháng thể được chuyển từ mẹ sang em bé qua nhau thai trước khi sinh và qua sữa mẹ sau khi em bé ra đời. Loại miễn dịch thụ động này giúp bảo vệ em bé khỏi một số bệnh nhiễm trùng trong những năm đầu đời.
Tiêm chủng là phương pháp đưa các kháng nguyên hoặc mầm bệnh suy yếu vào cơ thể nhằm kích thích sự sản sinh kháng thể. Vì cơ thể giữ lại các bản sao của kháng thể nên các kháng thể có khả năng bảo vệ nếu mối đe dọa quay trở lại sau này.
2. Hệ miễn dịch hoạt động thế nào?
Để phát hiện kẻ thù từ mọi hướng, hệ miễn dịch phải nhận biết các protein trên bề mặt tế bào. Ngay từ ban đầu, hệ miễn dịch đã học cách bỏ qua những protein của chính mình.
2.1 Kháng nguyên gây ra phản ứng miễn dịch khi đi vào cơ thể
Kháng nguyên có thể là vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc độc tố trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, các tế bào chết hoặc bị lỗi cũng có khả năng là kháng nguyên. Ban đầu, một số loại tế bào kết hợp với nhau để phát hiện sự xuất hiện của kháng nguyên.
2.2 Vai trò của tế bào lympho B
Khi nhận diện được kháng nguyên, tế bào lympho B bắt đầu sản xuất kháng thể (kháng nguyên là viết tắt của "máy tạo kháng thể"). Kháng thể là loại protein đặc biệt có khả năng vô hiệu hóa kháng nguyên tương ứng.
Mỗi kháng thể cụ thể được tạo ra bởi từng tế bào lympho B. Ví dụ, một số tế bào B sản xuất kháng thể để chống lại vi khuẩn gây viêm phổi, trong khi các tế bào B khác lại có thể nhận diện vi-rút gây cảm lạnh thông thường.
Immunoglobulin là một nhóm hóa chất, kháng thể là một phần trong đó và có nhiều vai trò trong các phản ứng miễn dịch.
- Immunoglobulin G (IgG): Đánh dấu các vi khuẩn để các tế bào khác có thể nhận diện và đối phó với chúng.
- IgM: Là chuyên gia tiêu diệt vi khuẩn.
- IgA: Tập hợp trong chất lỏng cơ thể, chẳng hạn như nước mắt và nước bọt, nơi IgA bảo vệ các cổng vào cơ thể.
- IgE: Bảo vệ chống lại ký sinh trùng và cũng là nguyên nhân gây ra dị ứng.
- IgD: Vẫn gắn kết với tế bào lympho B, giúp chúng bắt đầu phản ứng miễn dịch.
Kháng thể khóa kháng nguyên, nhưng không trực tiếp tiêu diệt kháng nguyên mà chỉ đánh dấu. Việc tiêu diệt kháng nguyên là nhiệm vụ của các tế bào khác, như thực bào.
2.3 Vai trò của tế bào lympho T
Các loại tế bào lympho T rất đa dạng, bao gồm:
- Tế bào Helper T (tế bào Th) phối hợp với các phản ứng miễn dịch. Một số tế bào Th kết hợp với các loại tế bào khác, trong khi số khác kích thích tế bào B để sản xuất thêm kháng thể. Những tế bào còn lại thì thu hút nhiều tế bào T hoặc thực bào để tiêu diệt tế bào.
- Các tế bào Killer T (hay còn gọi là tế bào lympho T gây độc tế bào) tấn công các tế bào khác, đúng như như tên gọi. Các tế bào này có vai trò quan trọng trong việc chống lại virus và hoạt động bằng cách nhận diện các phần nhỏ của virus xuất hiện trên bề mặt tế bào bị nhiễm và tiêu diệt những tế bào đó.
3. Khi nào hệ thống miễn dịch ngừng hoạt động?
Hệ miễn dịch đôi khi nhầm lẫn và nhận diện một chất không có hại (như phấn hoa, vẩy da thú cưng) như một chất gây hại và dẫn đến phản ứng dị ứng, khiến hệ thống miễn dịch cố gắng chống lại những yếu tố này.
Cơ thể không có khả năng chống lại mọi kẻ thù. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch thỉnh thoảng cũng bị suy yếu. Vì lý do này, con người không thể kiểm soát được một số bệnh.
Khi hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn, vi rút hoặc độc tố sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh. Những yếu tố như chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, thiếu ngủ và căng thẳng liên tục đều làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
4. Rối loạn hệ thống miễn dịch
Hệ miễn dịch phức tạp đến mức có thể dẫn đến nhiều loại rối loạn khác nhau. Ba loại rối loạn miễn dịch gồm:
4.1 Suy giảm miễn dịch
Khi một hoặc nhiều phần của hệ miễn dịch không hoạt động, tình trạng suy giảm miễn dịch sẽ phát sinh. Các yếu tố gây suy giảm miễn dịch có thể bao gồm tuổi già, béo phì và nghiện rượu. Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân chính thường là suy dinh dưỡng. AIDS cũnglà một ví dụ điển hình về bệnh làm suy giảm miễn dịch mắc phải.
Suy giảm miễn dịch có thể di truyền trong một số tình huống, chẳng hạn như trong bệnh u hạt mạn tính, nơi mà chức năng thực bào không hoạt động bình thường.
4.2 Tự miễn dịch
Trong điều kiện tự miễn, hệ miễn dịch có xu hướng tấn công các tế bào khỏe mạnh thay vì tập trung vào các mầm bệnh lạ hoặc các tế bào bị lỗi. Một số bệnh tự miễn thường gặp bao gồm bệnh celiac, tiểu đường loại 1, viêm khớp dạng thấp và bệnh Graves.
4.3 Quá mẫn
Hệ miễn dịch khi trở nên quá mẫn cảm sẽ phản ứng quá mức và làm tổn hại các mô khỏe mạnh. Ví dụ về tình trạng này là sốc phản vệ, khi cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng một cách mạnh mẽ đến mức có nguy cơ đe dọa tính mạng.
5. Phương pháp cải thiện hệ miễn dịch
5.1 Tập thể dục
Mọi người sẽ cảm thấy mệt mỏi và hệ miễn dịch bị suy giảm nếu ít vận động. Tập thể dục sẽ giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
5.2 Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng để hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Nếu ăn nhiều thực phẩm chứa calo rỗng, mọi người không chỉ có nguy cơ tăng cân mà còn dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Thêm vào đó, thừa cân kèm theo các bệnh lý sẽ làm giảm hiệu quả của hệ miễn dịch.
Để tăng cường sức đề kháng với nhiễm trùng, chế độ ăn uống cần giàu vitamin và chất chống oxy hóa. Vì thế, mọi người nên chọn thực đơn với nhiều trái cây và rau củ màu xanh đậm, đỏ, vàng và cam vốn chứa nhiều chất chống oxy hóa.
Bên cạnh đó, các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt, kiwi, táo, nho đỏ, cải xoăn, hành tây, rau bina, khoai lang và cà rốt cũng cần được bổ sung vào chế độ ăn.
Tỏi tươi với khả năng kháng vi-rút và kháng sinh cùng súp gà là những thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi bị cảm lạnh hoặc cúm, việc dùng một bát súp gà nóng có thể giúp giảm viêm và làm cho quá trình hồi phục trở nên nhanh chóng hơn.
Nấm linh chi, nấm khiêu vũ và nấm hương có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chức năng miễn dịch, cũng như làm gia tăng việc sản xuất các chất giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng.
5.3 Ngủ đủ giấc
Cơ thể không chỉ có thể cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày do mất ngủ thường xuyên mà còn dễ mắc phải các bệnh như cảm lạnh, cúm và các nhiễm trùng khác. Theo thời gian, giấc ngủ kém còn được chứng minh làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như béo phì và tiểu đường.
Đo lường chính xác hiệu quả bảo vệ của giấc ngủ rất khó. Tương tự như các chất chống oxy hóa, giấc ngủ tốt có khả năng làm giảm căng thẳng và bảo vệ các tế bào khỏi sự tổn hại cũng như suy yếu. Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm có liên quan đến việc tăng sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.
5.4 Quản lý căng thẳng
Căng thẳng liên tục khiến cơ thể dễ bị tổn thương bởi nhiều loại bệnh, từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh mãn tính. Khi căng thẳng kéo dài, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng xấu do cơ thể gia tăng sản xuất các loại hormone như cortisol và adrenaline, dẫn đến việc hệ miễn dịch bị suy yếu. Tình trạng căng thẳng mãn tính không chỉ liên quan đến bệnh tim và huyết áp cao mà còn có thể làm suy giảm chức năng của tế bào bạch cầu.
5.5 Tránh lạm dụng rượu bia và các chất kích thích
Uống rượu ở mức độ vừa phải có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm giảm nguy cơ bệnh tim. Một người đàn ông có khả năng tiêu thụ từ 1 đến 2 ly mỗi ngày, trong khi một người phụ nữ chỉ nên uống 1 ly mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi tiêu thụ rượu quá mức, việc này sẽ gây ức chế chức năng của tế bào bạch cầu và làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng. Các loại thuốc kích thích như cần sa cũng gây tác hại tương tự, làm suy yếu hệ miễn dịch bằng cách ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu.
5.6 Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có nhiều bạn bè thân thiết và mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh sẽ có sức khoẻ tốt hơn so với những người khác.
Ngoài ra, khi có một mối quan hệ tình dục tốt, hệ thống miễn dịch sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn. Một nghiên cứu có đối tượng là sinh viên đại học đã cho thấy rằng, những người có quan hệ tình dục từ 1 đến 2 lần mỗi tuần có mức protein miễn dịch immunoglobulin A (IgA) cao hơn so với những người có tần suất quan hệ tình dục thấp hơn. Ngoài ra, tình dục còn có tác động tích cực đến hệ miễn dịch bằng cách giảm căng thẳng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.