Bài tập giúp giảm đau cổ tay hiệu quả

Các cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà có thể giúp người bệnh giảm nhẹ cơn đau nếu đang phải đối mặt với cơn đau ở khu vực cổ tay. Đây là vấn đề thường gặp ở người làm văn phòng phải thường xuyên sử dụng bàn phím máy tính, các thiết bị đòi hỏi lực từ cổ tay và ngón tay.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSCK I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Đau cổ tay là gì?

Đau cổ tay là tình trạng phổ biến khi có tổn thương ở sụn, xương dưới sụn khớp cổ tay hoặc các cấu trúc mềm xung quanh như dây chằng, bao gân, gân cơ, bao hoạt dịch ở khớp cổ tay. Các bộ phận này chia thành 2 phần: phần xương khớp và phần mô mềm, hỗ trợ lẫn nhau giúp khớp cổ tay hoạt động nhịp nhàng và linh hoạt.

Đây là vấn đề thường gặp ở công việc văn phòng thường xuyên sử dụng bàn phím máy tính, các thiết bị đòi hỏi sự sử dụng lực từ cổ tay và ngón tay. Ngoài ra, vận động viên thi đấu các môn thể thao như cầu lông, quần vợt cũng thường gặp phải tình trạng này.

Triệu chứng của đau khớp cổ tay thường là cảm giác đau nhức, có thể là đau buốt hoặc đau dữ dội tại vùng cổ tay. Thường khi đau, người bệnh có xu hướng tự ý mua thuốc giảm đau hoặc tự áp dụng các cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà, nhưng cơn đau không giảm đi hoặc, đôi khi có thể giảm nhẹ nhưng sau đó lại tái phát và trở nên nặng hơn. 

Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

2. Vì sao bị đau khớp cổ tay?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây đau khớp cổ tay, người bệnh cần được chẩn đoán chính xác để áp dụng cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau cổ tay:

  • Chấn thương: Các vết thương do rơi ngã hoặc thay đổi tư thế đột ngột có thể gây đau cổ tay và tạo áp lực lên cánh tay dẫn đến trật khớp hoặc gãy xương.
  • Bệnh lý viêm xương khớp: Các bệnh như thoái hóa khớp, viêm khớp do nhiễm khuẩn hoặc viêm khớp dạng thấp đều có thể gây ra đau cổ tay.
  • U nang bao hoạt dịch: Sự hình thành các u nang bao hoạt dịch ở vùng cổ tay cũng có thể gây ra đau nhức.
  • Viêm gân: Bệnh lý này đặc biệt phổ biến với những người làm việc văn phòng hoặc tham gia các môn thể thao như quần vợt, cầu lông vì có thể gây đau cổ tay. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây sưng và cứng khớp.
  • Hội chứng ống cổ tay: Đây là tình trạng mà dây thần kinh bị chèn ép trong ống cổ tay, gây ra đau ở khu vực này. 
Dây thần kinh ống cổ tay bị chèn ép gây ra hội chứng ống cổ tay
Dây thần kinh ống cổ tay bị chèn ép gây ra hội chứng ống cổ tay

3. Các bài tập giảm đau cổ tay hiệu quả

Nếu không được điều trị, đau khớp cổ tay có thể gây ra nhiều khó khăn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này có thể tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng như bệnh viêm khớp.

Tuy nhiên, đau cổ tay có thể được điều trị thành công nếu được chẩn đoán đúng nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả. Có nhiều phương pháp điều trị đau cổ tay, trong đó bài tập vật lý trị liệu được coi là một trong những cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà hiệu quả nhất.

Dưới đây là một số bài tập giảm đau cổ tay thường được bác sĩ khuyến khích:

  • Bài tập số 1: Người bệnh đứng hoặc ngồi, đặt hai tay trước ngực và chắp lại với nhau từ ngón tay đến khuỷu tay. Tiếp theo, người bệnh giữ lòng bàn tay áp sát vào nhau và từ từ hạ hai tay xuống hông, khi đó cánh tay và khuỷu tay xòe ra. Cuối cùng, người bệnh giữ nguyên tư thế này trong 30 giây, sau đó nâng tay lên và lặp lại.
  • Bài tập số 2: Người bệnh đứng hoặc ngồi, đưa một cánh tay phía trước mặt, bàn tay vuông góc với cánh tay và các ngón tay hướng lên trần nhà. Tiếp theo, người bệnh dùng tay kia kéo nhẹ các ngón tay về phía dưới và phía cơ thể, giữ nguyên tư thế này trong 30 giây. Cuối cùng, người bệnh thả tay ra và thực hiện tương tự với tay kia.
  • Bài tập số 3: Người bệnh đứng và đưa cánh tay phía trước, lòng bàn tay hướng xuống sàn. Tiếp theo, người bệnh thả lỏng cổ tay và các ngón tay, dùng tay kia kéo nhẹ các ngón tay về phía cơ thể. Giữ nguyên tư thế này trong 30 giây. Cuối cùng, người bệnh thả tay ra và thực hiện tương tự với tay kia.
  • Bài tập số 4: Người bệnh ngồi và đặt hai bàn tay lên đùi, lòng bàn tay hướng lên trần nhà. Tiếp theo, người bệnh khép nhẹ các ngón tay và nắm chặt lại, giữ cẳng tay trên chân, nâng nắm tay lên và uốn cong cổ tay, giữ nguyên tư thế này trong 10 giây. Cuối cùng, hạ nắm tay xuống đùi và lặp lại ít nhất 10 lần.
  • Bài tập số 5: Người bệnh ngồi trên ghế, cánh tay đặt xuôi theo hai bên hông. Tiếp theo, người bệnh kéo căng cổ tay bằng cách hất bàn tay lên phía trên và giữ trong 10 giây. Cuối cùng, người bệnh hạ tay xuống và thực hiện bài tập này 10 lần cho mỗi bên, ít nhất 3 lần mỗi ngày.
  • Bài tập số 6: Người bệnh có thể đứng hoặc ngồi, đặt hai cánh tay giữa hai bên sườn sao cho khuỷu tay gấp lại và tạo thành góc vuông với cánh tay, lòng bàn tay hướng xuống sàn. Tiếp theo, người bệnh nhẹ nhàng xoay cẳng tay để lòng bàn tay hướng lên. Cuối cùng, người bệnh xoay ngược lại để lòng bàn tay hướng xuống, thực hiện 10 lần. 
Bài tập giảm đau khớp cổ tay cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn để đạt hiệu quả cao nhất
Bài tập giảm đau khớp cổ tay cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn để đạt hiệu quả cao nhất
  • Bài tập số 7: Người bệnh đứng hoặc ngồi, thả lỏng và mở rộng các ngón tay. Tiếp theo, người bệnh từ từ nắm chặt tay lại. Cuối cùng, người bệnh duỗi thẳng các ngón tay trước khi nắm chặt và lặp lại quá trình này 30 lần.
  • Bài tập số 8: Người bệnh đứng thẳng, sau đó cúi người để hai tay chạm xuống sàn nhà. Tiếp theo, người bệnh đặt lòng bàn tay dưới các ngón chân sao cho lòng bàn tay hướng lên trên. Cuối cùng, nếu cần người bệnh có thể uốn đầu gối để đưa các ngón chân gần hơn với cổ tay, giữ tư thế này trong 10 hơi thở.
  • Bài tập số 9: Người bệnh sử dụng một dải băng để bọc quanh bàn tay nhằm hỗ trợ việc thực hiện bài tập. Tiếp theo, người bệnh dùng dải băng còn lại được quấn quanh bàn chân để giữ vững tư thế với lòng bàn tay hướng lên trên. Cuối cùng, người bệnh đặt khuỷu tay ở bên sườn, sử dụng cổ tay để cuộn tròn dải băng và siết chặt cơ tay và cẳng tay rồi từ từ thả ra, thực hiện 15 lần cho mỗi bên.
  • Bài tập số 10: Người bệnh đặt một quả bóng tennis hoặc bóng cao su vào lòng bàn tay, bóp chặt và giữ tư thế trong 10 giây, làm lại 15 lần cho mỗi bàn tay.

Những bài tập này là phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả có thể thực hiện bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu trong ngày để giảm đau cổ tay, đặc biệt đây là một cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà hữu ích đối với những người làm việc văn phòng.

4. Một số lưu ý khi áp dụng cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà

Khi thực hiện các bài tập giảm đau cổ tay, người bệnh cần chú ý một số điều sau:  

  • Người bệnh cần thực hiện các động tác nhẹ nhàng và tuân theo hướng dẫn một cách chính xác.
  • Bên cạnh việc tập luyện, người bệnh hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng đủ chất, giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe.
  • Đảm bảo uống đủ nước hàng ngày.
  • Phân chia thời gian và loại hình tập luyện một cách hợp lý mỗi ngày.
  • Sau khi tập luyện, người bệnh nên dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. 
Bên cạnh việc áp dụng cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà, hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng đủ chất, giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe.
Bên cạnh việc áp dụng cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà, hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng đủ chất, giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe.

Người bệnh cần lưu ý rằng các bài tập chỉ là cách chữa đau khớp cổ tay tại nhà mang lại hiệu quả đối với tình trạng đau nhẹ. Trong trường hợp đau nhức nặng hơn và kéo dài, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe